Văn phòng hạng A có vị trí đẹp, chất lượng tốt nhưng gần đây đã không được thế thượng phong. Doanh nghiệp ngày càng có xu hướng lựa chọn văn phòng hạng B thay thế, vì sao vậy thưa ông?
Do nguồn cung chính của trung tâm rất ít nên giá thuê văn phòng ở khu đắc địa có nguồn cầu rất cao. Vị trí lấp đầy ở văn phòng trung tâm thường khoảng 80-90%. Tuy nhiên, trong Quý I, diện tích đã cho thuê chủ yếu thuộc các tòa nhà hạng B với tổng diện tích thực thuê hơn 10.000m2. Văn phòng hạng B sôi động hơn vì kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp muốn cắt giảm chi phí và họ muốn chuyển sang tòa nhà khác có giá rẻ hơn.
Ông Greg Ohan, giám đốc Dịch vụ Văn phòng CBRE Việt Nam: "Ba quý tới, theo tôi, giá văn phòng sẽ còn tiếp tục giảm". |
Ông đánh giá thế nào khi tỷ lệ trống văn phòng càng ngày càng cao, trong khi nguồn cung vẫn không ngừng được tăng lên?
Khu vực trung tâm chứng kiến sự thay đổi lớn về diện tích trống. Tỷ lệ trống của phân khúc hạng A tăng mạnh từ 5% lên đến 24%, chủ yếu do một văn phòng mới hoàn thành. So với toàn bộ thị trường văn phòng hạng A, diện tích trống lên tới 30%, còn hạng B tỷ lệ trống giảm xuống còn 19% trong quý một năm nay. Một số tòa nhà có tỷ lệ trống lớn như Keangnam tới gần 50%, Hòa Bình Tower 25%.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, tỷ lệ lấp đầy của các văn phòng trong khu vực trung tâm sẽ cao vì nguồn cung thấp. Trong năm nay sẽ chỉ có 2 tòa nhà văn phòng hạng A được hoàn thành. Tại các tòa nhà mới ở khu vực xung quanh tỷ lệ lấp đầy cũng dần tăng lên nhờ giá chào thuê cạnh tranh. Riêng các tòa nhà cũ và ở thứ hạng thấp hơn, tỷ lệ lấp đầy sẽ giảm xuống do có nhiều khách hàng chuyển đi sang văn phòng mới hơn với giá ưu đãi.
Giá văn phòng cho thuê ở Hà Nội sẽ thay đổi thế nào trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ trống còn nhiều thưa ông?
Thực tế, chủ đầu tư của các tòa nhà hạng B ở khu vực phía Tây giảm giá chào thuê và chấp nhận lợi nhuận ít đi. Chính việc này đã giúp hàng nghìn m2 văn phòng được lấp đầy trong vòng 12 tháng qua. Trong 3 quý tới, theo tôi, giá văn phòng sẽ còn tiếp tục giảm.
Giá thuê văn phòng TP.HCM được nhận định là đang chạm đáy, còn Hà Nội thì sao thưa ông?
Thị trường văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM rất khác biệt. Nguồn cung TP.HCM ít hơn và tập trung chủ yếu tại khu vực trung tâm. Trong khi đó, tại Hà Nội các dự án văn nằm trải dài từ khu vực trung tâm đến phía Tây. Nguồn cung của Hà Nội nhiều hơn 40-50% so với TP.HCM và thực tế nhu cầu khách thuê vẫn còn.
Xu hướng giảm giá cho thuê ở thủ đô bắt đầu từ năm 2010 và vẫn chưa thấy dấu hiệu chạm đáy, điều mà đang xảy ra tại TP.HCM. Theo tôi, mức giảm của Hà Nội sẽ dần dần chứ không lao dốc xuống đáy như TP.HCM.
So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, giá văn phòng cho thuê ở Hà Nội thế nào thưa ông?
Thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội và TP.HCM thuộc dạng đắt đỏ nhất khu vực Đông Nam Á. Thành phố Singapore trung bình khoảng trên 90 USD mỗi m2 một tháng. Đài Bắc và Kuala Lumpur lần lượt đứng thứ 2 và 3 với mức giá thuê lần lượt là 55 và 45 USD. Tiếp đến là TP.HCM và Hà Nội với mức giá trên 40 USD. Mức giá thuê văn phòng ở Hà Nội cao do chi phí về xây dựng, đất dự án rất cao.
Hà Nội đang bội thực nguồn cung và phải mất tới 10 năm để lấp đầy, vậy theo ông, các chủ đầu tư sẽ phải đưa ra chiến thuật kinh doanh thế nào để hấp dẫn khách hàng?
Hiện tại, chủ đầu tư hiểu rõ sự khó khăn của các doanh nghiệp, do vậy, họ sẽ đưa ra các chính sách ưu đãi như giảm giá, ưu tiên thời gian làm nội thất dài hơn... Các chủ đầu tư có thể chia nhỏ văn phòng để nâng cấp lại và giảm giá thuê. Những tòa nhà hạng A mới vào thị trường thường có giá chào thuê cao để xứng với chất lượng công trình. Tuy nhiên đây chỉ là giá chào thuê, mức thuê thực hoàn toàn khác.
Chủ đầu tư sẽ ưu đãi về giá để lấp đầy văn phòng trước. Sau khoảng 2-3 năm, khi hoạt động kinh doanh ổn định, doanh nghiệp cũng đã quen vị trí thì các chủ đầu tư sẽ xem xét lại mức thuê.
Theo VnExpress