Nhưng có ý kiến cho rằng nếu nhìn từ góc độ nhà ở xã hội, lẽ ra không nên chờ đến lúc này mới làm mà nên thực hiện nhiều năm trước đây, giống như ở Úc. Bối cảnh Úc cũng giống Việt Nam: giá bất động sản ở mức cao so với thu nhập trung bình của người dân trong khi dân số bùng nổ. Người Úc đã phải dành ra 30% tổng thu nhập để trả cho chi phí nhà ở.
Tại Úc, đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội, trực tiếp lẫn gián tiếp, tài chính lẫn phi tài chính. Chẳng hạn, theo chương trình Tài trợ mua nhà lần đầu được giới thiệu vào tháng 7/2000, Chính phủ nước này đã tài trợ 7.000 USD cho những người mua nhà lần đầu đủ tiêu chuẩn.
Trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu, Chính phủ Úc còn thực hiện thêm chương trình tài trợ đặc biệt từ tháng 10/2008 đến tháng 12./2009. Theo đó, người mua nhà đầu tiên được nhận thêm từ 3.500-14.000 USD.
Bên cạnh việc hỗ trợ cho người có nhu cầu mua nhà, nước này còn hỗ trợ cho người thuê nhà. Người dân có thể đăng ký để thuê nhà cộng đồng do Chính phủ sở hữu với giá thuê thấp hơn nhà tư nhân.
Khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp tại Bình Dương. |
Nhưng người muốn thuê phải đăng ký. Danh sách người chờ thuê nhà quá dài và thời gian chờ đợi có thể khá lâu, tùy thuộc vào khu vực muốn ở, số người trong gia đình và nhu cầu thuê nhà có cấp bách hay không.
Trong khi đó, số nhà ở xã hội do Chính phủ Úc hoặc các tổ chức phi lợi nhuận nắm giữ chỉ chiếm có 5% tổng số nhà. Vì thế, Chính phủ Úc đã trợ giá cho người thuê nhà ở tư nhân bằng cách hỗ trợ các khoản tiền thế chân hay khoản đóng trước 1 tháng tiền nhà. Hiện tại, có hơn 1 triệu hộ gia đình đã được Chính phủ Úc trợ cấp thuê nhà ở tư nhân.
Ở Úc có những chương trình hỗ trợ được phân loại rõ ràng theo từng đối tượng. Người trẻ tuổi, người già, người tàn tật, hay người Úc bản địa cũng sẽ được phân nhóm hỗ trợ khác nhau, chứ không chỉ hỗ trợ cho người có thu nhập thấp. Trong từng nhóm này, nhu cầu về mua nhà hay thuê nhà cũng khác biệt nhau.
Những nước phát triển khác ở châu Âu, Mỹ hay Canada cũng đã thực hiện chiến lược nhà ở xã hội từ những năm sau Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Nhà ở xã hội từ lâu đã là nhu cầu bức thiết, khi dân nhập cư bắt đầu tăng lên. Tại các nước này, điểm chung là nhà ở tư nhân thường chiếm phần lớn và chính sách hỗ trợ được áp dụng cho cả người mua lẫn người thuê nhà.
Ở Việt Nam, các biện pháp hỗ trợ nhà ở xã hội dường như chỉ tập trung vào việc mua đứt bán đoạn, chứ không phải cho thuê, trong khi chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia các đề án nhà ở xã hội.
Tất nhiên, khó có thể so sánh Việt Nam với các nước phát triển vì có sự chênh lệch rất lớn giữa mức độ phát triển cả về thị trường tài chính lẫn năng lực quản lý. Nhưng điều quan trọng là các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội nên được thực hiện một cách dài hạn.
Tỉ lệ người gặp khó khăn về tài chính (*) tại Úc đã giảm mạnh sau khi được Chính phủ hỗ trợ thuê nhà. |
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách công, Chương trình Kinh tế Fulbright, ủng hộ việc chuyển đổi sang hình thức cho thuê. Theo ông, khả năng thanh toán và nhu cầu mua của người dân trong lúc này rất thấp, trong khi nhu cầu về nhà ở cho thuê vẫn cao. Người thuê có thể sẽ mua lại căn nhà họ đang thuê sau một thời gian kiểm chứng được chất lượng nhà. Còn về phía Chính phủ, nguồn lực hỗ trợ cho việc thuê nhà sẽ thấp hơn nhiều so với việc mua nhà.
Chưa thể khẳng định sự thành công của gói giải pháp hỗ trợ về nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp và trung bình, nhưng một điều chắc chắn là gói hỗ trợ này chỉ là bước đầu tiên trong việc phục hồi thị trường bất động sản.
“Tôi nghĩ không thể giải quyết bong bóng bất động sản chỉ bằng việc hỗ trợ cho người thu nhập thấp. Muốn tạo lập nhà ở cho người thu nhập thấp thì cần có chính sách dài hơi hơn, do Chính phủ xây dựng”, Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Nhật, trả lời trên một tờ báo kinh tế gần đây.
Chuyên gia Đặng Hùng Võ thì cho rằng ngoài việc hỗ trợ trực tiếp theo nhu cầu đúng nơi và đúng chỗ, Chính phủ cần cân đối lại nguồn cung nhà trên thị trường và cải cách hành chính theo nguyên tắc công bằng, minh bạch”.
Theo NCĐT