Trao đổi với PV về kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội với việc ca sĩ Mỹ Linh và họa sĩ Thành Chương xây dựng nhà không phép trên đất rừng, GS Võ nói, đặt ra vấn đề thì có vẻ căng thẳng, nhưng thực tế thì nó vẫn diễn ra tất cả những gì mà luật cấm. Việc xây nhà trong rừng phòng hộ là luật cấm…
|
Căn nhà của ca sĩ Mỹ Linh. |
Thưa GS Đặng Hùng Võ, thời ông còn làm ở Bộ TNMT thì ông có nghe về chuyện xây phủ Thành Chương không phép không?
- Thời xây thì tôi biết. Tôi cũng khẳng định một điều đất để xây phủ này thì không được phép. Nhưng cứ xây, cứ làm và mọi người có vẻ như ủng hộ, bởi vì nó là không gian văn hóa khá đặc biệt, nhiều người lên cũng thích và người ta quên chuyện đất đai đi, người ta không nói chuyện đất đai nữa và người ta chỉ quan tâm về mặt văn hóa của cái phủ đó thôi.
Tất nhiên, bên cạnh phủ Thành Chương thì còn rất nhiều người khác nữa cũng vi phạm pháp luật tương tự như vậy. Cũng có thể là đó là nơi nghỉ dưỡng, nơi ở, nơi nghỉ cuối tuần…Những diện đó ở Sóc Sơn cực kỳ nhiều.
Trong kết luận thanh tra Sở TNMT có nêu “đất ở trên rừng phòng hộ". Vậy có thể hiểu đất này là đất ở hay đất rừng phòng hộ?
- Không có chuyện đất ở trên đất rừng phòng hộ. Pháp luật quy định thì trong rừng phòng hộ chỉ được làm lán, trại, nơi ở tạm cho công nhân làm việc trong rừng chứ không có nhà ở.
Theo quy định thì muốn chuyển từ đất lâm nghiệp sang đất ở thì pháp luật có quy định nào không?
- Muốn chuyển phải có quy hoạch, quy hoạch được duyệt để đất đó chuyển sang làm đất ở. Đất đó phải được chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc này, về quy hoạch thì tỉnh phải có quy hoạch đất rừng phòng hộ sang đất ở và huyện thì cho phép ai đấy được chuyển. Phải có quy hoạch từ cấp tỉnh. Mà đất lâm nghiệp chuyển sang đất ở là chuyện khó, nhất là đất rừng phòng hộ thì rất khó.
Vì sao lại khó?
- Khó vì nó thuộc diện một trong năm trường hợp mà mặc dù quy hoạch đã được duyệt, nhưng vẫn phải xin phép. Trong trường hợp đất rừng phòng hộ thì chuyện chuyển sang làm đất ở thì rất ít, gần như không cho. Chỉ có thể cho phép trong trường hợp dùng để đầu tư dự án nào đấy mà vị trí khác không thể có được, dứt khoát phải ở đấy vì nhiều lý do khác nhau. Chứ còn chuyện rừng phòng hộ mà chuyển sang làm đất ở thì gần như là không có.
Với thực trạng hàng trăm héc-ta đất rừng phòng hộ chuyển đổi thành đất ở trong nhiều năm như vậy thì hiện tại, cái khó của chính quyền trong việc giải quyết việc này như thế nào?
- Hiện nay cấp xã đang bảo vệ các hộ dân xây dựng không phép thì bảo đất đó không phải rừng phòng hộ, còn thanh tra Sở TNMT nói rằng đấy là đất rừng phòng hộ. Qua chuyện này để thấy xã đang dung túng. Nhiệm vụ của xã là phải đi 'thổi còi' những ông xây dựng trên đất rừng phòng hộ thì ông lại cho phép.
Theo ông thì việc giải quyết thỏa đáng vấn đề này như thế nào khi những người vi phạm như họa sĩ Thành Chương và ca sĩ Mỹ Linh, họ cũng có những đóng góp nhất định cho xã hội?
- Tôi cho việc giải quyết là thẩm quyền của thành phố. Việc giải quyết thế nào nằm trong tay của Hà Nội. Còn thì cũng phải tính đến hệ quả của nó là nhờn luật. Nếu xử không nghiêm thì sẽ có một ông ca sĩ khác đến mua đất rừng phòng hộ xây biệt thự lại nói trường hợp Mỹ Linh được thì sao tôi lại không được. Đấy là hệ quả khi quyết, chúng ta phải nhìn thấy.
Hoặc cách giải quyết khác, có thể quyết việc này diễn ra từ xưa rồi, TP. Hà Nội kỷ luật mấy xã, huyện làm sai. Nhưng việc này đã diễn ra cách đây rất lâu, gần chục năm rồi thì đành phải hợp thức, nhưng từ nay không được diễn ra nữa; và phải kỷ luật huyện, xã...
- Xin cảm ơn ông!
Theo Dân trí