TS. Lê Thị Hồng Hảo, phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - Bộ Y tế cho biết, sự lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất thực phẩm ngày càng phổ biến. Từ năm 2008 đến nay liên tục xảy ra các vấn đề về an toàn thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm dành cho trẻ nhỏ.
Điển hình nhất trong năm 2008 là "cơn bão melamin" (protein giả) trong sữa, sang năm 2009 là việc sữa có hàm lượng protein thấp, năm 2010 là vấn đề Biphenol-A trong bình uống sữa có nguy cơ gây ung thư và kẹo phát sáng có PAH.
Năm 2011 xảy ra sự việc cốm có chứa phẩm màu ngoài danh mục, thạch rau câu chứa chất tạo đục DEHP độc hại, lạp xưởng làm từ mỡ thối… Còn ngay trong 4 tháng đầu năm 2012, dư luận rất bức xúc và lo ngại trước nhiều vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm như: Thuốc cam có độc tố chì, thịt chứa chất tăng trưởng, ô mai không đảm bảo chất lượng...
Năm 2011, thống kê của cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP, bộ Y tế) cho thấy có gần 200 vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước với 4.700 trường hợp mắc. Tỉ lệ trẻ em từ dưới 4 tuổi bị ngộ độc thực phẩm trong 10 năm qua chiếm 4,1% số mắc, chiếm 3,9% số đi viện và 4,7% số chết trong tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm.
TS. Lê Thị Hồng Hảo, phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh
thực phẩm quốc gia - Bộ Y tế
Theo TS. Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng cục ATVSTP, sự vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm dành cho trẻ nhỏ ngày càng tăng mạnh. Nếu như năm 2010 có 99 sản phẩm được công bố thì năm 2011 tăng lên 135 và riêng 4 tháng đầu năm 2012 đã có tới 31 sản phẩm. Trong khi đó, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, vi phạm ghi nhãn, vi phạm về hàm lượng thành phần so với công bố.
Đại diện ngành y tế, TS. Nguyễn Hùng Long cho biết, tới đây, các cơ sở sản xuất thức ăn cho trẻ nhỏ sẽ buộc phải áp dụng hệ thống quản lí chất lượng theo GMP hoặc HACCP.
Ngoài ra, các cơ sở này không chỉ phải đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm mà còn phải đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, đáp ứng đủ số lượng và hàm lượng vitamin, chất khoáng, vi chất và một số chất bổ sung dinh dưỡng: DHA, taurin, cholin để cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Bộ Y tế cũng sẽ chỉ định các tổ chức có đầy đủ năng lực kiểm nghiệm phù hợp với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kĩ thuật để đánh giá và chứng nhận hợp qui. Phương thức đánh giá phù hợp sẽ chặt chẽ hơn so với công bố tiêu chuẩn sản phẩm chỉ dựa vào kết quả thử nghiệm trên mẫu thử hay mẫu thử do doanh nghiệp tự gửi.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần để tâm xem xét đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng rong trước cổng các trường học và các khu vực vui chơi giải trí cho trẻ. Bởi đây tuy là vấn đề nhỏ, nhưng nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ có thể gây nên hậu quả lớn.
Bên cạnh sự siết chặt quản lí của các cơ quan chức năng, trước thực tế những gì đã và đang diễn ra trên thị trường, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trước hết mỗi bà mẹ hãy là một người tiêu dùng thông thái. Bởi chính sự thông thái sẽ giúp các bà mẹ biết cách lựa chọn cho con sản phẩm nào đảm bảo an toàn thực phẩm hơn.