Hà Nội: Hoang mang vì kiến ba khoang đốt người

Thứ hai, 19/11/2012, 00:13
Người dân ở các khu chung cư Hà Nội đang rất hoang mang vì kiến ba khoang xuất hiện nhiều và đốt người.


>>Kiến khoang gây viêm da dân chung cư: chỉ cần xịt thuốc
>>Tại sao gọi muỗi hổ là muỗi Châu Á?
>>Muỗi hổ châu Á chính là... muỗi vằn
>>Đà Nẵng: Xuất hiện muỗi hổ châu Á
 

Thích ánh sáng đèn
 
Chị Lê Thu, khu chung cư Trung Hòa Nhân Chính cho biết, tối qua (22/10) nhà chị xuất hiện hàng trăm con kiến ba khoang.
 
Chị kể: “Tầm 9 giờ tối thì tôi phát hiện trong nhà có kiến. Vì nhà tôi mở cửa sổ nên chúng bay vào nhà rất nhiều. Chúng bám chi chít vào các bóng đèn, đến lúc gãy cánh thì rơi xuống bò lổm ngổm. Tôi ở tầng 8, thấy các tầng trên cũng có. Cả khu 88 Láng Hạ tối qua cũng có kiến xuất hiện”.
 
kien custom.jpg - 9.99 KB
Kiến ba khoang xuất hiện ở nhà chị Lê Thu tối 22/10. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
 
Con gái hơn 2 tuổi của chị bị kiến đốt, xuất hiện vết đỏ rất to. Chị rửa sạch vết thương bằng xà phòng để tẩy độc, xong lấy nước muối sinh lý rửa lại, rồi bôi thuốc mỡ dành cho vết thương bị côn trùng đốt. Sáng nay vết đốt đã khỏi nhưng chị vẫn rất lo lắng.
 
“Nghe nói không được dùng tay giết kiến vì bụng nó có độc, phải lấy cái gì đập hoặc lấy giấy vệ sinh ấn chết nó. Con kiến rất to, giết mãi mới chết. Không biết có loại thuốc nào diệt được loại kiến này không, thuốc xịt muỗi không ăn thua”, chị Thu băn khoăn.
 
kien1 custom.jpg - 24.65 KB
Vết đốt do kiến ba khoang gây ra. (Ảnh: WTT)
 
Theo tìm hiểu của PV, thời gian gần đây, các khu chung cư ở Hà Nội như khu chung cư Đặng Xá (Gia Lâm), khu chung cư Láng Hạ, khu chung cư Linh Đàm, khu chung cư Kim Liên, khu chung cư Đại Từ, chung cư Hoàng Văn Thái… xuất hiện kiến ba khoang vào buổi tối. Nhiều người dân bị kiến đốt phồng rộp da gây ngứa, rát và đau.
 
Một số gia đình có con nhỏ sợ bị kiến đốt đã phải đóng cửa kín mít cả ngày, tắt đèn sớm để tránh kiến bay vào nhà.
 
Chị Mai Anh, khu chung cư Linh Đàm cho biết: “Trẻ con ở khu chung cư nhà mình bị kiến đốt nhiều lắm. Lúc đầu con mình bị đốt, tay xuất hiện nhiều nốt đỏ mình cứ tưởng bị dời leo, sau mới biết bị kiến đốt. Giờ tay con vẫn còn nhiều vết thẹo thâm thâm”.
 
“Loài kiến này nhạy cảm với ánh sáng đèn, nó theo ánh sáng đèn mà bay vào nhà. Giờ nhà mình không dám mở cửa sổ nữa, đêm thì phải kéo rèm hoặc tắt bớt đèn để hạn chế kiến bay vào”, chị Vân Anh nói thêm.
 
Tắt bớt điện, ngủ mắc màn
 
Theo tiến sĩ Phạm Thị Khoa, khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, kiến ba khoang xuất hiện ở Hà Nội chính là loài kiến tấn công người ở TP. HCM và Huế trong thời gian vừa qua. Loài kiến này thường sống ở các ruộng lúa, vườn cây. Thời điểm này các cánh đồng ở Hà Nội đã thu gặt mùa nên kiến theo gió bay vào những khu dân cư ven cánh đồng.
 
kien2 custom.jpg - 30.46 KB
Cận cảnh kiến ba khoang. (Ảnh: Infonet)
 
Loài kiến này thích ánh sáng đèn nên ánh sáng trong các khu chung cư đã thu hút chúng bay đến. Nhờ sức gió mà kiến này có thể bay được lên cao và vào nhà dân ở những tầng trên cao.
 
Người bị kiến đốt thường bị sưng, phù, dị ứng, rộp da, có mụn nước, nhất là với trẻ em. Loài kiến này rất khó diệt, ngay cả phun hóa chất cũng không chết (vì có cấu tạo đặc biệt, hệ thống lỗ thở dọc theo các đốt nên khi phun hóa chất, các lỗ thở trên thân kiến đóng lại không thở nữa).
 
TS. Khoa khuyến cáo, người dân cần lưu ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, ngủ nằm màn, tắt bớt đèn điện không cần thiết vào buổi tối, có thể trồng những cây có tác dụng đuổi côn trùng như sả, dạ hương quanh khu vực sinh sống.
 
Để phòng các nốt ngứa, phản ứng, sưng, khi bị kiến ba khoang đốt cần rửa thật sạch bằng xà phòng. Lưu ý, không được chà xát làm độc tố của chúng lan rộng ra vì độc tố của chúng có thể gây tổn thương da lan tỏa.
 
 
Kiến ba khoang độc gấp 15 lần rắn hổ
 
Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc Họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Cánh cứng. Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến.
 
Trả lời trên VTC, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang, trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn cho biết, trên cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ nhưng với lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ để gây chết người như nọc rắn. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại.


Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn