30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà: Thở dài với tiến độ?

Thứ tư, 05/06/2013, 14:09
Ngày 3/6, gói cho vay hỗ trợ lãi suất 6%/năm với quy mô 30.000 tỷ đồng cho người mua nhà có hiệu lực. Mới chỉ sau một ngày, nhưng một số thông tin đã tỏ ra thất vọng.

Một số thông tin phản ánh rằng, nhiều người dân không dễ tiếp cận gói hỗ trợ này; các ngân hàng đầu mối vẫn chưa thể triển khai thông suốt trên toàn hệ thống.

Có lẽ đó là một tiếng thở dài quá sớm. Bởi lẽ, theo dự thảo chính sách trước đây, dự kiến gói hỗ trợ sẽ bắt đầu từ 15/4, nhưng phải gần hai tháng sau, đến 3/6, mới bắt đầu. Nó phải trải qua dư luận đa chiều, dù đã phải mất ba tháng để xây dựng cơ chế (Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành ngày 7/1/2013 với chỉ đạo liên quan).

Tổng cộng, phải mất 5 tháng để nó bắt đầu. 5 tháng còn đợi được, dù trễ, vậy thì mới chỉ 1 ngày khởi động có lẽ chưa vội thở dài. Nhưng, những thông tin phản ánh đó cho thấy sự mong đợi của người dân.

vay mua nhà 

Lần đầu tiên một gói hỗ trợ đặc thù như vậy được triển khai.

Vì sao việc triển khai những ngày đầu còn chậm? Vì đến ngày có hiệu lực 3/6, Ngân hàng Nhà nước mới tổ chức ký kết hợp đồng nguyên tắc về việc cho vay hỗ trợ nhà ở với các ngân hàng. Vì vậy 5 ngân hàng đầu mối không thể việt vị khi hợp đồng đó chưa ký. Ngân hàng Nhà nước cũng phải đợi chính sách có hiệu lực mới có thể đặt bút.

Còn ở việc triển khai, mới chỉ sau một ngày, có lẽ chưa vội thở dài với tiến độ. Nếu gói này bung vốn ồ ạt ngay, nhiều người phấn khởi qua cửa xét duyệt thì mới đáng lo. Cũng lưu ý rằng, lần đầu tiên một gói hỗ trợ đặc thù như vậy được triển khai. Cứ cho là đã có tiền lệ từ gói kích cầu hồi 2009, cũng hỗ trợ lãi suất, nhưng đây là bao gồm cả đối tượng cá nhân.

Chính sách hỗ trợ, người này được, người kia không. Vì sao được, vì sao không? Ở đây có sự không đồng đều lợi ích đối với mọi người, nên một sự khởi đầu thận trọng là cần thiết. Bản thân các ngân hàng đầu mối hẳn cũng e ngại nếu một sự bất cập nào đó xen vào gói hỗ trợ, hay đúng hơn là để xuất hiện dấu hiệu tiêu cực. Một sự thận trọng, một cơ chế giám sát chặt chẽ là cần thiết.

Nói không đồng đều lợi ích là vì, cùng lúc có hai thực tế. Chẳng hạn, hai người cùng thuộc diện được ưu đãi, nhưng một người “đã lỡ” vay vốn mua nhà một vài năm trước, từng chịu đựng lãi suất cỡ 24 - 25%/năm trước đây, nay vẫn có thể còn chịu cỡ 16 - 18%/năm; một người thì được lãi suất 6%/năm với cơ chế ưu đãi suốt kỳ vay. Hai người đó đều bình đẳng, cùng đóng thuế như nhau.

Dù sao thì Chính phủ đã chỉ đạo và gói hỗ trợ cũng đã bắt đầu triển khai. Chuyện còn lại là làm sao để nó đi vào đời sống và phát huy giá trị đúng và trúng. Qua thực tế triển khai, nếu phát sinh bất cập hay tiêu cực, thì lúc đó thở dài hẳn cũng chưa muộn.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn