Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư về dự án Dầu Giây - Phan Thiết |
"Việc xúc tiến đầu tư và sớm triển khai dự án theo hình thức PPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Chính phủ cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư để dự án đảm bảo triển khai thành công, là tiền đề và là hình mẫu cho các dự án PPP hạ tầng giao thông khác”.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
|
Ông Mark Moseley, Trưởng nhóm công tác của WB cũng cho biết, lợi thế rất lớn của tuyến Dầu Giây – Phan Thiết là đã có được nhà đầu tư thứ nhất. Rõ ràng dự án đã có sự khởi đầu rất tốt và là cơ sở để lựa chọn được nhà đầu tư thứ hai một cách công bằng nhất.
“Dựa trên những phản hồi tích cực của các nhà đầu tư tại các buổi hội thảo trước, WB tin tưởng sẽ chọn được nhà đầu tư thứ hai đủ năng lực để cùng song hành với Bitexco triển khai tuyến cao tốc này. Hy vọng đây sẽ là mô hình mẫu không chỉ để nhân rộng ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trên thế giới” - ông Mark Moseley nói.
Nhà tài trợ thấy tiềm năng lớn từ PPP ở Việt Nam
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam trả lời về việc thí điểm PPP trong hạ tầng giao thông. Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, vốn cho phát triển hạ tầng khá hạn hẹp, theo bà, PPP sẽ mang lại lợi ích gì cho Việt Nam?
Hiện nay, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam là rất lớn. Dù Chính phủ hàng năm đã dành tới khoảng 9% GDP cho lĩnh vực này, nhưng so với thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Do vậy, Việt Nam đang trong quá trình tìm kiếm những hình thức đầu tư mới để tăng nguồn tài chính cho hạ tầng giao thông. Việc huy động từ khu vực tư nhân là hoàn toàn đúng đắn. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khu vực tư nhân giữ một vai trò hết sức quan trọng. Các dự án huy động từ tư nhân thường có sự năng động và sáng tạo cao, từ đó đem lại hiệu quả rất khả quan.
Dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết là giao dịch PPP đầu tiên được thực hiện với sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế. Liệu Việt Nam đã sẵn sàng để triển khai theo hình thức mới mẻ này chưa, thưa bà?
Việt Nam đang rất nỗ lực để thiết lập được một dự án theo đúng chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, Bộ GTVT đã rất tích cực chuẩn bị dự án và cho đến nay mọi công đoạn đã gần như hoàn tất. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là các hội nghị xúc tiến tìm kiếm nhà đầu tư thứ hai đã được tổ chức tại Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore với sự tham gia của hàng chục nhà đầu tư tiềm năng.
Rõ ràng Việt Nam đã chuẩn bị dự án rất tốt và cơ hội triển khai thành công các dự án theo hình thức PPP là hoàn toàn rộng mở. Thông qua dự án thí điểm Dầu Giây – Phan Thiết, các nhà tài trợ cũng thấy được năng lực và tiềm năng lớn từ PPP của Việt Nam.
Theo bà cần cơ chế nào để quản lý và giám sát tốt tiến độ thực hiện của dự án?
Khi triển khai các dự án PPP có rất nhiều bên tham gia, bao gồm đại diện vốn chủ sở hữu của dự án, vốn của các công ty tư nhân trong nước, các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế. Để quản lý và giám sát hiệu quả thì quan trọng nhất là phải có sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa các bên. Nhà nước cần tạo ra khuôn khổ, hành lang pháp lý hợp lý và minh bạch. Còn nhiệm vụ của khu vực tư nhân là phải đưa ra được một dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ tốt nhất. Cảm ơn bà!
|
Theo GTVT