Ngân hàng được chỉ định rầm rộ ra quân
Sáng 15/5, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ký Thông tư hướng dẫn cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02/NQ-CP với Bộ Xây dựng và 5 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Theo đó, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng lấy từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước dùng để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng đủ điều kiện quy định tại Thông tư.
Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng công bố kế hoạch giải ngân đầu tiên. Ngày 23/5, BIDV cho biết đã đăng ký 10.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở.
1/6 là ngày Thông tư có hiệu lực nhưng do đó là ngày nghỉ cuối tuần nên các ngân hàng vẫn chưa công bố chính thức. Tới hôm 3/6, ngày đầu tiên của tuần làm việc mới, ba ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định BIDV, Vietinbank, Agribank, đồng loạt thông báo chương trình hỗ trợ lãi suất trên website. Hai ngân hàng Vietcombank và MHB chưa có thông báo chính thức nào.
BIDV là ngân hàng công bố chương trình cho vay bất động sản nhanh nhất |
Theo đó, các nội dung chính mà BIDV, Vietinbank và Agribank đưa ra chính là xác định đối tượng khác được vay. Đó là những khách hàng cá nhân thuộc đối tượng cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, đối tượng thu nhập thấp thuộc các thành phần kinh tế có nhu cầu vay mua/thuê/thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; và khách hàng doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.
Lãi suất ưu đãi trong năm 2013 là 6%/năm. Trong các năm tiếp theo, lãi suất áp dụng bằng chỉ bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng tối đa không quá 6%/năm.
Thời gian ưu đãi lãi suất lên đến 10 năm đối với khách hàng cá nhân và 5 năm đối với khách hàng doanh nghiệp miễn là không vượt quá thời điểm 1/6/2023. Thời hạn cho vay tối thiểu 10 năm cho khách hàng cá nhân và tối đa 5 năm cho khách hàng doanh nghiệp, đảm bảo khách hàng có đủ thời gian để ổn định cuộc sống/ phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, khách hàng cá nhân hoàn toàn có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay (căn hộ/căn nhà dự án) để vay vốn mua nhà ở trong chương trình.
Hôm 3/6 là ngày đầu tiên chương trình “giải cứu” bất động sản có hiệu lực nên giao dịch chưa thực sự sôi động vì khách hàng vẫn trong giai đoạn tìm hiểu và ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông là chính.
Trả lời PV, đại diện BIDV cho biết hiện tại vẫn chưa có số liệu về tình hình vay vốn của khách hàng vì một ngày hoạt động chưa kết thúc. Tuy nhiên, theo lộ trình, để mua được hàng phải có hàng. Bây giờ mới đang ở giai đoạn đầu, các doanh nghiệp làm việc với ngân hàng để tham dự các chương trình này.
Hiện tại, các ngân hàng cần thời gian để tổng kết nhu cầu vay vốn mua nhà. Tuy nhiên, thời gian này, các ngân hàng đang truyền thông, tập trung chuẩn bị nguồn hàng, các thủ tục để người dân có thể tham gia dễ dàng.
Ngân hàng không được chỉ định cũng ưu tiên bất động sản
Trong khi 3 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia cung cấp vốn trong gói hỗ trợ bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng là BIDV, Vietinbank, Agribank sốt sắng truyền thông chương trình cho vay thì một số ngân hàng không được chỉ định cũng ưu tiên bất động sản. Mức lãi suất tại các ngân hàng này không được thấp như tại 5 ngân hàng kể trên nhưng lại kèm theo nhiều ưu đãi khác.
Ngân hàng mới nhất tham gia cho vay bất động sản với lãi suất ưu đãi là Seabank với chương trình “Ngôi nhà của bạn, ưu tiên của chúng tôi”. Theo đó, khách hàng được hưởng lãi suất 0% cho tháng đầu tiên, 11%/năm cho 11 tháng tiếp theo. Chương trình khá hấp dẫn khi Seabank hứa hẹn thời gian giải ngân thấp, chỉ trong 5 ngày. Chương trình bắt đầu từ 3/6.
Ngoài ra, Seabank còn hỗ trợ vốn cho đối tác của mình, dự án Berriver Long Biên với mức lãi suất chỉ 8,8%/năm. Ngoài lãi suất thấp, khi vay vốn trong chương trình này, khách còn được hưởng thêm nhiều khuyến mại khác như miễn phí 2 năm phí dịch vụ quản lý và đỗ xe, Khách hàng có cơ hội nhận gói nội thất trị giá lên tới 120 triệu đồng. Khách thậm chí còn được giảm ngay 3,5 triệu đồng/m2 khi lựa chọn gói bàn giao thô.
Các ngân hàng không được chỉ định cũng dành nhiều ưu đãi cho vay bất động sản. |
Không có chính sách hỗ trợ cho vay bất động sản rộng rãi, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chọn dự án cụ thể. Bưu điện Liên Việt đồng hành cùng Công ty Cổ phần Him Lam triển khai chương trình Tín Dụng An Cư – The HYCO4 Tower với lãi suất 9,9%/năm cho năm đầu. Các năm tiếp theo lãi suất biến động theo biên độ 3,5%/năm.
Trước khi gói hỗ trợ bất động sản 30.000 tỷ đồng được thông qua, Viet Capital Bank triển khai chương trình “Căn nhà mơ ước” trị giá 300 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi 10%/năm. Khi tham gia chương trình này, khách còn được miễn phí nhiều loại phí dịch vụ của ngân hàng.
Ngân hàng quốc tế VIB cũng tung ra gói cho vay cá nhân kinh doanh, bất động sản và mua ô tô lãi suất ưu đãi hấp dẫn 7,77%/năm trong 3 tháng đầu. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ điều chỉnh theo thị trường.
Sacombank có chương trình trị giá 1.600 tỷ cho vay bất động sản với lãi suất 9% trong 3 tháng đầu, sau đó là 11% trong 9 tháng tiếp theo. Chương trình này có điểm đặc biệt là khách được ân hạn vốn tối đa trong 1 năm.
Đến thời khách chọn ngân hàng
Mặc dù còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của các dự án nhà ở xã hội nhưng không thể phủ nhận được nhu cầu nhà giá rẻ của người dân, đặc biệt người dân các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đang ở mức rất cao.
Nếu trước đây, khách hàng khó tiếp cận vốn ngân hàng vì ngân sách cho vay dành cho lĩnh vực này của các ngân hàng còn hạn hẹp và lãi suất cao thì sau khi gói hỗ trợ bất động sản trị giá 30.000 tỷ đồng có hiệu lực, dường như con đường tiếp cận tín dụng bất động sản đang rộng hơn với khách hàng.
Hiện tại, rất nhiều ngân hàng rầm rộ mở nhiều chương trình cho vay bất động sản khá hấp dẫn nên việc của khách hàng hiện tại hóa ra lại là lựa chọn ngân hàng.
Anh Nguyễn Hùng, chủ một doanh nghiệp nhỏ tại Hà Nội, người đang có nhu cầu mua ở nhà xã hội chia sẻ: “Là chủ một doanh nghiệp nhỏ thành lập trong đúng thời điểm khủng hoảng nên tôi đã thấm thía sự vất vả khi đi vay vốn ngân hàng. Theo kinh nghiệm của tôi, vay vốn tại các ngân hàng quốc doanh, lãi suất thấp nhưng các điều kiện lại nhiều và chặt chẽ. Ngược lại, ở các ngân hàng thương mại cổ phần, thủ tục đơn giản hơn nhưng lãi suất lại cao hơn.
Sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng có hiệu lực, tôi không rõ thủ tục vay vốn tại các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV,… có đơn giản hơn không. Vì vậy, tôi cần thêm thời gian để tìm hiểu từng chương trình cụ thể mới quyết định nộp hồ sơ vay vốn tại ngân hàng nào để đỡ mất thời gian”.
Anh Hùng còn cho biết thêm, cũng như bao lần vay vốn trước đây, không loại trừ khả năng anh chọn cách vay vốn lãi suất cao vì sợ không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn lãi suất 6% mà các ngân hàng lớn đề ra.
Chị Bùi Thanh Hà cho biết, chị đang chuẩn bị hồ sơ vay vốn để mua nhà ở xã hội. Sau khi tìm hiểu, chị cũng gặp phải bài toán của anh Hùng. Nhưng chị ưu tiên tìm hiểu các chính sách vay vốn tại 5 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định. Chị tin rằng gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ được nhiều cho những người nghèo có nhu cầu mua nhà như chị.
Theo VTC News