Lót vở vào mông để chống "thầy giáo tra tấn"

Thứ hai, 23/07/2012, 14:36
Tại trung tâm bồi dưỡng kiến thức cấp 2 TP. Thái Nguyên, học sinh có thể bị “tra tấn” với đủ các lỗi: bị điểm 5, quên xin chữ ký phụ huynh… thậm chí cả khi chép bài mà thầy chưa cho phép.
 
"Việc dùng roi đánh vào mông của các cháu sẽ không khiến các cháu bị đau", một giáo viên của trung tâm từng giải thích về việc bắt các em nằm úp để đánh.
 
Trước khi đánh, thầy giáo tên Thành thường chỉnh lại tư thế nằm lãnh đòn của học sinh sao cho ngay ngắn nhất. Một trong những luật bất thành văn ở đây là học sinh không được kêu khi bị đánh. 
 
Nhưng trên thực tế, học sinh lãnh những đòn "tra tấn" này đều nhăn nhó vì những cú đáng rất mạnh ấy, và có những học sinh dù đã rất cố gắng chịu đựng, đã quen với chuyện chịu đòn thì vẫn phải kêu lên thảng thốt khi chiếc roi ấy được giáng xuống với một lực vô cùng mạnh.
 
Chiếc roi dùng để đánh học sinh dài khoảng 50cm, đường kính 1cm (bằng đầu ngón trỏ), bên ngoài được cuốn nhiều lớp băng dính đen. Nếu nhìn bằng mắt thường sẽ thấy chiếc roi bé, không có gì nguy hại lắm. Nhưng thực tế độ tiếp xúc càng nhỏ, đau càng sâu.
 
 
Trước khi "tra tấn" học sinh, ông thầy này còn "kiểm tra" xem có ai mặc
đệm vật gì đó để đối phó.
 
Chiếc roi cấu tạo quá cứng và đặc biệt, cộng với lực đánh rất mạnh của thầy, sau khi bị đánh một người lớn còn không thể trèo xuống bàn và đi lại bình thường ngay lúc đấy được.
 
Những đòn phạt có thể xảy ra bất cứ khi nào ở lớp, với những lý do: Làm bài kiểm tra trả bài dưới 6 điểm, do làm việc riêng trong lớp... thậm chí chỉ là do quên chưa xin chữ kí của bố mẹ vào bài kiểm tra. Kinh khủng hơn là học sinh còn bị đánh khi "chẳng may" đặt bút viết bài mà thầy chưa cho phép.
 
Và điều lạ lùng hơn nữa là đánh nhiều hay ít, mạnh hay nhẹ còn tùy thuộc vào tâm trạng của thầy. Ai bị thầy Thành (người tra tấn học sinh trong clip) đánh vào lúc tâm trạng không tốt, coi như hôm đó học sinh gặp xui xẻo.
 
Những lúc như thế, lực đánh với chiếc roi đặc biệt ấy giống như đòn "tra tấn" nhằm vào những kẻ phạm tội thực sự, chứ không đơn thuần là răn dạy học sinh. Một trong những học sinh bị đánh nhiều nhất có tên Thành, nhiều lúc như muốn van xin thầy tha cho, nhưng dường như càng cầu xin thầy càng mạnh tay hơn.
 
Và để hạn chế tính "sát thương" của những trận mưa roi, hầu hết các em học sinh đều mặc quần bò mỗi khi đi học.
 
Một học sinh cho hay: "Hôm nào đến lớp, bạn Nam và cháu cũng nói chuyện với nhau là hôm nay mặc mấy quần để tránh bị đau khi ăn đòn".
 
Đã có thời, các em học sinh nghĩ ra cách cho sách vở vào lớp quần trong mông. Tuy nhiên, khi đánh, thầy thường có động tác sờ mông trước khi quất những roi phạt xuống để tìm "vật thể lạ". Vì thế, cách này nhanh chóng bị vô hiệu.
 
"Có hôm đến lớp, bạn Nam khoe với cháu là bạn ấy phải uống thuốc giảm đau khi đi học để tránh bị đau khi thầy đánh đòn", Thành cho hay.
 
Sau khi chuyện dùng đòn roi “tra tấn” học sinh tại trung tâm gia sư của ông Phạm Minh Tuấn (ông Tuấn cũng đã thừa nhận việc dùng roi mây đánh học sinh) bị phanh phui, rất nhiều bạn đọc đã bình luận về vấn đề này.

Đa số ý kiến cho rằng đó là hành vi không thể chấp nhận được, người thì gọi đó là hành vi phản khoa học, người gọi đó là cách làm của những kẻ vô giáo dục... thậm chí có nhiều người lên tiếng đòi đưa những ông thầy này ra đánh bằng chính những chiếc roi mấy ấy, để họ nếm thử mùi đau đớn khi ra sức "tra tấn" học trò. Cá biệt, một số ý kiến cho rằng, nên loại bỏ hoàn toàn những người đã sử dụng phương pháp dạy học này ra khỏi ngành giáo dục.
 
Các em học sinh có lực học kém bị biến thành “công cụ” dạy học kiểu răn đe:
 
Bình luận về vấn đề này, bà Bà Nguyễn Thị Thơ, Hiệu phó Trường Tiểu học Phú La, Hà Đông, Hà Nội chỉ ra rằng: Các em học sinh học yếu dẫu có đánh nhiều thì việc tiến bộ trong lực học của các em là không thể. Tuy nhiên, các em khác sẽ nhìn vào đó mà sợ để chăm chỉ học tập hơn. Nhìn ở góc độ này, các em học sinh bị đánh đã bị lợi dụng để biến thành “công cụ” giúp các thầy răn đe các em khác. Điều này lại càng chứng minh rằng đây là phương pháp dạy học vô cùng phản giáo dục.
 

Theo GDVN

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích