Kết quả khảo sát gần đây nhất của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho thấy hơn 30% số người tham gia khảo sát tại các vùng nông thôn (tập trung chủ yếu ở phía Bắc Việt Nam) thừa nhận đã từng sử dụng mật gấu.
Theo đó, ENV đã thực hiện khảo sát đối với 1.400 người dân tại các vùng nông thôn, những người tham gia chương trình khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên và được phỏng vấn qua điện thoại về thái độ của họ đối với việc sử dụng mật gấu.
Kết quả khảo sát cho thấy, 81% người dân được hỏi cho biết họ sử dụng mật gấu để chữa các vết bầm tím, bong gân và đau nhức.
Cùng với đó, kết quả cho thấy tỷ lệ nam giới sử dụng mật gấu cao hơn nữ giới gấp 2 lần, gần 40% nam giới được hỏi trả lời có sử dụng mật gấu, trong khi nữ giới là 24%.
Nhu cầu sử dụng mật gấu là một trong những mối
đe dọa chính đối với các loài gấu của Việt Nam
Những người dân ở nông thôn cũng cho biết, lứa tuổi 40 trở lên có xu hướng sử dụng mật gấu nhiều hơn.
ENV cho biết, nghiên cứu về thái độ và hành vi đối với việc sử dụng mật gấu tại Việt Nam là một phần chiến lược quan trọng của ENV trong việc giảm thiểu sử dụng và tiêu thụ mật gấu trong 6 năm qua.
Việt Nam là nơi phân bố của hai loài gấu (gấu ngựa và gấu chó) – hai loài này đều được bảo vệ trong nhóm 1B của Nghị định 32/2006/NĐ-CP, là nhóm các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, cả hai loài gấu nước ta đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao do nạn săn bắt và buôn bán gấu trái phép.
Theo ENV, gấu thường bị săn bắt trong tự nhiên rồi bán cho các trang trại để khai thác mật nhằm phục vụ nhu cầu của con người.
Đến nay, ước tính số gấu nuôi nhốt tại Việt Nam còn khoảng hơn 3.000 cá thể, các chuyên gia cho rằng số lượng gấu nuôi nhốt nhiều hơn số lượng gấu ngoài tự nhiên.
Theo VTCNews