Dù TP. HCM vẫn chưa đưa ra giá đất tại KĐTM Thủ Thiêm nhưng hầu hết các dự án tại khu vực này đã “có chủ”.
Trong số các dự án còn lại đang kêu gọi đầu tư, bao gồm: Trung tâm thương mại tài chính ngân hàng 14 héc-ta; Dự án Khu dân cư phía Bắc 16,7 héc-ta, Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm 7,9 héc-ta; Khu thể thao giải trí đa năng 13,8 héc-ta, thì Dự án Khu dân cư phía Bắc nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, chưa giải được bài toán giá đất thì những dự án này sẽ mất đi một phần tính hấp dẫn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để tăng tính hấp dẫn cho KĐTM Thủ Thiêm, Thành phố nên xem xét, điều chỉnh giá đất hợp lý. Ví dụ, với mức giá đất trên 1.000 USD/m2 có thể Thành phố sẽ “lỗ” về tiền đầu tư, nhưng đi kèm ưu đãi về giá đất thì sẽ quy định loại dự án trên đất. Chẳng hạn, suất đầu tư của dự án là 200 triệu USD thì Thành phố sẽ thu về 10% thuế VAT, cộng thêm các loại thuế như thuế thu nhập DN…
Nếu chưa giải được bài toán giá đất, Dự án KĐTM Thủ Thiêm sẽ mất đi tính hấp dẫn. |
Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Hùng Việt, Trưởng ban Quản lý, đầu tư, xây dựng KĐTM Thủ Thiêm đề xuất, TP.HCM cần tính toán kỹ lưỡng để đưa ra mức giá hợp lý, thậm chí có thể “bán lỗ” để ưu tiên các nhà đầu tư đến trước, đến một “độ” nhất định sẽ bán hòa, sau đó là bán lãi.
Trả lời câu hỏi của PV về việc chưa có giá đất nhưng Dự án Khu nhà ở thấp tầng và thương mại dịch vụ tổng hợp diện tích 22,3 héc-ta đã được CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh khởi công hôm 26/4 vừa qua, ông Trang Bảo Sơn, Phó Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm cho biết: “Dự án này được khởi công theo đúng trình tự pháp lý, dù chưa định giá được giá đất nhưng Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Theo ông Sơn, giá đất trên 1.000 USD/m2 như ông Châu đề xuất không thể nói là cao hay thấp, bởi tùy từng dự án và mức độ ưu tiên, TP.HCM sẽ áp giá cụ thể sau khi được tính toán kỹ lưỡng. Vấn đề ở chỗ, KĐTM Thủ Thiêm sẽ phải được đầu tư xây dựng đúng theo quy hoạch đã phê duyệt, tránh tình trạng “chiếm chỗ, giữ đất”.
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông Lương Trí Thìn, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Xanh cho biết, nếu giá đất được đưa ra trên dưới 1.000 USD/m2 thì Đất Xanh có thể mua luôn cả Thủ Thiêm, nhưng đó là mức giá khó “với” tới, bởi suất đầu tư giải phóng mặt bằng đã vào khoảng 16 - 17 triệu đồng/m2. Nếu TP. HCM xem xét mức giá khoảng dưới 2.000 USD/m2 thì DN vẫn có thể triển khai dự án.
Ông Thìn cho biết thêm, sức hấp dẫn của KĐTM Thủ Thiêm là ở hạ tầng đồng bộ và ưu thế của một khu đô thị hiện đại, nếu có thêm được giá đất hợp lý thì sức hấp dẫn sẽ tăng lên rất nhiều, dù thị trường bất động sản chưa thể tốt lên trong một vài năm tới.
Theo quy hoạch, diện tích đất dành cho bất động sản kèm khu thương mại dịch vụ ở mỗi dự án thành phần của toàn KĐTM Thủ Thiêm chỉ chiếm gần 75 héc-ta trên tổng diện tích 675 héc-ta được quy hoạch của KĐTM này.
Theo đó, sẽ có 26.618 căn hộ để ở và 573 căn hộ dịch vụ. Diện tích còn lại là hạ tầng, trường học, bệnh viện, khu tài chính ngân hàng, khách sạn, resort, quảng trường, công viên, lâm viên sinh thái… Trong đó, chỉ còn duy nhất Dự án Khu dân cư phía Bắc là đang trong quá trình kêu gọi đầu tư, hầu hết các vị trí “đẹp” của KĐTM Thủ Thiêm đã có chủ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý Dự án Thủ Thiêm cho biết, Dự án Công viên phần mềm Thủ Thiêm có diện tích 7,9 héc-ta nằm trong danh mục các dự án đang kêu gọi đầu tư, đang được điều chỉnh quy hoạch theo hướng trả lại như quy hoạch năm 2005. Theo quy hoạch năm 2005 thì dự án này sẽ có cả khu dân cư. Như vậy, khi việc điều chỉnh được thông qua thì diện tích dành cho bất động sản sẽ tăng thêm, chứ không nằm ở con số 75 héc-ta như hiện tại.
Theo ĐTCK