Khó như mua nhà ở xã hội

Thứ năm, 07/05/2020, 09:35
Là phân khúc vào loại “ra đến đâu hết đến đấy”, nhưng nhà ở xã hội cũng chất chứa nhiều câu chuyện bên lề, mà nỗi trần ai thì chỉ người nào ở trong cuộc, đứng vai người mua mới thấu rõ.

Dự án Ecohome 3 đang được nhiều khách hàng quan tâm

Mua nhà phải ăn… hành

Từng vài lần làm hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, nhưng sau những lần như vậy, anh Th. nhận thấy muốn sở hữu một căn nhà vừa sức là điều không dễ, nếu không muốn nói là thiên nan, vạn nan.

Năm 2019, khi tham gia nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội ở dự án Ecohome 3 của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Capital House), sau nhiều lần trực tiếp đến tận văn phòng tư vấn của chủ đầu tư, đặt tại dự án Ecohome 1, anh Th. được hướng dẫn hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục cần thiết. Sau khi hoàn thiện, anh Th. mang hồ sơ đến nộp thì được nhân viên tư vấn của Capital House cho biết, hồ sơ của anh còn thiếu.

Theo đó, nhân viên của chủ đầu tư cho biết anh phải có khẩu riêng, tức phải tách khẩu khỏi hộ khẩu hiện tại (anh Th. quê ở Ba Vì, Hà Nội). Điều đáng nói là trong các lần hướng dẫn trước đó, nhân viên tư vấn của chủ đầu tư không hề nói về điều kiện này. Sát ngày, lại bận đi công tác tỉnh xa, anh Th. đành chấp nhận bỏ dở giấc mơ an cư dù mất khá nhiều thời gian theo đuổi trước đó.

Đến năm 2020, cũng tại dự án Ecohome 3, nhưng của một chủ đầu tư khác (dự án được chia nhỏ cho nhiều chủ đầu tư), khi làm hồ sơ thì anh Th. mới biết rằng, hoàn toàn không có yêu cầu về việc tách khẩu như được tư vấn trước đó. Tuy nhiên, cái tréo ngoe lại ở chỗ, thông tin trên chính trang web của chủ đầu tư hướng dẫn một đằng, hồ sơ thu một nẻo. Lần này, rút kinh nghiệm đau thương từ năm trước, anh Th. đã chủ động làm sớm và kịp hoàn thiện hồ sơ. Dẫu vậy, đến thời điểm hiện tại, anh vẫn phải tiếp tục chờ xem mình có may mắn lọt vào danh sách được chọn!.

Nhiều trang môi giới rao bán lại nhà ở xã hội
Câu chuyện của anh Th. cũng giống khá nhiều trường hợp đang nộp hồ sơ thuê, mua nhà ở xã hội. Hiện nay, nhiều khách hàng làm việc trong các đơn vị sự nghiệp đều rất phấn khởi khi đơn vị chủ quản nhận được thư mời mua nhà ở xã hội cho cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, việc mời chào này cũng chỉ là chiêu của các chủ đầu tư, một mặt vừa tiếp cận được khách hàng tiềm năng, mặt khác coi như được quảng cáo miễn phí. Bởi thông thường, với các chính sách an sinh, khi nhận được thư mời mua nhà ở xã hội của chủ đầu tư, cơ quan chủ quản thường có các thông báo chi tiết cho cán bộ, nhân viên để đăng ký mua nhà. Và hiệu ứng mang lại là không hề nhỏ.

Đại diện một chủ đầu tư cho biết, thường thì khi dự án mở bán, thư mời này sẽ được gửi đến nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp, vừa dễ bán hàng, lại vừa không phải quảng cáo.

Ông Ng., hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, từ năm 2018, ông có nhận được thông báo số 54/TB-HNV về việc phân bổ nhà ở cho văn nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Văn bản nêu rõ, TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 8070/QĐ-UBND về việc giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Cơ điện IEC xây dựng và phân bổ cho Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 200 căn hộ - thuộc diện nhà ở xã hội. Trong đó, Hội Nhà văn Việt Nam được phân bổ 18 căn hộ.

Tràn đầy hy vọng với việc có thể sở hữu một căn hộ, nhà văn Ng. đã làm các thủ tục liên quan nhưng từ đó đến nay, ông vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi gì, kể cả việc hồ sơ thiếu/đủ ra sao, kết quả thế nào ông đều không hay biết.

Rao bán tràn lan

Với dự án nhà ở xã hội IEC, phản ánh đến Báo Đầu tư Bất động sản, chị N. có số điện thoại 09386…. ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, gia đình chị có nhu cầu mua nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội IEC Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhưng không biết liên lạc với chủ đầu tư như thế nào để nộp hồ sơ. Bởi chị không tìm thấy địa chỉ chủ đầu tư đã thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng Hà Nội là Cổ Điển A, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội.

“Khi tìm hiểu về dự án và chủ đầu tư trên mạng để hỏi thủ tục, hồ sơ, tôi thấy rất nhiều công ty môi giới tư vấn, bán dự án trên. Khi hỏi thì họ đều nói là phải mất phí dịch vụ mới mua được nhà. Trong khi, gia đình tôi phải chắt cóp mãi và phải đi vay thêm mới có khoảng 300 triệu đồng tiền mặt để mua nhà. Nếu phải qua các môi giới này, thì gia đình rất khó để mua nhà, vì phải mất thêm cả trăm triệu đồng để đặt cọc phí dịch vụ”, chị N. nói.

Trong vai người mua nhà, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cũng đã từng ghi nhận hàng loạt công ty môi giới địa ốc rao bán dự án nhà ở xã hội IEC và ra điều kiện thu tiền dịch vụ cả trăm triệu đồng để chắc chắn mua được căn hộ. Thậm chí, các môi giới ngồi bán hàng ngay cạnh dự án và có một số công ty như Lạc Việt land, Thăng Long land… còn thành lập cả sàn giao dịch, quảng cáo bán dự án nhà ở xã hội IEC một cách trái phép.

Nói về vấn đề này, luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Việc giám sát, kiểm tra sau khi khách hàng được duyệt hồ sơ mua nhà vẫn còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều người bán sang tay suất mua nhà để kiếm lời, trong khi người có nhu cầu ở thật lại bị loại, tạo ra sự bất công trong chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội”.

Cũng trong cả khoảng thời gian tìm hiểu và đăng ký mua nhà ở xã hội tại Ecohome 3, anh Th. liên tục nhận được những lời chào mời mua suất nhà ở xã hội của dự án này. Nhân viên các sàn môi giới cho biết, để chắc suất, khách hàng cần bỏ ra 50 triệu đồng (chưa mặc cả) để có được quyền mua căn hộ tại dự án do Capital House làm chủ đầu tư, thêm khoảng 30 triệu nếu muốn chọn căn, chọn tầng.  Nhân viên môi giới khẳng định chắc như "cua gạch" rằng, hoàn toàn đảm bảo được về việc chọn căn, chọn tầng, miễn là vào tiền cọc đầy đủ.

Khi anh Th. cho thấy thiện chí cần “lo” thủ tục, nhiều nhân viên môi giới cho biết, chỉ cần vào tiền cọc, nộp các giấy tờ liên quan (bản sao công chứng sổ hộ khẩu, chứng minh thư, căn cước…), các thủ tục còn lại để được chấm điểm cao sẽ do các cò lo hết, từ chuyện KT3, chứng minh thu nhập (xin xác nhận của một công ty bất kỳ…).

Trong vai một khách hàng cần mua căn hộ, phóng viên được một môi giới tên L. cho biết, việc của khách hàng là chuẩn bị tiền cọc, các giấy tờ liên quan, còn việc xin các xác nhận như chứng minh thu nhập, KT3, làm hoàn thiện và làm đẹp cho hồ sơ để có điểm cao, đảm bảo được duyệt hồ sơ là trách nhiệm của môi giới.

Thậm chí, khi phóng viên cho biết mức giá 50 triệu cho một suất mua căn hộ là quá cao, môi giới này cho biết, sẵn sàng giảm giá nếu người mua có thiện chí.

“Chúng em bán nhiều rồi, phần đa khách hàng đều không rành về thủ tục nên hồ sơ hay bị thiếu sót, khi chấm điểm cũng thấp nên hay trượt. Chúng em làm đảm bảo 100% có căn hộ cho khách. Còn nếu muốn chắc nữa, muốn chọn căn đúng diện tích, tầng và hướng thì anh phải thêm tiền. Nếu vào tiền muộn thì sẽ không còn căn đẹp”, L. cho biết thêm.

Hiện dự án Ecohome 3 đang được xây dựng, chủ đầu tư Capital House đã hoàn thành 2 đợt mở bán. Còn chủ đầu tư Bắc 9 cũng vừa hoàn thành đợt thu hồ sơ cuối (Dự án Ecohome 3 có 2 chủ đầu tư cùng thực hiện). Tuy nhiên, đến nay, trên các nhóm cư dân Ecohome 3, có khá nhiều thông tin rao bán lại căn hộ. Điều này khiến không ít khách hàng nghi vấn về việc người mua chạy hồ sơ để đầu tư sang tay, hưởng tiền chênh chứ không có nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, hoạt động giám sát việc mua đi, bán lại căn hộ tại các dự án nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa thực sự minh bạch.          

Theo Báo Đầu tư Bất động sản

Các tin cũ hơn