Gói 30.000 tỷ hỗ trợ nhà ở: Hiệu quả, có thể “bơm” thêm!

Thứ năm, 16/05/2013, 07:20
Con số 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở lần này là một cố gắng lớn của Chính phủ, song nếu chương trình triển khai hiệu quả thì cũng không loại trừ khả năng sẽ “bơm” thêm, thông tin được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đưa ra bên lề lễ ký hợp tác về việc triển khai gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, sáng 15/5 giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng.

Trao đổi với báo giới, ông Nam nói:

Trong thông tư của Ngân hàng Nhà nước về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, các đối tượng lần này có mở rộng hơn so với trước đây. Cụ thể, với những người được mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp thì chỉ cần có hợp đồng mua bán nhà. Bởi lẽ, người dân để có hợp đồng thì cũng đã phải đạt được các điều kiện, đối tượng cũng như các xác nhận của cơ quan, chính quyền địa phương, đã được xét duyệt công khai. 

Do vậy, chỉ cần có hợp đồng và phương án trả nợ thì các đối tượng mua nhà sẽ được các ngân hàng giải quyết cho vay.

Điểm mới nữa là thông tư mở rộng sang đối tượng người dân có khó khăn về nhà ở mà có nhu cầu mua nhà ở xã hội, mua nhà thương mại dưới 70 m2 thì cũng được xếp vào đối tượng vay.

Chúng ta cũng dành 30% cho doanh nghiệp vay để tạo nguồn cung, tức dành một phần tạo nguồn cung nhà ở xã hội, đồng thời, dành một phần lớn tăng cầu, hỗ trợ mua nhà. 

Nguyễn Trần Nam

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: "So với nhu cầu, mong muốn của người dân, doanh nghiệp thì rõ ràng là gói này chưa đáp ứng được".

Như vậy, quan điểm của Chính phủ là phải vừa tạo cung, vừa tạo sức mua, làm tăng thanh khoản hàng hóa trong lĩnh vực này, làm ấm lên giao dịch, qua đó từng bước làm ấm lên thị trường bất động sản.

Có ý kiến cho rằng, với căn bệnh có phần trầm kha của thị trường bất động sản hiện nay, gói 30.000 tỷ đồng cũng chỉ là "muối bỏ bể"?

Chúng tôi nhìn nhận đây là con số đáng kể vì tăng trưởng dư nợ tín dụng chung năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013 rất thấp, 4 tháng có 1,4%. Như vậy, so với tăng trưởng tín dụng chung thì con số 30.000 tỷ đồng còn cao hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung của cả nước (12%). 

Tất nhiên, so với nhu cầu, mong muốn của người dân, doanh nghiệp thì rõ ràng là chưa đáp ứng được, nhưng so với tỷ lệ chung về tăng trưởng tín dụng thì đó là con số rất đáng kể. 

Nếu dòng tiền này được các ngân hàng triển khai tốt, đúng đối tượng thì đó là cú hích vào đối tượng nhà ở xã hội và phân khúc quy mô nhỏ, làm tổng giao dịch tăng lên.

Bên cạnh đó, theo tôi thời điểm ra đời thông tư này là rất đúng lúc, vì kinh tế nước ta sau 4 tháng, dù tăng trưởng chưa đạt mong muốn nhưng các tín hiệu đã tốt lên, công ăn việc làm, doanh nghiệp thành lập mới, sản xuất kinh doanh đều đang có tín hiệu tích cực. 

Còn trong lĩnh vực bất động sản, theo chúng tôi đánh giá cũng như khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, cho thấy những dự án đã sắp hoàn thiện hoặc đang hoàn thiện, người mua có thể vào ở ngay; những dự án có quy mô nhỏ, giá dưới 15 triệu đồng/m2…cũng được nhiều người quan tâm nhưng không đủ tiền mua.

Do đó, với gói hỗ trợ này đã đánh vào đúng nhu cầu cụ thể, sẽ làm ấm lên thị trường. Các địa phương, doanh nghiệp cũng hưởng ứng mạnh mẽ chủ trương xây dựng nhà ở xã hội của Chính phủ, tạo tác động cộng hưởng. Tôi đánh giá hai thông tư của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước ra đời lúc này là đúng thời điểm và sẽ có tác dụng hỗ trợ thị trường.

Hiện nay ngân hàng đã chính thức bơm tiền cho vay mua nhà, vậy còn nguồn cung, ngành xây dựng đáp ứng đến đâu?

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước đang có 60 dự án nhà ở xã hội, kể cả dự án từ đầu cũng như dự án chuyển từ nhà thương mại sang, quy mô vài chục nghìn căn nhà. 

Đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới, TP.HCM và Hà Nội sẽ triển khai thêm 5 - 7 dự án. 

Còn về cầu thì theo thống kê của Bộ Xây dựng, riêng các bộ ngành Trung ương đăng ký nhu cầu nhà ở xã hội lên tới 100.000 căn. Cho nên, đây là thị trường rất rộng lớn, bước đầu ta đã tạo nguồn cung và sẽ tiếp tục đẩy mạnh. Ngay trong nguồn 30.000 tỷ đồng này chúng ta đã giành 30% tạo nguồn cung, còn 70% hỗ trợ nguồn cầu.

Cho nên, ta đã tính cả cung và cầu. Và về lâu dài, sẽ tiếp tục có các chính sách khác để tạo nguồn cung và tạo khả năng thanh toán cho người mua nhà.

Nhưng một số ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay 6% là vẫn quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân hiện nay?

Tôi cho rằng, lãi suất vay  6%/năm với thời hạn 10 năm thì với thu nhập người dân các thành phố lớn là hoàn toàn có khả năng chi trả.

Nếu con số 30.000 tỷ không thấm vào đâu hoặc chương trình thành công vượt ngoài mong đợi thì Bộ có đề xuất "bơm" thêm?

Trước mắt, quan điểm lãnh đạo Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước là chúng ta phải cố gắng giải quyết tốt hai thông tư mới được ban hành, giải quyết tố cho vay đúng địa chỉ, đúng dối tượng, nhanh, thuận tiện. Trong quá trình giải ngân, hai bên sẽ theo dõi đánh giá và có tổng kết. 

Trên cơ sở hiệu quả của gói này thì hai bên sẽ phối hợp, tính toán đồng thời cũng phải căn cứ vào nhu cầu ngân sách, nguồn vốn, thị trường để có những đề xuất mới nhưng cũng không loại trừ sẽ tăng thêm nguồn này.

Thứ trưởng có thể thông tin thêm về thông tư hướng dẫn quy định đối tượng được hưởng mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ký ban hành?

Về đối tượng người vay thì tất cả cán bộ, nhân viên có hợp đồng lao động, cán bộ công chức hưởng lương ngân sách, cán bộ lực lượng vũ trang, doanh nghiệp các thành phần, lao động tự do, tất cả các hộ gia đình đang khó khăn về nhà ở và có nhu cầu vay mua nhà.

Còn với những người mua nhà ở thương mại, chúng ta cũng có giới hạn một chút về chuyện phải có hộ khẩu thường trú, hoặc tạm trú thì phải có đóng bảo hiểm tại các doanh nghiệp từ một năm trở lên. Vì trước mắt để giải quyết nhu cầu nhà ở tại đô thị, nếu không khéo sẽ khiến tăng di dân tự do, trong khi chúng ta không đủ lực. 

Đối với các đối tượng thu nhập thấp thì theo quy định là tất cả những người không phải đóng thuế thu nhập, tức là dưới 9 triệu đồng/tháng, đều được xét duyệt vay vốn mua nhà.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích