Cung vốn cho bất động sản dồi dào
Cùng với chính sách hỗ trợ vốn giá rẻ cho khách hàng trong diện được mua nhà ở xã hội, với gói vốn 20.000 – 40.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ưu đãi ở mức 6%/năm thông qua việc tái cấp vốn cho các NHTM Nhà nước, NHNN đã không còn khống chế mức tín dụng cho lĩnh vực này như các năm trước. Khả năng hấp thụ vốn của khối khách hàng DN vẫn chậm do hàng tồn kho vẫn cao, khiến các ngân hàng tập trung đẩy mạnh tín dụng cho khách hàng cá nhân.
Nhiều nhà băng như Eximbank, Sacombank, ACB hay BIDV, Vietcombank, Vietinbank… đã sẵn sàng đưa ra những gói vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản.
HSBC Việt Nam đang điều chỉnh lãi suất cho vay BĐS vềmức13,5-16,5%/năm. |
HSBC Việt Nam cũng xác định chiến lược hoạt động của Ngân hàng là tập trung vào cho vay bất động sản. Theo ông Phương Tiến Minh, Giám đốc cao cấp phát triển chiến lược khách hàng Khối Tài chính cá nhân và quản lý tài sản cho biết, hiện Ngân hàng đang điều chỉnh dần lãi suất về mức 13,5 – 16,5%/năm.
Thời hạn cho vay lên đến 25 năm và hạn mức vốn cấp khoảng 8 tỷ đồng/cá nhân có nhu cầu vay vốn mua nhà ở và có thể tăng thêm tùy theo nhu cầu.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, đại diện nhiều ngân hàng cho biết, không dễ kích thích được tăng trưởng dư nợ tín dụng nhà ở trong bối cảnh thị trường hiện nay, cho dù điều kiện cho vay đã phần nào được nới lỏng hơn trước.
Chẳng hạn, tại Eximbank, sau gần 4 tháng triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho cá nhân vay mua nhà, với mức lãi suất chỉ 10 – 12%/năm, cố định trong 2 năm đầu, Ngân hàng mới giải ngân được vài trăm tỷ đồng.
Lãi suất khó giảm sâu
Theo đánh giá của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, khó có thể kỳ vọng tín dụng bất động sản tăng trưởng trong năm nay, bởi khách hàng còn trông chờ lãi suất và giá nhà giảm thêm mới tính đến việc vay tiền mua nhà, trong khi các ngân hàng thận trọng trong việc rót vốn nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu.
Ông Phước nhận định, cùng với chính sách kích cầu bất động sản được Chính phủ đưa ra như hỗ trợ vốn cho người dân mua nhà xã hội với lãi suất rất thấp sẽ góp phần tác động làm lãi suất giảm thấp hơn. Tuy nhiên, do lạm phát trong năm nay khó có khả năng xuống thấp hơn năm 2012, nên nhiều khả năng, lãi suất huy động sẽ dao động trong khoảng 7-9%/năm, tương ứng với mức lãi suất cho vay từ 10 - 12%/năm.
Cùng quan điểm với ông Phước về khả năng lãi suất khó giảm sâu, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, thị trường bất động sản không nên quá ảo tưởng vào sự phá băng trong năm 2013 khi tín dụng ở lĩnh vực này được cho là đang dần rộng cửa.
“Với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức 7 - 8%, thì trần lãi suất huy động phải được duy trì ở mức 8%/năm. Trong trường hợp lạm phát được kiểm soát tốt hơn mục tiêu đưa ra, lãi suất huy động cũng chỉ có thể giảm thêm 1%/năm, nhưng phải đến cuối năm nay”, vị chuyên gia này nói.
Thực tế thị trường hiện nay cho thấy, dù trần lãi suất huy động được ấn định ở mức 8%/năm, nhưng tình trạng vượt trần lãi suất vẫn tồn tại ở khá nhiều ngân hàng. Thậm chí, có ngân hàng còn trả lãi suất đến 11 - 12%/năm cho khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm và hơn mức này cho kỳ hạn tiền gửi trên 1 năm.
Do đó, theo nhận định được đưa ra từ một Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, lãi suất cho vay mua nhà khó phổ biến ở mức 9 - 10%/năm.
Theo ĐTCK