Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, ngày 16/9, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội thảo nhằm đóng góp ý kiến cho đền án thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc.
Theo báo cáo của tỉnh Kiên Giang, so với mục tiêu mà Thủ tướng đã phê duyệt về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đảo này vẫn chưa đạt yêu cầu so với tiềm năng lợi thế vốn có, dù trong đề án đã cho phép Phú Quốc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong xây dựng, đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục…
Nhiều đề xuất quan trọng mang tính đột phá đã được đưa ra nhằm sớm đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế. |
Đặc biệt, mục tiêu xây dựng Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm công nghệ, trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giải trí trình độ cao, giao thương quốc tế lớn và hiện đại của cả nước, khu vực và quốc tế cũng có thể bị ảnh hưởng nếu như không có một cơ chế, chính sách đặc thù, vượt lên trên chính sách hiện tại nhằm thu hút các nhà đầu tư.
Một đề xuất mang tính đột phá, táo bạo đã được TS. Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM - đưa ra, đó là Chính phủ cần bổ sung thêm cơ chế đặc thù về đất đai và sở hữu bất động sản. Cụ thể, rừng, biển ủy thác cho chính quyền đặc khu quản lý, không phải hàng hóa để mua bán. Loại đất “công điền, công thổ” cần được xác lập là tài sản của pháp nhân dặc khu, quản lý theo chế độ sở hữu Nhà nước.
Riêng đất ở, đất sản xuất, kinh doanh… thuộc sở hữu pháp nhân, hoặc thể nhân với tính chất là sở hữu có điều kiện.
Theo chuyên gia này, xác định thực trạng sử dụng đất như vậy sẽ minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai. Đồng thời đề nghị không nên áp dụng cơ chế giao đất cho nhà đầu tư mà thay bằng cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng.
Ngoài ra Chính phủ cũng nên áp dụng thể chế “sở hữu bất động sản có thời hạn” ở Phú Quốc, không phân biệt kiến trúc trên đất và đất. Cơ chế này sẽ xác lập quyền tài sản cho nhà đầu tư có thể thế chấp vay vốn và tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng Phú Quốc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nên ngoài đề xuất cơ chế, chính sách liên quan thu hút đầu tư thì phải có thêm các chính sách thu hút khách du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Nguyễn Văn Thành đề nghị cần cho phép đặc khu Phú Quốc được kinh doanh dịch vụ casino gắn với du lịch, nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch.
Về tổ chức chính quyền, TS. Nguyễn Minh Phương (Bộ Nội vụ) cho rằng không nên áp dụng mô hình UBND trong quản lý hành chính mà nên thực hiện thí điểm chế độ “thủ trưởng hành chính” nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giải quyết kịp thời các công việc phát sinh trên địa bàn.
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh thống nhất với các ý kiến chuyên gia về tính cần thiết xây dựng đặc khu kinh tế Phú Quốc. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo rà soát, xây dựng các chính sách đặc thù, có tính đột phá, mạnh mẽ hơn so với những chính sách thể hiện trong dự thảo đề án, đặc biệt là các chính sách về đất đai, hải quan, thuế, đầu tư…và phải được thể chế trong Hiến pháp và luật.
Phó thủ tướng chỉ đạo kiên quyết điều chỉnh các dự án đã cấp phép từ trước nhưng nay không còn phù hợp để tránh lãng phí, tốn kém về sau. Bên cạnh đó quản lý đất đai tại Phú Quốc phải có chương trình tổng thể, tránh đầu cơ.
Theo VnEconomy