Khi bất động sản còn “nóng sốt”, đất Sóc Sơn trở thành điểm “nóng” vì các đại gia ở nội thành săn tìm để xây dựng các khu nghỉ dưỡng hoặc trang trại. Bây giờ, “sốt” đất chỉ còn trong quá khứ. Đất ở địa phương này và một số vùng lân cận đang được rao bán với giá chỉ bằng một mớ rau, dưới 10.000 đồng/m2.
Ngỏ ý muốn mua đất để xây dựng khu nghỉ dưỡng cho gia đình, “cò” liền đưa ra rất nhiều thông tin cho chúng tôi lựa chọn: “Đất trên này nhiều vô kể. Giá không đến 10.000 đồng/m2, miễn là anh mua với diện tích lớn”. Nói đoạn “cò” đất này giới thiệu cho chúng tôi một mảnh đất rộng hơn 10ha và cho biết, chủ sở hữu của mảnh đất này đã xây dựng cơ sở vật chất tương đối, có nhà sàn, có vườn cây, ao cá. Vị trí khu trang trại này cũng khá đẹp, cách trung tâm Hà Nội khoảng 45km. Đi vào trang trại là đường trên 6m, ô tô có thể đến tận nơi.
Theo lời “cò”, do điều kiện công tác, gia đình này phải chuyển vào Nam sinh sống nên đang muốn bán đi. Mức giá khởi điểm mà “cò” đất đưa ra là khoảng 10 tỷ đồng, tức là khoảng 10.000 đồng/m2. Tất nhiên, giá đó chưa được mặc cả. “Các anh nếu có nhu cầu thực thì giá cả có thể thỏa thuận lại. Nhưng nếu dưới 5.000 đồng/m2 thì chắc không thể bán được”, “cò” đất chốt giá.
Không cần qua “cò”, anh Phú - chủ một trang trại rộng hơn 20 ha tại xã Minh Trí (Sóc Sơn), rao bán giá chỉ 8.000 đồng/m2. Nếu khách mua toàn bộ hơn 20 ha thì anh có thể giảm giá nữa.
Nói về đất bán đổ bán tháo với giá rẻ như cho, ông Trần Văn Long, người dân ở Minh Trí bật mí:“Đất rẻ như cho thực chất toàn là đất rừng. Đất thổ cư đời nào có giá thấp như thế. Bây giờ giữa rừng núi mà xây cất nhà cửa khang trang, đố ai dám. Đất rẻ bởi còn vướng nhiều vấn đề về pháp lý”. Theo ông Long, đất rừng được cấp thời hạn 50 năm (bắt đầu từ năm 1996), có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đầy đủ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những diện tích đất được rao bán với giá rẻ như bèo ấy hầu hết là đất rừng. “Bán đất rừng, thường người ta bán tối thiểu chục hécta. Tuy nhìn vào giá cả chỉ với 7.000-8.000 đồng/m2 thấy rẻ thật nhưng tính ra phải bỏ hàng chục tỷ đồng mới mua được. Bỏ ra từng ấy tiền mà còn chưa rành mạch về vấn đề pháp lý, người mua ngại là phải. Theo tôi, đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá đất ở đây thấp thảm hại như thế”, ông Long nói.
Lật lại quá khứ chưa xa, việc vi phạm trong quản lý đất rừng, buông lỏng quản lý để chuyển nhượng đất rừng ồ ạt tại Sóc Sơn vẫn còn nóng bỏng.
Từ năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã đưa kết luận về vấn đề này nhưng điều mà nhiều người quan tâm là vấn đề sẽ chấn chỉnh, xử lý ra sao khi bây giờ vẫn ồ ạt người bán, kẻ mua? Vài năm trước do công tác quản lý đất đai còn nhiều kẽ hở, nhiều người tham rẻ đã mua. Người dân cũng rao bán ồ ạt cả đất rừng, đất trồng lúa, tạo nên cơn sốt đất tạm thời. Bây giờ khi dần hiểu ra những rủi ro pháp lý về sau, nhiều người mua được đã tìm cách bán tháo.
Anh Thành, một “cò” đất ở đây mách nước, để tránh quy hoạch và nguy cơ bị mất đất nếu có quy hoạch qua đúng vùng đất mua thì tốt nhất là chủ sử dụng phải nhanh chóng chuyển sang đất dự án.
“Đã là đất dự án, thì khỏi phải nghĩ”, Thành nói. Nhưng trên thực tế, để trở thành đất dự án, Thành bảo rằng chi phí cũng phải mất hàng trăm triệu đồng. Như thế, giá thực của đất rẻ như bèo lại được đội lên. Số tiền đội lên này người mua phải chịu. Từ đó cho thấy việc sở hữu một mảnh đất tưởng như giá rẻ như bèo cũng không hẳn đã rẻ, chưa kể nó đính kèm vô số… rủi ro!
Khi chúng tôi hỏi kỹ về vấn đề pháp lý với đất giá 5.000-6.000 đồng/m2, các “cò” đất lấp lửng: “Để là của mình rõ như ban ngày thì làm sao có giá đấy. Bảo đảm với các anh, mua về sử dụng thoải mái chẳng ai hơi đâu mà hỏi thăm. Còn vài ba chục năm sở hữu nữa, đến lúc đó cơ chế thay đổi, biết đường nào mà lần”.
Theo GĐ&XH