Gập ghềnh thủ tục vay mua nhà ở xã hội

Thứ năm, 23/05/2013, 08:44
Từ ngày 1/6 tới đây, khoảng 70% vốn từ gói 30.000 tỷ đồng sẽ được 5 ngân hàng thương mại “bơm” ra để hỗ trợ người dân vay mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, câu chuyện tiếp cận nguồn vốn này không đơn giản.

mua nhà xã hội

Người lao động thu nhập thấp vẫn khó tiếp cận nguồn vay để có được một căn nhà ở xã hội. 

Còn chờ hướng dẫn

Theo Thông tư 11 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) và Thông tư 07 của Bộ Xây dựng vừa ban hành, người dân có thể vay vốn từ gói ưu đãi để mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại (diện tích nhỏ hơn 70m2), giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, lao động tự do, người kinh doanh cá thể… Điều kiện là, có hợp đồng mua, thuê hoặc thuê mua nhà, đã ký với chủ đầu tư kể từ ngày 7/1/2013.

Nhiều người dân đang hi vọng sẽ vay được tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, vì khoảng 70% vốn (tương đương 21.000 tỷ đồng) được dành hỗ trợ người mua nhà.

“Giải ngân gói 30.000 tỷ đồng thế nào là kỹ thuật, còn chính sách đã có rồi. Trong quá trình làm nếu không phù hợp, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến. Nếu chính sách không đến tay người thu nhập thấp, bộ sẽ xem xét kiến nghị lại với NHNN. Chúng ta phải tin tưởng vào chính sách dành cho người có thu nhập thấp sẽ thành công”.  

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói trong một cuộc hội thảo về Luật Xây dựng gần đây

Khảo sát của PV, một số chi nhánh ngân hàng hiện vẫn chưa triển khai gói cho vay hỗ trợ người mua, thuê nhà ở xã hội.

Anh Vũ Đức Cảnh, nhân viên một phòng giao dịch của Ngân hàng Vietinbank (Hà Nội - 1 trong 5 ngân hàng tham gia hỗ trợ vốn) cho biết, vẫn chưa triển khai cho vay mua nhà theo gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.

Lý do vì đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của hội sở ngân hàng về điều kiện, thủ tục vay vốn đối với từng khách hàng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên.

Còn anh Phạm Tuyên, nhân viên của Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) - chi nhánh Hà Nội cũng lắc đầu khi khách hàng hỏi thông tin về gói cho vay ưu đãi trên.

“Về cơ bản, khách hàng muốn vay được tiền thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định chung hiện vẫn đang áp dụng. Sau đó, ngân hàng phải thẩm định hồ sơ vay vốn, đánh giá khả năng trả nợ của từng khách hàng như đối với khoản vay mua nhà thông thường”- Anh Tuyên nói.

Hiện, MHB chưa đưa ra các quy định riêng đối với khoản cho vay mua nhà sử dụng vốn từ gói 30.000 tỷ đồng mới công bố.

Vướng đủ đường

mua nhà xã hội
Người thu nhập thấp vẫn mãi mơ về một căn nhà. 

Theo quy định, đối tượng ưu tiên vay vốn (mua nhà ở xã hội) là người chưa có nhà ở, hoặc có nhà nhưng không đủ diện tích tối thiểu theo quy định (dưới 8m2/người). Tuy nhiên, với các đối tượng chưa có nhà ở sẽ khó đáp ứng yêu cầu về tài sản đảm bảo theo quy định (Thông tư 11).

Cụ thể, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại “xem xét và quyết định cho vay có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngay cả trường hợp người vay thế chấp bằng chính căn nhà mua thì sẽ gặp vướng mắc về mặt pháp lý.

Vì người mua nhà tại các dự án đang xây dựng chỉ có hợp đồng mua bán. Như vậy chưa đủ điều kiện để thế chấp.

“Theo tôi, ngân hàng có thể nhận thế chấp hợp đồng mua bán nhà và quản lý chặt dòng tiền giải ngân. Theo đó, cách quản lý là chủ đầu tư- bên bán nhà-sẽ giao cho ngân hàng hóa đơn bán hàng (theo tiến độ người mua nộp tiền) cho đến khi hoàn thành thủ tục giấy tờ căn nhà”- Ông Thành nói.

Theo một chuyên gia ngân hàng, thực tế, các ngân hàng đã nhận cầm cố tài sản là nhà ở được hình thành trong tương lai. Do đó, người mua nhà có thể dùng chính căn nhà vay mua để thế chấp cho ngân hàng.

Nhưng, “ngân hàng sẽ khó xử lý khoản vay được đảm bảo bằng loại tài sản này. Bởi vì việc phát mại tài sản sẽ gặp khó khăn, phức tạp. Trong số nợ xấu mà các ngân hàng đang loay hoay xử lý, đã có nhiều tài sản hình thành trong tương lai như vậy”- Vị chuyên gia này nói.

Một vấn đề khó nữa được ông Thành nêu ra, khi người vay không trả nợ, ngân hàng sẽ khó xử lý phát mại căn nhà ở xã hội để thu hồi vốn đã cho vay.

Theo quy định, người mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng (nhà) trong vòng 10 năm. Hơn nữa, họ phải bán lại cho chủ đầu tư hoặc người thuộc diện ưu tiên mua loại nhà ở này.

Do đó, ông Thành đề xuất, NHNN và Bộ Xây dựng cần thống nhất về trường hợp người mua nhà không trả nợ, phải xử lý phát mại tài sản. Trong đó, không nên ràng buộc người mua tài sản phát mại là người thu nhập thấp, mà nên bán công khai trên thị trường tự do để khả năng thu hồi vốn tốt hơn.

Về lãi suất vay vốn, Thông tư 11 của NHNN quy định mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội tối đa là 6%/năm, ổn định tối đa trong 10 năm và sẽ được điều chỉnh vào tháng 12 hằng năm.

Theo NHNN, đây là lãi suất phù hợp để người có nhu cầu thực sự về nhà ở tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định rõ ràng về việc điều chỉnh lãi suất sau thời gian ưu đãi (tối đa 10 năm), trong khi người dân được vay vốn lâu hơn. Sau 10 năm, các điều kiện vay vốn và lãi suất sẽ biến động như thế nào là điều khiến nhiều người dân băn khoăn.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích