Phòng chống dịch bệnh TCM: Cần có sự vào cuộc của liên ngành

Thứ tư, 30/11/-0001, 00:00
Ngày 20/11, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại TP HCM.

Rửa tay bằng xà phòng, nhắc trẻ giữ vệ sinh là một biện pháp hữu hiệu để phòng tránh bệnh tay chân miệng. Ảnh: TT
 

Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) ngày 20/11 tại TP HCM nhằm thảo luận, trao đổi kinh nghiệm để giảm số ca mắc, tử vong do bệnh gây ra trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
 

Bệnh TCM có xu hướng giảm
 

Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Văn Bình, năm 2011, bệnh TCM diễn biến phức tạp tại một số nước trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 4 trong số 10 nước có số ca mắc TCM cao nhất thế giới.
 

Từ đầu năm đến nay, cả nước có 90.189 trường hợp mắc TCM tại 63 địa phương trong đó có 153 trường hợp tử vong tại 28 tỉnh, thành phố; tỷ lệ mắc/100.000 dân là 100,8. Theo biểu đồ diễn biến tình hình dịch TCM từ tháng 1 đến tháng 11/2011, dịch đã đạt đỉnh cao nhất vào tháng 9 và đang có xu hướng giảm vào tháng 10, tháng 11. Dự đoán số mắc mới trong tháng 11 có thể giảm hơn so với tháng 10/2011.
 

Miền Nam là khu vực có số mắc cao nhất: 58.171 trường hợp, kế tiếp là miền Bắc ghi nhận 14.067 trường hợp mắc. Về tử vong, khu vực miền Nam ghi nhận số trường hợp tử vong cao nhất là 131 trường hợp. Các tỉnh Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu có tỉ lệ mắc/100.000 dân cao nhất. Tỷ lệ chết/100.000 dân cao nhất cả nước là các tỉnh Đồng Nai, Bạc Liêu, Ninh Thuận. Trong đó Ninh Thuận đã công bố dịch trên toàn quốc, hiện đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ chết/mắc.
 

Dự báo trong tháng 11 và 12 dịch tiếp tục giảm tuy nhiên có nguy cơ duy trì số mắc và tử vong vì bệnh không có vaccine phòng ngừa, không có thuốc đặc hiệu; bệnh có nhiều týp virus gây bệnh, tỷ lệ EV71 lưu hành cao, đối tượng cảm nhiễm lớn. Tỷ lệ người lớn mang trùng cao cũng là nguồn lây nhiễm bệnh cho trẻ em, người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh thấp. Đáng kể là một số nơi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì Hội nghị bàn biện pháp chống dịch tay chân miệng
 

Khó khăn
 

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu, ngành y tế đã rất nỗ lực để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do TCM. Tuy nhiên để chống dịch hiệu quả cần có quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, năm 2011, tỷ lệ mắc và tử vong cao gấp 10 lần năm 2010. Tình hình bệnh dịch đang cấp bách, TCM tử vong cao gấp đôi so với sốt xuất huyết vì vậy rất đáng để quan tâm. Theo Phó Thủ tướng, công việc sắp tới phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đặc biệt có các nội dung cha mẹ phải biết, đó là đối tượng nguy cơ là trẻ dưới 5 tuổi, đường lây lan là tiêu hóa vì vậy cần ăn sạch, uống sạch, chân tay phải sạch; tuyên truyền phải đúng địa chỉ.

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, nguyên nhân khiến dịch gia tăng số người mắc là vì một số địa phương chưa nhận thức rõ vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống dịch. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân và trung tâm y tế. "Nhiều địa phương mật độ dân số cao, điều kiện vệ sinh môi trường chưa tốt, thiếu nước sạch nên công tác phòng chống dịch còn gặp nhiều khó khăn", ông Hiển hay.
 

BS. Tăng Chí Thượng - Giám đốc BV Nhi Đồng 1, TP HCM cho biết, BV hiện vẫn quá tải dữ dội, mỗi ngày tiếp nhận 100 ca mới, số ca nặng tăng cao, có giai đoạn không đủ giường bệnh, thiết bị điều trị. Theo BS. Tăng Chí Thượng, số ca bệnh sẽ giảm tử vong nếu mở rộng mạng lưới điều trị tay chân miệng; thành thạo lưu đồ xử trí, sớm hình thành các đơn nguyên hồi sức cấp cứu bệnh TCM.
 

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng về công tác chỉ đạo, UBND các tỉnh cần kiện toàn lại công tác phòng chống dịch. Các tỉnh dựa vào Nghị định 64 về công bố dịch và công bố hết dịch để áp dụng. Trong năm nay dịch TCM đã xảy ra ở nước ta với tỉ lệ lớn nhất từ trước đến nay, rất cần có sự vào cuộc liên ngành và cộng đồng. 
 
"Trước mắt Bộ Y tế sẽ hỗ trợ kinh phí cho Cục Khám chữa bệnh xây dựng 3 trung tâm chuyên về chữa bệnh như sốt xuất huyết trước kia là BV Nhi đồng1, Nhi đồng 2 và BV Bệnh Nhiệt Đới. Tham mưu UBND tỉnh mua máy monitor trong điều trị bệnh; mở thêm các lớp cho điều dưỡng nhất là các tỉnh có số mắc và tử vong cao về TCM", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
 
Sáng 19/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tỉnh Ninh Thuận chứng kiến lễ phát động chiến dịch rửa tay với xà phòng, nhằm chống dịch TCM. Bộ trưởng cũng đã đi kiểm tra tình hình điều trị bệnh tại BVĐK Ninh Thuận.
 
Theo Bộ trưởng, dịch TCM lan rộng nên việc phát động chiến dịch rửa tay với xà phòng là vấn đề cấp bách, nhằm chuyển tải thông tin tuyên truyền đến từng hộ dân để nâng cao nhận thức về việc chăm sóc con trẻ, bảo đảm sức khỏe, môi trường.
 
Trước đó, Bộ Y tế đã có cử nhiều đoàn công tác vào Ninh Thuận để làm việc với địa phương về công tác điều trị chống dịch TCM hiệu quả.
 

Theo Gia đình.net

Các tin mới hơn