Không kiện mới lạ
Theo gia đình ông Võ Hiến và bà Trần Thị Hậu (trú tại An Lợi, xã Hòa Ninh), trong quá trình triển khai hai dự án Sân golf Bà Nà và dự án Cáp treo và quần thể KDL Bà Nà - Suối Mơ, UBND H.Hòa Vang đã thu hồi của gia đình ông bà nhiều thửa đất với tổng diện tích lên đến 16.000 m2. Rất nhiều quyết định thu hồi đất, kiểm định, áp giá đền bù được ban hành kèm theo, nhưng phần lớn đều không đền bù, hỗ trợ về đất.
Đơn cử như thu hồi 4.312 m2 do gia đình canh tác từ năm 1991 (nguồn gốc đất do UBND xã Hòa Ninh quản lý) nhưng không bồi thường, hỗ trợ tiền đất mà chỉ bồi thường vật kiến trúc, cây cối hoa màu với số tiền hơn 31,5 triệu đồng.
Trong khi đó, lô đất hơn 4.000 m2 (là đất trống, do gia đình tự khai hoang từ năm 1993) cũng chỉ được bồi thường hoa màu, vật kiến trúc 12 triệu đồng mà không hỗ trợ, bồi thường công khai phá... Đến lô đất 751 m2, cũng chỉ hỗ trợ vật kiến trúc, cây cối, hoa màu số tiền 8 triệu đồng.
Đỉnh điểm bức xúc của gia đình phát sinh khi UBND H.Hòa Vang tiếp tục thu hồi 2.207 m2 đất ở và vườn tược, cây cối, hoa màu được gia đình tạo lập từ năm 1990 (do mua lại của bà Đặng Thị Hiệp, được UBND xã Hòa Ninh xác nhận).
Tuy nhiên, trong quyết định bồi thường, Ban Giải tỏa đền bù số 1 TP.Đà Nẵng chỉ áp giá hỗ trợ về đất có 3.000 đồng/m2. Sau nhiều lần kêu cứu, UBND TP.Đà Nẵng cũng lần lượt tăng số tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại hoa màu, cây cối và bố trí đất tái định cư cho gia đình. Tuy nhiên, những khoản hỗ trợ này không thấm tháp gì so với công sức mà gia đình đã bỏ ra khai hoang, phục hóa, trồng cây, xây nhà suốt từ năm 1990.
Nhà đất gia đình bà Hậu trước khi bị cưỡng chế. |
“Mất dạy” vì đi kiện
Điều đáng buồn là sau khi đứng đơn cùng chồng (là con liệt sĩ) kêu cứu khắp nơi nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho gia đình, bà Trần Thị Hậu đã bị Trường tiểu học Hòa Ninh, nơi bà đứng lớp nhiều năm qua, kỷ luật buộc thôi dạy, thôi làm chủ nhiệm lớp để làm công tác quản lý thiết bị, thư viện. Mà lý do duy nhất để trường kỷ luật là do bà Hậu khiếu kiện kéo dài (!?).
Ông Đoàn Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Ninh cho biết, nhà trường “làm theo chỉ đạo của Phòng GD-ĐT H.Hòa Vang”. Còn ông Lê Văn Phước, Trưởng phòng GD-ĐT H.Hòa Vang thì cho rằng, lý do cô Hậu bị "mất dạy" là vì “làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục".
Theo ông Phước, với tư cách là một giáo viên, một đảng viên lẽ ra cô Hậu phải chấp hành chủ trương, đường lối, đằng này cô khiếu kiện UBND huyện hoài. "Tôi yêu cầu nhà trường không bố trí cho cô dạy một thời gian, để dư luận lắng dịu", ông Phước giải thích.
Trước tình cảnh vừa bị thu hồi đất, vừa bị cưỡng chế nhà, vợ cũng bị mất dạy, ông Võ Hiến rưng rưng: "Cha tui hy sinh sớm, bản thân không học hành gì, mẹ thì già yếu, con dại, vợ lại không được dạy trong khi nhà cửa bị tháo dỡ thế này". Còn bà Hậu tâm sự: "Mẹ già, chồng không chữ nghĩa, con nhỏ, chỉ còn tui biết đôi chút, tui không đứng đơn cùng chồng đi kiện đòi quyền lợi cho gia đình thì chịu sao đành".
Giải thích nguyên nhân đi kiện, bà Hậu quệt nước mắt: "Cứ thấy bảng áp giá lúc ghi hỗ trợ, lúc ghi bồi thường 3.000 đồng/m2 đất mà cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc...".
Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng: "Đừng để ai bị giải tỏa đền bù mà có cuộc sống khó khăn hơn trước" Tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP.Đà Nẵng vừa qua, đại biểu Thái Thanh Hùng phản ánh: "Giá đền bù đất nông nghiệp quá thấp, thấp hơn so với nhiều nơi. Nếu giải tỏa để phục vụ an ninh, quốc phòng thì thôi không nói làm gì, chứ giải tỏa để lấy đất giao cho doanh nghiệp thì phải có chính sách đền bù thỏa đáng". Ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng, nếu tính cả các khoản chi hỗ trợ thì giá bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp ở Đà Nẵng cũng khá cao, sắp tới sẽ còn tăng thêm 30% nữa. Kinh nghiệm giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư tại Đà Nẵng theo ông Thanh là "đừng để ai bị giải tỏa đền bù mà có cuộc sống khó khăn hơn trước". |
Theo Thanh Niên