Quả thực, nhìn lại thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay, việc những dự án mới khởi công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngay cả ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai, người từng tuyên bố sẽ đi gom dự án, bây giờ cũng lại đi rao bán dự án.
Không phải là doanh nghiệp lớn (xét về vốn điều lệ), nhưng Đất Xanh của Lương Trí Thìn đã “cứu vớt” nhiều doanh nghiệp khi mua lại nhiều dự án trong thời gian qua.
Dự án Sunview do Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn làm chủ đầu tư, nhưng vì khó khăn về vốn đã phải bán lại và Đất Xanh đã đứng ra mua. Giá trị thương vụ này không được ông Thìn tiết lộ. Nhưng theo ông, nó chỉ chiếm chưa đầy 10% trong tổng 1.368 tỉ đồng dự kiến đầu tư của dự án.
Đây không phải là thương vụ duy nhất của Đất Xanh trong năm 2013. Ông Thìn cho biết một dự án gồm 4 khối nhà được xây dựng trên khu đất rộng 3,2 ha tại quận Gò Vấp, TP.HCM cũng sắp chuyển đổi chủ sang Đất Xanh.
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ Đất Xanh. |
Đi lên từ khủng hoảng
Ông Thìn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông anh chị em ở Thanh Hóa. Vì vậy, ông đã lăn lộn từ nhỏ và trở thành “thương gia” trên những chuyến xe đường dài từ Bắc vào Nam, với việc buôn gạo cho đến bán bánh bao, bánh giò… Những trải nghiệm đó đã giúp ông có một sự kiên định trong kinh doanh sau này.
Năm 2003, ông Thìn thành lập Công ty Đất Xanh chuyên môi giới bất động sản. Năm đó, hầu như các chủ đầu tư chỉ tập trung vào phân khúc đất nền, còn chung cư mới chỉ hình thành trong khái niệm là loại nhà ở dành cho người nghèo. Và ông Thìn quyết định đi bán chung cư. Chung cư đầu tiên ông rao bán tọa lạc tại khu Sóng Thần do Công ty Hải Long làm chủ đầu tư. Sau gần 6 tháng rao bán, tốn nhiều công sức và kinh phí tiếp thị nhưng vẫn không có khách hàng nào quan tâm.
Tuy nhiên ông đã không bỏ cuộc và chuyển sang hình thức tiếp thị mới. Ông thu thập các hình ảnh về cảnh sống của các chung cư trên thế giới, tạo ra những bộ phim ngắn, sau đó mời 10 -15 khách hàng đến để giới thiệu. Kiên trì thuyết phục, cuối cùng cũng có khách hàng đồng ý mua căn hộ.
Cuối năm 2003, đầu năm 2004, thấy thị trường chung cư bán được, một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng căn hộ và đến nhờ Đất Xanh tư vấn phân phối sản phẩm. Lượng khách hàng đến với Đất Xanh ngày càng nhiều và Đất Xanh bắt đầu có tên tuổi.
Thế nhưng vào năm 2006, khi nhiều người đổ xô vào đầu tư, mua bán căn hộ thì ông Thìn lại đi bán đất nền. Địa bàn ông nhắm đến không phải là TP.HCM mà là Bình Dương. Một lần nữa ông lại thành công.
Năm 2008 và 2009, trong khi thị trường bất động sản TP.HCM bị đóng băng, tại Bình Dương lại liên tục diễn ra các cơn sốt đất. Không chỉ Bình Dương, Đất Xanh cũng tiếp tục thành công với phân khúc đất nền ở Đồng Nai và Long An.
Thách thức cho lần đi ngược thứ 3
Hiện nay, trong khi nhiều người tháo chạy khỏi bất động sản, ông Thìn lại làm ngược lại: Mua vào. Hai lần đi “ngược” trước của ông Thìn đã đưa Đất Xanh trở thành một thương hiệu lớn trong lĩnh vực phân phối bất động sản. Vậy liệu lần đi ngược thứ ba này có giúp ông thành công?
“Khẩu hiệu của Đất xanh ngay từ ban đầu là: Nhà phát triển dự án chuyên nghiệp. Do đó, đầu tư là chiến lược đã được vạch ra ngay từ đầu. Tuy nhiên, chúng tôi muốn bước vào lĩnh vực đầu tư sau khi đã chuẩn bị được một nền tảng vững chắc về nhân lực cũng như về tài chính”, ông Thìn cho biết.
Nhân viên Đất Xanh tư vấn và cung cấp những sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. |
Theo ông, nền tảng ấy chính là vòng tròn khép kín từ dịch vụ, xây dựng và đầu tư mà Đất Xanh đã xây dựng được trong 5 năm qua.
Với hệ thống phân phối và xây dựng gần 1.500 con người từ Bắc vào Nam có lẽ nền tảng của Đất Xanh đã khá vững vàng. Tuy nhiên, với con số 525 tỉ đồng vốn điều lệ, tiềm lực tài chính của Đất Xanh là không đáng kể. Đây được xem là thách thức lớn nhất của ông Thìn trong lần đi ngược thứ ba này.
Thách thức đó cũng chính là câu hỏi người viết đặt ra cho ông Thìn. Ông đã không trả lời mà chỉ nói rằng có những nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn cho Đất Xanh.
Cổ đông mà ông Thìn ám chỉ là Ngân hàng Cổ phần Việt Á (VietABank). Ngân hàng này đang nắm 11% cổ phần ở Đất Xanh. Tuy nhiên, VietABank chỉ là nhân vật phụ. Tập đoàn Việt Phương có lẽ mới là cổ đông lớn.
Hiện tại, Việt Phương đã nắm khoảng 2,86% vốn điều lệ của Đất Xanh. Tuy nhiên, Việt Phương đã sở hữu 11,6% vốn điều lệ của VietABank, là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này.
Ngoài Việt Phương, hiện Đất Xanh còn có 2 cổ đông cá nhân khác nắm tỉ lệ cổ phần khá lớn. Điều này khiến một số nhà phân tích đặt ra khả năng, quyền lực thực sự ở Đất Xanh có lẽ không còn nằm trong tay ông Thìn nữa. Tuy nhiên, ông khẳng định, mình vẫn còn nắm hơn 50% cổ phần ở Đất Xanh.
“Đất Xanh đã tăng vốn rất nhanh trong thời gian qua, họ cũng có được những cổ đông mạnh. Tuy nhiên, với số vốn như hiện nay sẽ khó cho Đất Xanh thực hiện những dự án lớn”, giám đốc đầu tư một công ty bất động sản (giấu tên) nhận xét.
Nhận xét này hoàn toàn có cơ sở và có thể thấy ngay trong dự án Sunview Town. Mới đây, Đất Xanh đã có văn bản trình đại hội cổ đông thông qua phương án phát hành 22,2 triệu cổ phần trong quý IV/2013 để tăng vốn điều lệ lên 750 tỉ đồng. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán dự kiến là 222 tỉ đồng sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho dự án Sunview Town.
Ông Thìn cũng thừa nhận việc chưa huy động được nguồn vốn dài hạn của quốc tế là hạn chế của Đất Xanh. Ông cho biết Đất Xanh đang đàm phán với một số quỹ đầu tư và đối tác từ Nhật.
“Việc kêu gọi các cổ đông nước ngoài cùng với việc chuẩn hóa quy trình quản trị và những chuẩn mực khác là chiến lược trong lộ trình đến năm 2018 của Đất Xanh. Mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2018 sẽ đưa Đất Xanh niêm yết trên sàn Nasdaq, Mỹ”, ông Thìn cho biết.
Ông không nói suông. Tại Đất Xanh, những người từng làm ở môi trường quốc tế đã được ông mời về làm việc để chuẩn bị cho ngày lên sàn ở Mỹ.
Cách đây vài năm, phía sau bàn làm việc của ông Thìn luôn treo bức tranh một con hổ. Thế nhưng mới đây ông đã thay thế hổ bằng 2 con rồng trong tư thế đang bay lên.
“Hổ rất mạnh nhưng cũng chỉ quanh quẩn ở rừng xanh, còn rồng luôn muốn bay cao và xa hơn”. Ông Thìn giải thích.
Theo NCĐT