Sinh viên báo chí săn tin, "chém gió" kiếm tiền

Thứ ba, 24/07/2012, 07:21
Được gọi là nghề của sự năng động, liều lĩnh và thích "cày cuốc", một số bạn làm thêm báo chí kiếm 5-7 triệu đồng/tháng, nhưng có bạn sành sỏi hơn thì mấy tháng hè kiếm được 40 triệu đồng, mua máy ảnh xịn, trang trải cuộc sống.
 
Nghề của sự sắc sảo và năng động
 
Nghề làm báo rất phù hợp đối với những ai yêu thích công việc viết lách. Khi lần đầu tiên nhìn thấy bài viết của mình được đăng lên báo, ai cũng cảm thấy phấn khích, hào hứng bởi ngoài việc chứng minh được khả năng của mình và nhận được nhiều kinh nghiệm quý báu thì còn nhận được tiền nhuận bút sau mỗi bài viết.
 
Đối với những sinh viên đang theo học ngành báo chí thì ngoài việc học tập, đa số đều chọn giải pháp là làm cộng tác viên cho các báo mạng, báo in, tạp chí hoặc làm biên tập cho một số website. Bởi lẽ các công việc như vậy giúp ích rất nhiều cho nghề nghiệp sau này. Hơn nữa, số tiền nhuận bút nhận được cũng khá cao, một số bạn có thể dùng tiền này trang trải học phí cũng như chi tiêu cho bản thân mình.
 
Nguyễn Trần Phương Linh - sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền chia sẻ về công việc làm thêm: “Hiện tại, mình đang là cộng tác viên cho một tờ báo khá nổi tiếng. Mình tham gia cộng tác cũng được gần nửa năm rồi. Mới đầu, mình cũng hơi hồi hộp không biết có được nhận vào làm hay không, vì người phụ trách muốn xem khả năng của mình đến đâu, có nhạy bén trong tư duy hay không.

Cuối cùng mọi việc cũng được như ý muốn. Với mỗi bài viết khoảng 1.200 - 1.500 từ thì mình nhận được 400.000-500.000 đồng tiền nhuận bút. Ngoài ra, với những bài viết được đánh giá tốt thì sẽ được tòa soạn cân nhắc để tăng nhuận bút. Trung bình một tháng mình viết được trên dưới 10 bài, nên tính ra cũng kiếm được 5-7 triệu đồng/tháng".

 
Dương Thu Trang, cũng là sinh viên Học viện Báo chí. Hiện nay, cô cũng đang là cộng tác viên cho một tờ báo dành cho lứa tuổi học trò. 
 
“Trước hết công việc này đem lại cho mình rất nhiều trải nghiệm đầy thú vị. Quan trọng nhất là mình được rèn luyện khả năng viết lách, với mỗi tờ báo thì đều mang các tiêu chí khác nhau nên nhiều khi mình phải viết theo cái “gu” của họ.

Hơn nữa, mình sẽ được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, áp lực công việc cao, do vậy mình sẽ trở nên nhanh nhạy, năng động cũng như được làm quen với công việc sau này. Ngoài việc làm cộng tác viên cho báo, thì mình cũng đang làm quản lý, biên tập cho website về ẩm thực".

 
Sự phát triển của báo chí Việt Nam đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho
sinh viên. Ảnh Internet.

Thu Trang cho biết, có những thời điểm, buổi sáng cô được giao đề tài, và ngay đầu giờ chiều là phải có để bài xuất hiện trên trang báo. "Thực sự là áp lực hơn mình tưởng rất nhiều, không phải chạy đi hiện trường như các anh chị làm phóng sự nhưng mình cũng phải dò hỏi khắp nơi, phỏng vấn, moi móc thông tin rồi sau đó gõ phím lia lịa để hoàn thành bài viết. Thế mà cũng có hôm bị trả lại vì chưa đạt yêu cầu" - Trang tâm sự.
 
Cùng là làm cộng tác viên, nhưng cũng có sự khác nhau giữa những bạn làm cho báo in và báo mạng. Với báo in, số tiền nhuận bút  nhận được thông thường sẽ cao hơn. Hiện nay, trung bình với mỗi bài viết được đăng trên báo in, tiền nhuận bút từ 400.000-500.000 đồng/bài, còn đối với báo mạng thì con số đó chỉ là 200.000-300.000 đồng/bài. Đôi khi có một số tờ báo in lớn trả 700.000 đồng/bài.
 
"Hiện tại, mình đang làm cộng tác viên báo mạng. Mỗi tháng viết được 15-20 bài, có những tháng mình chỉ tập trung vào viết nên cường độ làm việc cao hơn, chính vì vậy mà mang lại nhiều hiệu quả công việc hơn. Tiền nhuận bút hàng tháng rơi vào khoảng 4,5-6 triệu đồng/tháng.

Mình có lợi thế hơn một số bạn ở chỗ có gia đình trên này nên không phải mất tiền đi thuê nhà, tiền ăn uống. Tiền nhuận bút mình kiếm được thì chỉ dành cho việc đóng tiền học, tiền học thêm tiếng Anh, đương nhiên là cũng phải đi chơi với bạn bè như xem phim, ăn uống, sinh nhật” - Nguyễn Hải Trung, sinh viên của Học viện Báo chí Tuyên truyền chia sẻ.

 
Theo Trung, để kiếm được tiền, sinh viên báo chí cũng không hề nhàn hạ như mọi người vẫn tưởng. Với các bạn chụp ảnh thì phải thường xuyên chạy tin sự kiện vào buổi tối, có những hôm 12 đêm đến 1h sáng mới về đến nhà.
 
Sinh viên cộng tác các mảng đời sống thì còn vất vả hơn, vì các bạn sẽ phải lăn lộn giữa mưa nắng, hoặc phải đi ngoại tỉnh để làm bài. Thậm chí, để có được tin, các bạn đôi khi phải cắn răng nghe người ta mắng chửi, hoặc một đi không trở lại ở một địa phương mà mình đã phản ánh có tính tiêu cực. Chính vì thế, dù kiếm được bao nhiêu thì số tiền nhận được đều rất quý giá đối với dân làm thêm báo chí.
 
Linh động thì cũng kiếm được nhiều

Theo một số sinh viên, làm cộng tác viên khai thác quảng cáo, viết bài PR cho doanh nghiệp, các cơ quan hành chính là kiếm nhiều nhất. Để có thể làm cộng tác viên viết bài PR, sinh viên thường xuyên phải chấp nhận đi xa, về các tỉnh hàng tuần để làm việc và công việc này được nhiều bạn lựa chọn trong dịp nghỉ hè.
 
Vũ Duy Hưng - sinh viên CĐ Phát thanh Truyền hình chia sẻ, trong thời gian nghỉ hè, cậu đang làm cộng tác viên ban Kinh tế - Xã hội cho một tờ báo. Công việc của Hưng là phải thường xuyên đi để kiếm hợp đồng viết bài PR - quảng cáo. Theo quy định của tòa soạn, với mỗi một hợp đồng Hưng được hưởng 40%.

Đó là trong trường hợp Hưng đi một mình để làm việc. Còn nếu đi cùng một anh/chị nữa trong cơ quan thì số tiền 40% sẽ chia đều cho 2 người, mỗi người được hưởng 20%. Chi phí đi lại, sinh hoạt thì các bạn phải tự lo liệu, chi trả chứ cơ quan không chu cấp.

 
Ban đầu, khi mới vào cơ quan không ai tránh khỏi sự bỡ ngỡ trong công việc, vì chưa biết, chưa hình dung ra công việc sẽ như thế nào nên Hưng được cử đi làm cùng một anh nữa trong cơ quan.

Nơi Hưng sẽ thường xuyên xuống công tác là ở tỉnh Nam Định và thời gian làm việc sẽ từ sáng thứ 2 cho đến chiều thứ 6, bởi sáng thứ 7 hàng tuần tất cả mọi người đều phải quay trở về tòa soạn để báo cáo tình hình công việc trong tuần, kết quả công việc và lấy giấy giới thiệu của cơ quan.

 
Tháng đầu tiên làm việc, Hưng kiếm được 4 hợp đồng trị giá 40 triệu đồng, hưởng 8 triệu đồng từ đó (hưởng 20% ). Tuy nhiên, theo như Hưng “bật mí ” thì ngoài số tiền kiếm được trên hợp đồng, các bạn còn nhận được khá nhiều chi phí “tiếp khách” của các đơn vị.
 
Mỗi lần đến đơn vị làm việc, họ đều có “quà” cho anh em. Ít thì 200.000-300.000 đồng/người, vừa thì 500.000 đồng/người. Đối với nhiều doanh nghiệp lớn, hơn nữa lại có quen biết thì số tiền đó lên tới 1-2 triệu đồng/người. Khi lần đầu cầm số tiền trong tay, Hưng có phần rụt rè và ái ngại.

Nhưng về sau, được biết ai làm việc trên cơ quan mà chả như vậy nên cậu bạn đã quen hơn rất nhiều và rất “nhiệt tình” đi công tác. Đối với sinh viên thì đây là những khoản tiền không hề nhỏ.

 
Do vậy, chỉ tính riêng số tiền mà Hưng nhận được từ việc “tiếp khách” đã lên tới 7-8 triệu đồng. Cộng thêm số tiền % được hưởng thì tháng đầu tiên, Hưng đã kiếm được 16 triệu đồng. Trừ đi số tiền chi phí đi lại, ăn uống ngủ nghỉ ở khách sạn, khi về đến Hà Nội lại đi chơi… thì số tiền Hưng để dành được hàng tháng là hơn 10 triệu đồng.
 
Hưng chia sẻ: “Mình cộng tác ở đây cũng hơn 1 năm rồi. Nói là hơn 1 năm nhưng mình hầu như chỉ đi làm những khi nghỉ hè, còn thời gian trong năm thì tập trung học hành, thi cử. Hè năm ngoái, tính riêng 3 tháng hè mình kiếm được hơn 40 triệu đồng, mua được một chiếc máy ảnh Canon khoảng 20 triệu. Còn đâu là để tiền đấy chi trả cho các thứ lặt vặt khác. Hè này, mục tiêu phấn đấu của mình là sẽ kiếm tiền mua cái xe mới đi cho thích.”
 
Tuy kiếm được cũng kha khá nhưng nghề này đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó và đôi khi cũng có nhiều nguy hiểm. Hưng kể rằng, suýt nữa đã gặp tai nạn khi đang trên đường đi công tác.

Số là mỗi lần đi công tác tại Nam Định thì 2 anh em đều đi xe máy từ Hà Nội xuống, trong một lần đang đi trên đường từ Hà Nam về Nam Định thì bị một xe khách chạy ngược chiều bất ngờ lấn sang làn đường để tránh công an, may mà Hưng phản ứng nhanh, lách kịp vào sát đường mép đường, không thì đã xảy ra tai nạn.

 
Cũng nhiều lần, phải đi công tác một mình, Hưng phóng xe từ Nam Định về trong tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ. Đi 3 tiếng trên đường không nghỉ ngơi, với quãng đường hơn 130km (từ bãi biển Thịnh Long) về đến Hà Nội.

Chính vì buồn ngủ mà cũng mấy lần Hưng suýt bị tai nạn. Cũng may là từ lần đó Hưng quyết định không tự lái xe đi xuống các tỉnh nữa mà cho hẳn xe máy lên xe khách. Tuy mất thêm tiền nhưng bù lại sẽ được an toàn và yên tâm hơn.

Theo zing

Các tin cũ hơn