Quan điểm trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đưa ra tại buổi tọa đàm về triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản, tổ chức ngày 9/5.
Mông lung đánh giá
Sở dĩ Thứ trưởng Trung đưa ra nhận định trên, là bởi, hiện ai cũng kêu thị trường bất động sản khó khăn, doanh nghiệp lao đao, nhưng thực tế giá bất động sản vẫn chưa giảm nhiều. Hơn nữa, cũng không có lý do gì để đưa giá của bất động sản quay trở lại thời kỳ “đỉnh cao” của những năm 2007 - 2008.
Giá bất động sản của Việt Nam hiện vẫn cao hơn 26 lần thu nhập bình quân của người dân. |
Cùng quan điểm đó, TS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị thế giới, nói rằng, muốn cứu bất động sản phải đánh giá xem bong bóng của Việt Nam hiện ở cỡ nào. Vì nếu tính giá bất động sản/thu nhập bình quân thì gấp 26,6 lần, trong khi các nước trong khu vực chỉ cao từ 4 - 6 lần.
Chuyên gia này khuyến cáo, “Nhà nước nếu không có đánh giá chính xác, khách quan mà cứ ném tiền ra thì mọi chuyện rồi đâu lại vào đấy”. Nguyên nhân là bởi, thể chế bất động sản của chúng ta phi thị trường, tham nhũng trong bất động sản rất lớn. Hơn nữa, nhóm lợi ích hiện nay rất “ghê gớm”, nên gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường chưa chắc đã đến người nghèo, người khó khăn về nhà ở.
“Với các giải pháp mà cơ quan quản lý đưa ra vừa qua để hỗ trợ thị trường, chẳng khác nào dùng người nghèo để phá băng bất động sản”, ông Lược nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, Mai Xuân Hùng, nói rằng ông có cảm giác đến thời điểm này thị trường vẫn chưa tìm được lối thoát. Bởi phần lớn, từ nhà quản lý đến các doanh nghiệp, chuyên gia đều khẳng định cần phải giải cứu bất động sản, song lại không ai đưa ra được đánh giá sát thực rằng giá bất động sản đã đến đáy chưa.
Và điều không ổn hơn nữa là lượng tồn kho bất động sản mà các cơ quan quản lý công bố được đánh giá theo tiêu chí nào, khi mà có tính toán cho thấy, nếu chia bình quân cho cầu (có khả năng thanh toán) của toàn bộ nền kinh tế thì phải 20 năm nữa mới tiêu thụ hết tồn kho.
Đặc biệt, trong khi nhiều nhóm đối tượng đều ủng hộ cứu bất động sản thì trong giai đoạn này, dường như mọi người đều mất lòng tin,người dân dường như họ không quan tâm tới bất động sản nữa. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tham nhũng trong bất động sản là lớn nhất, lợi nhuận từ những năm 2008 là cao nhất. Do vậy, không có cớ gì để họ thay doanh nghiệp trả tiền cho tham nhũng trong bất động sản.
“Có nhiều nhà định mua nhà từ 5 - 6 năm nay nhưng giờ họ vẫn cứ để tiền đấy, chưa mua”, ông Hùng cho biết.
Cớ gì lại kéo giá lên?
Không đặt nhiều hoài nghi, song TS. Nguyễn Trí Hiếu, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ocean Bank nhìn nhận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dự kiến sắp được tung ra để hỗ trợ bất động sản vẫn chưa hợp lý, bởi lãi suất cho vay 6%, lại chỉ kéo dài trong mấy năm. Ông ví dụ tại Mỹ, lãi suất này chỉ 3% và họ cho vay cố định trong 30 năm.
Do vậy, theo chuyên gia này, gói tín dụng của Chính phủ vẫn chưa thể tạo được lòng tin từ người dân, do vậy cũng chưa trông mong gì thị trường bất động sản có thể phục hồi thanh khoản ngay trong 2014.
Theo ý kiến chủ quan của chuyên gia này, thị trường bất động sản hiện vẫn chưa chạm đáy nhưng có thể sẽ chạm đáy vào cuối năm, nhưng cũng không phải hình chữ V, mà có thể là đường lõm rất dài trong 2-3 năm.
Đưa ra khuyến cáo tại hội nghị, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng thị trường bất động sản hiện tồn tại nhiều nghịch lý, bởi thực tế nếu tính toán cho mọi nhu cầu thì cung thừa mà cầu cũng thừa.
Hơn nữa, nói về giá thì giá bất động sản hiện vẫn cao hơn nhiều lần thu nhập của người dân. Nếu cứu thị trường để bất động sản quay lại những thời kỳ sốt nóng thì làm sao khắc phục được việc chênh về giá và thu nhập.
Theo ông Võ, thị trường hiện nay điều chỉnh theo ý muốn của các đại gia chứ không phải là theo ý của Nhà nước, vì số liệu của chúng ta hiện có vấn đề. Do vậy, chỉ còn cách là phải giảm giá thêm nữa, chứ không thể để đưa giá về những năm 2008.
“Năm 2009, Chính phủ cũng đã từng đưa tay cứu thị trường chứng khoán, nhưng không cứu nổi. Sau khi cứu, thị trường chứng khoán tiếp tục giảm thêm. Còn hiện nay thị trường chứng khoán đang diễn biến đúng với tính chất của thị trường. Với bất động sản cũng vậy, đừng hy vọng và cũng không ai cứu nổi thị trường, vì sẽ có nhiều điều giống như chúng ta đã từng thấy khi cứu thị trường chứng khoán”, GS. Võ cảnh báo.
Theo VnEconomy