Gói tín dụng 30.000 tỉ: Người nghèo gặp rào cản

Thứ hai, 27/05/2013, 15:21
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tại hội thảo “Ý nghĩa và tính thực tiễn của Nghị quyết 02 trong việc giải phóng tồn kho bất động sản” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) tổ chức ngày 24/5.

Theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở “NH xem xét và quy định việc cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”. Điều này theo Chủ tịch VNRea Lê Hoàng Châu là một rào cản lớn đối với người mua nhà, nhất là những đối tượng nằm trong diện mua nhà xã hội và nhà thu nhập thấp. Bởi các đối tượng này là người nghèo đô thị, cán bộ công chức... thu nhập thấp, chưa có nhà hoặc nhà ở dưới 8 m2/người nên không có tài sản tích lũy cũng như tài sản để có thể đáp ứng nhu cầu cho vay của NH.

Giám đốc một doanh nghiệp có dự án nhà thu nhập thấp tại TP.HCM nói rằng có đến 90% những người mua căn hộ tại dự án của ông có nhu cầu vay tiền NH nhưng hầu hết những hồ sơ doanh nghiệp giới thiệu qua NH đều “rớt” bởi không có tài sản thế chấp.

Ngay cả những dự án nhà ở thương mại nếu mới xây dựng xong phần móng, chưa xây dựng xong phần thô cũng không được NH cho vay nếu không có tài sản khác thế chấp. “Ngoài tài sản thế chấp là chính căn hộ mua, NH còn yêu cầu khách hàng phải có thêm một tài sản thế chấp cộng với thu nhập ổn định. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho người mua nhà”, vị này cho hay.

bất động sản
Những người thuộc diện được mua nhà xã hội, nhà thu nhập thấp sẽ khó tiếp cận được gói tín dụng 30.000 tỉ đồng với lãi suất 6%/năm.

Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị những đối tượng mua nhà thu nhập thấp, nhà xã hội đã có vốn đối ứng 30% giá trị căn hộ như quy định, NH nên cho thế chấp bằng chính căn hộ xin mua hoặc thuê mua làm tài sản đảm bảo vay vốn. Với doanh nghiệp, tài sản đảm bảo là chính dự án xin vay.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, NHNN nên cho các NH thương mại được phát mãi tài sản là chính căn hộ đi vay bất cứ khi nào nếu người vay không có khả năng trả nợ thay vì phải chờ sau 5 năm mới được bán như quy định hiện nay. Khi đó tài sản sẽ tăng lên gấp nhiều lần bởi bản thân giá nhà xã hội, nhà thu nhập thấp đã quá rẻ khi được ưu đãi từ nhà nước. Làm vậy, phía NH cũng bớt rủi ro mà cũng thuận lợi cho người mua nhà.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết không phải bất cứ đối tượng mua nhà nào cũng phải thế chấp mà tùy đối tượng. Thông tư 11 của NHNN cũng nói rõ là người dân phải có phương án trả nợ, như lương bao nhiêu một tháng, đã có tiền 30% để đối ứng, có nguồn trả nợ...

Tuy nhiên có một điều mở là các NH được quyền quyết định phải có thế chấp hay không. Nếu NH thấy căn nhà đi mua đã hoàn thiện, vị trí tốt, người đi vay có thu nhập tốt… thì có thể không cần thế chấp. Đối với những người có thu nhập không ổn định thì có thể đòi hỏi thế chấp, khi đó người dân phải đáp ứng các điều kiện NH đưa ra.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn