Cần ghi nhận và bảo vệ quyền của người đồng tính trong pháp luật
Chủ nhật, 29/07/2012, 18:02
Vấn đề này đang được cộng đồng người đồng tính bàn tán, và hầu hết họ đều mong muốn được pháp luật thừa nhận hôn nhân đồng tính như một thực thể không thể tách rời của xã hội hiện nay. Pháp luật cũng đang tiến dần đến điều này.
Hiện, Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam cấm hết hôn đồng tính. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn tồn tại hai luồng ý kiến. Thứ nhất, cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế, thậm chí có thể sửa luật để cho phép hôn nhân đồng tính.
Luồng ý kiến thứ hai là không đồng ý sửa luật, đặc biệt là ở Việt Nam. Thực tế, đã có 23 nước công nhận quyền của người đồng tính, 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, 44 nước khác thừa nhận quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính.
“Cá nhân tôi cho rằng, việc công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính cần phải dựa trên những nghiên cứu hết sức cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật… Các vấn đề này đang được nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị dự án Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi” - Bộ trưởng Cường cho biết.
Đám cưới của cặp đồng tính nam
Theo ông Cường, dù công nhận hay không công nhận hôn nhân đồng tính thì cũng không được tạo ra định kiến xã hội đối với cộng đồng và cá nhân người đồng tính. Sau rất nhiều thời gian tranh luận, đưa ra quan điểm, ý kiến, Bộ Tư pháp vẫn chưa được ra quy định cụ thể về Luật kết hôn đồng tính.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đã đến lúc pháp luật không thể đứng ngoài thực tiễn về hôn nhân đồng giới và quyền được kết hôn của những người mang giới tính thứ ba.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, nếu nhìn nhận việc cho phép hôn nhân đồng giới còn “mới lạ”, khó phù hợp với phong tục tập quán truyền thống, dễ gây ra dư luận thiếu tích cực, thì việc đưa ra các qui định về “kết hợp dân sự” để giải quyết việc chung sống giữa những người đồng giới và các hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chung sống giữa họ là hợp lý và cần thiết.
Nói về Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như về quyền kết hôn của người đồng tính, ông Trương Hồng Quang - nghiên cứu viên của Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) cho biết: Trước hết, có thể thấy mong muốn được ghi nhận quyền kết hôn là nhu cầu hoàn toàn chính đáng, có thật trong thực tế của người đồng tính hiện nay. Trong thời điểm hiện tại, việc ghi nhận quyền kết hôn của người đồng tính còn vướng khá nhiều rào cản (tư duy làm luật, quan niệm xã hội…).
Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ phương án pháp luật ghi nhận hình thức kết hợp dân sự có đăng ký, cho phép người đồng tính có quyền thừa kế, quyền nhận con nuôi là khả thi hơn cả. Động thái này cũng sẽ giải quyết được các vấn đề đã phát sinh liên quan đến việc hai người đồng tính sống chung thời gian qua tại Việt Nam.
“Quyền của người đồng tính cần được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật. Quyền con người trong pháp luật là sự cụ thể hóa các quyền tự nhiên của con người vào một cơ chế rõ ràng, minh bạch. Có thể thấy, việc thừa nhận và bảo vệ quyền cho người đồng tính, một phạm trù của quyền tự nhiên chỉ mang tính khả thi khi được pháp luật chính thức hóa và pháp lý hóa.
Quy định quyền của người đồng tính trong pháp luật vừa đảm bảo cho người đồng tính có cơ sở pháp lý vững vàng để tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình và vừa đảm bảo sự tuân thủ, tôn trọng các quyền đó của các chủ thể khác trong xã hội”, ông Quang chia sẻ thêm.
Vẫn mập mờ việc công nhận hay không công nhận?
Và về mặt pháp lý, luật cấm kết hôn, nhưng không thể cấm họ “chung sống như vợ chồng”, thiết lập tài sản chung, thậm chí là “con chung” (con nuôi với cặp đôi đồng tính nam) và con đẻ của một bên (với cặp đôi đồng tính nữ)…
Với những đám cưới đồng tính, việc họ chỉ làm lễ kết hôn theo phong tục thì chính quyền cũng khó có thể cho rằng họ “kết hôn trái pháp luật” vì họ không đăng ký kết hôn và vi phạm các điều cấm của Luật Hôn nhân và Gia đình. Mặc dù xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn về người đồng tính nhưng Bộ Tư pháp và một số cơ quan chức năng vẫn chưa chấp nhận việc kết hôn giữa họ.
Trong Hội thảo khoa học cấp bộ “Nhận diện những bất cập trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 nhìn từ thực tế” do Bộ Tư pháp tổ chức, TS.Nguyễn Phương Lan (ĐH Luật Hà Nội) cho biết, cá nhân bà chưa ủng hộ việc kết hôn đồng tính.
Theo TS.Lan, việc kết hôn đồng tính không chỉ chi phối cuộc sống của người đồng tính mà còn tác động ảnh hưởng đến người khác có liên quan. Chính vì vậy, pháp luật chỉ thừa nhận quyền sống chung của họ. Pháp luật bảo vệ quyền lợi của họ là không ngăn cấm việc họ sống chung nhưng không thừa nhận hôn nhân.
Hai trong số những cặp đồng tính công khai tổ chức tiệc cưới tại Việt Nam
Giải thích cho quan điểm của mình, bà Lan cho biết, ngoài những người đồng tính thật (do cấu trúc gen bẩm sinh) còn có những người đồng tính giả (những người đồng tính do bị chi phối bởi lối sống, sự đua đòi, bắt chước kiểu sống khác lạ). Khi chưa có cơ sở, hiểu biết thấu đáo về quan hệ tình dục cùng giới tính để phân biệt rõ đâu là đồng tính thật, đâu là đồng tính giả thì chưa thể điều chỉnh luật.
Những người ủng hộ cho phép hôn nhân đồng tính phản bác điều này. Bởi, người đồng tình cũng cần những yếu tố cơ bản của con người. Quyền được yêu thương, mưu cầu hạnh phúc, xét cả về góc độ tự nhiên và khoa học.
Vì vậy, một người sinh ra nếu không phải là nam, là nữ mà bị khuyết tật về giới tính thì đâu phải là lỗi do họ, nên việc cấm kết hôn đã làm hạn chế quyền tự do cá nhân của họ. Vậy tại sao pháp luật lại cho phép chung sống với nhau, cho phép họ tổ chức kết hôn nhưng không công nhận Luật hôn nhân đồng tính.
Với quan điểm mở, ủng hộ việc nên rõ ràng trong quy định luật thừa nhận hôn nhân đồng tính, ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho rằng: Trước đây, chuyện chửa hoang cũng đi ngược lại thuần phong mỹ tục người Việt, thế rồi luật cũng cho phép làm mẹ đơn thân.
Vậy, tại sao không công nhận hôn nhân đồng tính? Xã hội thay đổi thì phải thay đổi theo về luật. Quá trình lấy ý kiến về luật hôn nhân đồng tính cần tham khảo từ chính họ. “Việc công nhận hôn nhân đồng tính sẽ tác động rất lớn đến sức khỏe, công việc của họ, làm thay đổi định kiến trong gia đình, xã hội”, ông Bình chia sẻ.
Sau khi dự luật hôn nhân dành cho người đồng tính được đưa ra bàn thảo trước Quốc hội lại một lần nữa dấy lên những tranh luận trái chiều. Không ít ý kiến cho rằng, không nên đưa ra luật này bởi việc kết hôn đồng tính không chỉ chi phối cuộc sống của người đồng tính mà còn tác động ảnh hưởng đến người khác có liên quan. Chính vì vậy, pháp luật chỉ thừa nhận quyền sống chung của họ.
Có nên thay đổi luật để chấp nhận hôn nhân đồng tính?
Trong khi đó, đại đa số những người đồng tính đều muốn pháp luật phải có luật kết hôn dành cho họ bởi họ là những người bình thường, cũng có những mưu cầu hạnh phúc về cuộc sống lứa đôi.
Thực tế cho thấy, dù chúng ta có thừa nhận hay cố tình không thừa nhận thì những người đồng tính vẫn tồn tại trong xã hội như một thực tế dễ thấy nhất trong nhiều năm qua. Chúng ta không nên quá khó khăn với họ, cứ để họ được sống như họ muốn, miễn họ sống tốt, sống đẹp.
Ông Nguyễn Am Hiểu - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Bộ Tư pháp thừa nhận: “Hôn nhân đồng giới đang được dư luận rất quan tâm. Trước đây, Quốc hội Tây Ban Nha đã thảo luận về hôn nhân đồng tính. Hiện nay, trên thế giới xu hướng công nhận vẫn nhiều hơn”. Trước vấn đề mất nhiều thời gian nghiên cứu và gây tranh cãi của dư luận, lãnh đạo Bộ Tư pháp vẫn chưa thể đưa ra quyết định cụ thể về quy định này.
Nhiều chuyên gia Luật cho rằng, Bộ Tư pháp nên quy định rõ ràng luật về hôn nhân đồng tính. Sau đó, nên có những tổ chức xã hội tuyên truyền, tư vấn cho họ để họ có sự cân nhắc, lựa chọn phù hợp. Việc kết hôn và tổ chức đám cưới là việc hệ trọng, ảnh hưởng đến dư luận xã hội.