Hà Nội phát hiện thêm sai phạm thu chi trong trường học

Thứ hai, 19/11/2012, 00:13
Sau thanh tra Bộ GD-ĐT trên 10 trường tiểu học và bốn phòng GD-ĐT, Ban Văn hóa-Xã hội của HĐND TP. Hà Nội đã phát hiện thêm những sai phạm trong thu chi đầu năm ở các trường thuộc các quận huyện còn lại của thành phố.
Ảnh minh họa. Trong ảnh: HS Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong lễ khai giảng năm học 2012-2013. 

Nhiều khoản thu sai
 
Từ ngày 20/9 đến ngày 3/10, Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức đoàn khảo sát tình hình thu chi và một số khoản thu khác trong các trường mầm non và phổ thông ở 7 quận huyện, thị xã gồm: Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Ứng Hòa, Sóc Sơn, Sơn Tây, 30 cơ sở đào tạo và tiến hành khảo sát sâu tại 10 trường học.
 
Những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra. 
 
Cụ thể là việc một số trường thu khoản thu không có trong quy định như: Trường TH Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) thu tiền hỗ trợ tiểu học: 10.000 đồng/HS/năm. Trường THCS Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây) thu tiền học phẩm 50.000 đồng/HS/năm, tiền ghế chào cờ: 40.000 đồng/HS/năm. Trường THCS Giáp Bát (quận Hoàng Mai) và Trường THCS Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) thu tiền photo đề thi, giấy thi.
 
Báo cáo do Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thùy cho biết: “Hầu hết các trường thu một số khoản chưa rõ ràng, có biểu hiện trùng lặp, cụ thể: Thu tiền học môn tự chọn (tin học) đối với bậc THCS-THPT (theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội đã được ngân sách đảm bảo).
 
Các trường cũng thu tiền môn tự chọn hoặc tăng cường ở bậc tiểu học (học 2 buổi/ngày). Khoản này đã thu theo mô hình 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội.
 
Một số trường không xác định rõ tiền điện chạy máy điều hòa nhiệt độ của các lớp học (khoản này do phụ huynh học sinh đóng góp theo cơ chế xã hội hóa) với tiền điện sinh hoạt chung của trường (kinh phí chi thường xuyên đảm bảo).
 
Hàng tháng, ngoài các khoản thu theo quy định, một số trường còn thu khoản thu thỏa thuận khác, có nơi mức thu cao (400.000 đồng/môn học/tháng) như: tiền học môn tự chọn, môn tăng cường; học thêm ở trường; học tiếng Anh, điện chạy điều hòa, sổ liên lạc điện tử, học tăng cường ngoại ngữ với người nước ngoài; đón sớm, trả muộn ở một số trường mầm non... dẫn đến gánh nặng chi phí và quá tải chương trình. 
 
Các khoản tự nguyện các trường mới thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh, chưa được cấp thẩm quyền duyệt đã tiến hành thu. 
 
Tuy nhiên danh sách các trường có sai phạm lại không được nêu cụ thể trong báo cáo.
 
Về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo báo cáo, có nơi mức thu cao nhất là 500.000 đồng/HS, mức thấp nhất là 50.000 đồng/HS. Nhiều ban đại diện đã ấn định mức vận động trong khi chưa xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động. Một số ban đại diện vẫn huy động quỹ để mua trang thiết bị dạy học, chi bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi; chi cho các hoạt động của giáo viên nhà trường (có nơi dự kiến chi 45%).
 
Cũng theo báo cáo, nhiều trường hoặc ban đại diện còn thu quỹ khuyến học, quỹ chữ thập đỏ, quỹ Đoàn đội với mức khá cao như Trường THCS Sơn Tây thu 150.000 đồng/HS/năm, quỹ đội gộp nhiều nội dung để thực hiện với mức thu 130.000 đồng/HS/năm,...
 
Vì sao loạn thu?
 
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, theo bà Thùy: Ngoài việc quán triệt, tuyên truyền các văn bản chưa sâu rộng cũng có nguyên nhân khi văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu ngoài học phí của Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành còn chậm dẫn tới nhiều trường tạm thu, thiếu sự thống nhất và đồng bộ.
 
Theo bà Thùy: “Mặc dù, định mức ngân sách Thành phố đã được tăng nhưng so với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy chưa đáp ứng. Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học đã được cải tiến nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú”.
 
Một số nơi công tác thanh, kiểm tra chưa kịp thời, còn qua loa, chiếu lệ; xử lí sai sót chưa quyết liệt, có nơi có biểu hiện bao che. Việc tổ chức các khoản thu thỏa thuận hay Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động còn buông lỏng cũng được nhắc tới trong báo cáo.
 
“Ngoài chương trình chính khóa của Bộ GD-ĐT, tình trạng học thêm, học nâng cao, tự chọn, bồi dưỡng năng khiếu, học theo đề án...diễn ra khá phổ biến ở các trường với tỷ lệ học sinh đi học khá cao dẫn đến tình trạng loạn thu” – báo cáo kết luận.
 
Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP. Hà Nội đề nghị phải “quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục trong việc để Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức các hoạt động chưa đúng quy định” và trả lại những khoản thu chưa đúng.
 
Báo cáo cũng đề nghị UBND TP sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cơ chế tài chính ở các trường thực hiện mô hình cung ứng dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao; hướng dẫn tổ chức dạy môn tự chọn, môn tăng cường ở các bậc học hình thức dạy thêm có thu tiền với các môn học tăng cường, môn tự chọn ở các lớp học theo mô hình 2 buổi/ngày.

Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn