Thị trường bất động sản đang đóng băng và một nguồn tiền kích cho nó sống lại là vô cùng cần thiết. Tuy vậy, khu vực tư đã cạn tiền và giới bất động sản chẳng hy vọng gì nhiều vào nhà nước, vì ngân sách đang lao đao và một gói “cứu trợ” như thế, về mặt chính trị là còn phải tranh luận nhiều.
Hy vọng nay dồn về NHNN với chương trình như Công ty quản lý tài sản (VAMC). Nhưng đó chỉ là vốn vay (một ngày nào đó sẽ phải quay lại NHNN) và dù sao thì việc NHNN tăng cung tiền xử lý khủng hoảng sẽ luôn có tác dụng phụ.
Ấy thế mà có một nguồn vốn thực sẵn sàng đổ vào bất động sản lại bị pháp luật ngăn cấm vì những lý do đã không còn phù hợp trong bối cảnh mới: Nguồn vốn của người nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam.
Vì sao không cho người nước ngoài mua nhà?
Bên cạnh vấn đề muôn thuở mang tên an ninh quốc phòng, có lẽ nguyên nhân chính là sợ vốn ngoại sẽ làm trầm trọng hơn bong bóng bất động sản. Nên lưu ý, các quy định hiện nay về việc có cho người nước ngoài mua nhà và đất ở Việt Nam hay không ra đời vào khoảng năm 2008-2009, khi bong bóng nhà đất đang ở đỉnh điểm và chính phủ đang đề ra hàng loạt biện pháp ngăn dòng vốn vào bất động sản.
Lo ngại này không phải hoàn toàn vô lý. Nghiên cứu của CBRE đối với thị trường bất động sản các nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, … cho thấy nước nào càng thông thoáng trong chuyện cho người nước ngoài mua nhà, giá nhà tăng càng nhanh và ổn định. Giá nhà ở Việt Nam thời điểm 2008-2009 vốn đã ở mức cao ngất ngưởng, hẳn chẳng nhà hoạch định chính sách nào lại muốn đẩy nó cao thêm.
Như ở Singapore, do quy định quá thoáng nên luồng vốn nước ngoài đổ vào nhà đất quá mạnh, đẩy giá nhà từ mức hợp lý lên cao vượt tầm với của phần lớn dân bản địa. Gần đây, nước này đã có hàng loạt biện pháp từ hành chính đến thuế khóa để hạn chế xu hướng kể trên.
Tuy vậy, những lập luận trên đây đã cũ, bối cảnh kinh tế nay đã khác và Việt Nam cũng không phải Singapore.
Thứ nhất, bất động sản Việt Nam vốn đã quá đắt, bản thân Việt Nam lại không phải một “business hub” như Singapore hay Hong Kong nên có lẽ sẽ chẳng có chuyện vốn ngoại ào ạt đổ vào Việt Nam một khi rào cản về sở hữu được dỡ bỏ.
Thứ hai, nếu như thị trường các nước khác đang trong xu hướng lên thì Việt Nam đang trong xu hướng giảm. Vốn ngoại trong trường hợp này sẽ không phải là “lực đẩy” khiến thị trường nóng thêm mà là “lực đỡ” khiến thị trường hạ nhiệt một cách từ từ.
Thứ ba, có khả năng sức mua của khối ngoại sẽ không cạnh tranh trực tiếp với người mua trong nước vì chênh lệch mức sống. Vốn ngoại sẽ bỏ qua loại chung cư giá 10-15 triệu đồng/m2 và tập trung vào phân khúc từ 20-25 triệu đồng/m2 trở lên. Thật may, đó chính là phân khúc mà hàng tồn kho đang không biết nên giải quyết ra sao.
Có phải thuốc tiên?
Có và không, còn tùy phân khúc nào.
Với nhà để ở (cả chung cư và nhà đất), vốn ngoại có lẽ chỉ ở mức hạn chế do vấn đề giá cả và thực tế Việt Nam cũng chẳng phải điểm đến hấp dẫn gì trong mắt quốc tế (trừ Việt kiều). Nhưng có còn hơn không, nếu số tiền thật này xuất hiện trên thị trường, xã hội sẽ bớt được phần nào liều thuốc đắng mang tên VAMC.
Ngược lại, với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, đây thực sự sẽ là liều thuốc tiên. Với đường bờ biển dài và thiên nhiên đa dạng, người nước ngoài có không ít lý do để đến Việt Nam nghỉ ngơi thư giãn. Ví như ở Thái Lan, người nước ngoài mua tới 80% bất động sản ở ven các khu du lịch nổi tiếng như Phukhet hay Pattaya. Một số liệu đáng khích lệ cho những thành phố biển như Đà Nẵng hay Nha Trang.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam còn thiếu những khu biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp nên không thể thu hút được giới nhà giàu ngoại quốc. Thực tế thì chính vì chúng ta ngăn cấm giới nhà giàu ngoại quốc đến Việt Nam mua nhà nên mới chưa có nhiều tên tuổi lớn trong giới bất động sản thế giới tìm đến Việt Nam lập dự án đón đầu nhu cầu kể trên.
Một khi các hạn chế được dỡ bỏ, các công ty bất động sản Việt sẽ không chỉ thanh lý được vài biệt thự đơn lẻ mà còn “thoát hàng” được toàn bộ dự án khi các nhà phát triển nước ngoài tìm mua để cải tạo lại.
TS Alan Phan từng so sánh con đường để giá nhà giảm từ mức hiện nay về một mức hợp lý cũng “khó nuốt” như những con cóc xấu xí (dù rút cục vẫn phải nuốt). Vậy thì nếu có một ai đó sẵn sàng nuốt hộ (và nuốt ngay) giúp Việt Nam vài con, chẳng có lý do gì chúng ta lại chối từ!
Theo TTVN