Kiếm tiền dễ như... buôn nhà cho thuê

Thứ ba, 05/03/2013, 15:35
Hiện nay có một số ông chủ đứng ra thuê lại những dãy nhà, căn hộ với giá cả phải chăng rồi cho khách hàng thuê lại để hưởng giá chênh lệch.

Bằng những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi, các ông chủ này có thể kiếm tiền tỷ, dù thị trường bất động sản đang "đóng băng".

Vốn ít, lời nhiều

Thời gian qua, thị trường bất động sản đang "đóng băng", hàng loạt những ông chủ kinh doanh nhà đất đã trắng tay, nhiều người phải bán thốc bán tháo những căn hộ để trả lãi ngân hàng. Trong khi đó, thị trường nhà cho thuê vẫn đắt khách. Nhiều ông chủ kinh doanh các phân khúc của thị trường bất động sản đã chuyển sang kinh doanh nhà cho thuê. Có những công trình nhà ở không bán được đã phải chuyển sang cho các công ty, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thuê để kinh doanh, làm văn phòng, nhà ở...

Nhìn thấy thị trường tiềm năng này, nhiều người đã vào cuộc. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh này cũng đầy rẫy rủi ro, bất trắc. Thực tế đã xuất hiện những cuộc cạnh tranh, lừa đảo khốc liệt trong giới buôn bán nhà cho thuê. Những ông chủ này lùng sục khắp các nơi để tìm thuê trọn gói những dãy nhà, căn hộ rồi cho "chân rết" khắp các nơi, kiếm khách về thuê để hưởng giá chênh lệch.

nhà cho thuê 
 Những ông chủ buôn nhà cho thuê dùng mọi thủ đoạn để kiếm lời.

Anh Hà Quang Hưng (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một ông chủ buôn bán bất động sản có tiếng. Sau một thời gian khủng hoảng, bất động sản liên tiếp tụt dốc, anh nhận định giá nhà đất còn giảm nhiều. Vì thế, anh vội vã bán thốc bán tháo số tài sản khổng lồ đó để trả lãi ngân hàng và gỡ gạc phần nào tiền vốn đầu tư.

Với đầu óc nhạy bén trước thời cuộc, anh dồn số vốn còn lại vào việc buôn bán nhà cho thuê. Anh cho biết: "Buôn bán nhà cho thuê dù không lãi lớn như việc buôn bán đất đai nhưng lại ăn chắc hơn. Lãi nhiều hay ít phụ thuộc vào quy mô và sự tính toán, quản lý của ông chủ". Anh Hưng cho biết thêm: "Sau khi trừ tiền hợp đồng cho chủ, thanh toán chi phí cho những tay môi giới, nhân viên thì mỗi căn phòng tôi cũng lời khoảng 500.000 đồng mỗi tháng. Nếu số lượng càng nhiều thì lời càng cao. Hiện, với hàng trăm căn hộ cho thuê, tôi đang kiếm được mỗi tháng gần một tỷ đồng".

Đào tạo "cò" để... lừa đảo

Bị lừa tiền vẫn phải "ngậm bồ hòn"

Chị Trịnh Thị Hòa, nhân viên của một công ty tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho hay: "Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ở lại Hà Nội lập nghiệp. Vì không có điều kiện mua nhà nên tôi phải thuê phòng trọ.

Sau cả tháng trời tìm phòng không được, đang lúc thất vọng thì có một cậu sinh viên đến bảo tôi đi xem phòng.

Tôi theo cậu này đến xem phòng, thấy ưng ý, tôi đặt cọc 2 triệu đồng, nhưng hôm sau đến xem phòng thì đã thấy phòng đó có người ở.

Tôi tìm gặp ông chủ để hỏi lý do, ông này bảo phòng này đã có người đặt cọc trước đó cả tuần. Tôi đòi lại tiền đặt cọc thì bị chủ nhà chửi mắng thậm tệ: “Tôi có nhận tiền của cô đâu. Cô ngốc nghếch đến nỗi đưa tiền cho một kẻ không quen biết thì tôi cũng "bó tay"”.

Việc đầu tiên của những ông chủ này là thuê và đào tạo đội ngũ "cò" chuyên nghiệp. Họ thường chọn những người có khả năng ăn nói, tác phong nhanh nhẹn và kỹ năng xử lý nhanh các tình huống “bất ngờ”. Sau đó, "cò" sẽ được đào tạo mọi vấn đề liên quan về thị trường nhà cho thuê, các mánh khóe dẫn dụ khách...

Khi đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đội ngũ "cò" sẽ được tung ra thị trường, tìm khách và giới thiệu về căn hộ. "Cò" liên hệ với các mối quan hệ thân quen như bạn bè, anh em để tìm khách hàng. Thị trường mà giới "cò" này thường tiếp cận là sinh viên ở các trường chuyên nghiệp, nhân viên tại các công ty, xí nghiệp, dân lao động tự do trên địa bàn.

Khi tiếp cận với đối tượng, "cò" sẽ dùng mọi thủ đoạn để thuyết phục khách hàng. Bằng những lời dụ ngon ngọt như: Căn hộ ở gần bến xe, tiện đường, trong sạch, thoáng đãng, giá cả rất rẻ..., nếu không dụ ngay được thì "cò" sẽ xin số điện thoại để gọi điện, nhắn tin, thuyết phục khách. Nhiều khách hàng khó tính cũng xuôi xuôi vì sự thuyết phục của họ và chấp nhận đến tận nơi xem phòng. Chỉ cần dẫn được khách đến thăm quan là coi như việc của "cò" đã thành công một nửa. Đội ngũ "cò" này rất tinh vi trong việc đánh lừa người xem nhà.

Đối với những phòng ở tầng 5, tầng 6 mà vẫn phải đi cầu thang bộ thì "cò" sẽ tìm cách dẫn khách tham quan từng phòng và giới thiệu về từng căn hộ.

"Đối với những khách hàng khó tính, chê đủ thứ thì "cò" phải có nghệ thuật "xoay" chuyển tình huống. Ví dụ, khách bảo hướng nhà không đẹp thì cần có lý lẽ riêng về phong thủy. Phong là gió, thủy là nước. Giờ người ta dùng nước máy nên nước chảy hướng nào chẳng được. Còn cửa nhà được dựng theo hai hướng, hướng nào cũng có thể đón gió. Gió vào cửa này, còn cửa kia là lối ra vào", "cò" tên Linh chia sẻ.

Khi dẫn khách thành công, "cò" sẽ được hưởng phần trăm hoa hồng, giá cả thỏa thuận giữa chủ và "cò". Ngoài ra, "cò" nào giỏi còn có thể dẫn khách với giá cao hơn giá do chủ đề ra, phần chênh lệch đó thì "cò" hưởng tất.

Những ông chủ đứng ra làm hợp đồng thuê trọn gói căn hộ, tòa nhà, dãy nhà cho thuê thì họ sẽ làm đủ mọi cách để có thể sinh lời nhiều nhất.

Ông Trần Quang, một chủ buôn nhà cho thuê tại khu vực quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: "Khi thuê cả tòa nhà gồm 20 phòng có giá khoảng 40 triệu/tháng, tôi sẽ phải đặt cọc trước 3 tháng khoảng 120 triệu đồng, cộng thêm tháng đầu tiên tiền nhà, tổng cộng khoảng 160 triệu đồng.

Tuy nhiên, tôi chỉ đưa trước 80 triệu đồng, khi nào dẫn khách vào đủ sẽ trả nốt phần còn lại. Thời gian đó phải khẩn trương tìm và đưa khách vào thật nhanh. Mỗi phòng tôi thu của khách 3 tháng liên tiếp (giá mỗi phòng 3 triệu đồng/tháng) sẽ được 9 triệu đồng/ phòng, 20 phòng sẽ có 180 triệu đồng. Mỗi tháng tôi lời 20 triệu đồng".

Để tăng nguồn lợi nhuận, chủ sẽ viện lý do rằng, phòng không đảm bảo chất lượng, khách thuê sẽ không có lãi, yêu cầu chủ nhà sửa sang thêm phòng như lắp thêm bình nóng lạnh, sửa lại cửa, thay cánh quạt... "Nếu chủ không đồng ý thì tôi cũng xin hoàn lại vốn. Nếu rút vốn thì tôi cũng "ẵm" của khách khoảng 90 triệu đồng tiền thu trước. Tuy nhiên, đa số các chủ nhà sẽ đồng ý với việc sửa sang lại phòng. Khi phòng đã được sửa sang, tôi sẽ tăng tiền phòng, do đó, lợi nhuận sẽ tăng lên đáng kể", một "cò" kể.

Để có được lượng khách hàng dự trữ, các ông chủ còn sai "cò" dẫn khách đến và hứa rằng, phòng này, phòng kia sẽ có người chuyển đi trong thời gian tới. Sau đó, họ dụ khách đặt tiền cọc trước. Phương châm kinh doanh của những ông chủ này là: "Phòng có thể thiếu nhưng khách lúc nào cũng phải thừa".

Có những ông chủ sẽ sai "cò" nói với khách rằng, ngày mai sẽ có phòng, yêu cầu phải đặt tiền trước, mai đúng giờ hẹn thì dọn đồ đến. Nhưng khi khách tìm đến thì khách cũ vẫn chưa biết việc chuyển phòng, có nhiều khách đặt tiền cọc nhưng vẫn không thể lấy lại. Khi đến hỏi thì ông chủ đổ lỗi cho "cò" cầm tiền chứ không liên quan gì đến chủ, và họ lại bảo khách đi tìm người môi giới đòi lại. Lúc này, khách thuê coi như mất trắng tiền đặt cọc…

"Cò" tên Phan cho hay: "Việc lừa đảo này đều là do chủ đứng ra chỉ đạo. Khi xác định được "con mồi" thì họ sẽ lên kế hoạch cụ thể để lừa khách. Số tiền kiếm được sẽ được "cưa" đôi. Việc kiếm lời này thực chất là thủ đoạn "móc túi", chiếm đoạt trắng trợn tiền của người đi thuê nhà.

Người xưa có câu "phi thương bất phú". Nhưng với nhiều người, buôn mà muốn giàu nhanh thì phải "lách" luật và lừa đảo. Chính vì vậy, cuộc tranh giành ở thị trường "béo bở" của những chủ buôn nhà cho thuê còn nhiều thủ đoạn tinh vi, nhẫn tâm hơn...

Theo NĐT

Các tin cũ hơn