Còn nhớ, 4 năm trước, chuyện thưởng hàng chục triệu, trăm triệu, thậm chí tiền tỷ cho nhân viên đối với DN ĐBS được xem là “chuyện vặt”. Anh D, trưởng phòng kinh doanh của một DN BĐS nhớ lại vài năm trước, riêng tiền thưởng Tết của anh có thể mua được chiếc “xế hộp” đầu tư nọ kia... Nhưng tưởng làm ăn thuận lợi, anh D dốc vốn và vay ngân hàng “ôm” 2 nền đất và 3 căn hộ chung cư, một thời gian sau thị trường sụt giảm, giao dịch “đóng băng”, D như ngồi trên đống lửa.
Anh D tìm cách bán số BĐS đã ôm để thu hồi vốn, may mắn D đã đẩy được 2 mảnh đất nền, nhưng lỗ mất hơn 2 tỷ. Còn 3 căn hộ hiện nay D “mắc cạn” tìm khách bán cắt lỗ cũng khó, trong khi đó mỗi tháng phải trả lãi ngân hàng tới gần trăm triệu đồng. Chỉ trong vòng 2 năm, anh D phải bán ô tô, chuyển sang đi xe máy để trả lãi ngân hàng.
Nói về thưởng Tết Dương lịch năm nay, anh D cho biết không nhận được một đồng nào, do công ty không có nguồn thu, chỉ hoạt động cầm chừng. “Sợ Tết Âm lịch năm nay cũng không thấy tiền thưởng đâu… và cứ đà này, khó bám trụ được với nghề này trong năm 2013, em sẽ chuyển nghề khác mất.” Anh D lo lắng.
Nhiều dự án bỏ hoang, giao dịch "đóng băng" khiến không ít DN BĐS điêu đứng |
Một nhân viên công ty BĐS khác phàn nàn, thưởng Tết mỗi năm thụt đi mất vài chục %, như giảm theo giá nhà đất vậy. Năm ngoái thì được 1 tháng lương, năm nay giảm đi 1 nửa… Trong khi đó, lương nhân viên năm 2012 cũng đã bị cắt giảm do công ty hoạt động khó khăn. Cứ như đà này, không biết năm sau còn bao nhiêu…
Khá hơn, một số ít công ty BĐS khác vẫn có nguồn thu, dự kiến sẽ thưởng Tết không cao so với mọi năm và dù khó đến đâu, lãnh đạo DN vẫn chuẩn bị quà Tết và tháng lương thứ 13 cho nhân viên, đồng thời hỗ trợ thêm tiền tàu xe đối với những nhân viên xa quê. Ngoài ra, một số DN BĐS thưởng Tết Dương lịch cho nhân viên chỉ 300 đến 500 ngàn, và dự kiến thưởng Tết Âm lịch từ 1-2 triệu đồng/người.
Báo cáo thị trường của CBRE Việt Nam dự đoán nguồn cung tương lai sẽ có khoảng 34 dự án gia nhập thị trường trong 3 năm tới. Trong đó, 33 dự án được xác định sẽ cung cấp khoảng 30.000 căn hộ. Tuy nhiên, sức hấp thụ của thị trường hiện nay vẫn rất yếu, cả hai khu vực ước tính giao dịch chỉ khoảng 5 – 7% tổng nguồn cung.
Ông Phạm Sỹ Liên – Phó Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết, năm 2012, các doanh nghiệp cảm nhận được khó khăn nhất từ trước tới nay. Kể từ sau khi chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế, lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng nặng nề. Thị trường nhà đất dù không sụp đổ nhanh chóng, tỷ lệ giao dịch lẫn giá cả trên thị trường BĐS đã bắt đầu đi xuống trong sự bất lực của các “ông lớn”.
Theo ông Liêm, nếu so với thời điểm "sốt nóng" giữa năm 2008, giá bất động sản vào cuối năm 2012 đã giảm khoảng 50% - 60%. Sau đó, giá chào bán từ nhà đầu tư cấp một lẫn thứ cấp âm thầm sụt giảm dần và có thời điểm gần ngang bằng với giá trước thời hoàng kim 2008.
Trao đổi với PV, lãnh đạo một công ty kinh doanh BĐS cho biết, ngay đầu năm 2012, cả ban lãnh đạo công ty đã hình dung được viễn cảnh thị trường năm vừa qua như thế nào rồi, nên đã cho nghỉ việc gần 20 nhân viên, 1 sàn giao dịch tại Hà Nội đóng cửa.
Khi trao đổi về thưởng Tết năm 2013, lãnh đạo DN này cho biết, hiện nay, công ty chỉ còn chưa đến 10 nhân viên, hoạt động cầm chừng. Năm 2012, kinh doanh yếu kém hầu như không có nguồn thu nên thưởng Tết Dương lịch cho anh em cũng chỉ vài ba trăm ngàn, còn Tết Âm lịch cũng chỉ từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
“Nếu trong năm 2013, tình hình thị trường BĐS không mấy sáng sủa, công ty không trụ được và nguy cơ sẽ bị giải thể, anh em tự đi kiếm việc khác”, lãnh đạo DN này chán nản.
Năm 2012, từ nhân viên đến lãnh đạo các DN BĐS đều ý thức được rằng, họ phải đón thêm một cái Tết đạm bạc và “túng quẫn” nhất trong nghiệp làm ăn ngành BĐS của mình và luôn ngóng thị trường sớm phục hồi để không phải buồn mỗi khi nhắc đến thưởng Tết.
Theo Infonet