Gánh nặng cơm áo đã biến những phận người nghèo khổ thành những “con thiêu thân”.
Biết nguy hiểm vẫn liều
12 giờ đêm, khi màn đêm bao phủ khắp nẻo đường vùng biên cũng là lúc các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh chuẩn bị cho đợt tuần tra kiểm soát đối tượng xuất nhập cảnh trái phép.
|
Lực lượng biên phòng thường xuyên tuần tra dọc đường mòn |
Theo chân đội chiến sĩ biên phòng đi tuần dọc địa phận Cổng Trắng - địa danh vốn nổi tiếng từ lâu về hoạt động vận chuyển hàng lậu và vượt biên trái phép của lao động Việt Nam, chúng tôi thấy rùng mình trước sự nguy hiểm của cả lao động lẫn các chiến sĩ.
Thời tiết mưa lạnh khiến cho quãng đường lởm chởm vách đá trở thành những cái bẫy nguy hiểm chỉ cần trượt chân là mất mạng. Quãng đường mòn hơn 3km từ Quốc lộ 4 lên cột mốc 1103 dọc đường biên tại Cổng Trắng (thuộc Trạm Kiểm soát Biên phòng Cốc Nam) tuy không dài nhưng cũng khiến chúng tôi mướt mồ hôi, nói không thành tiếng.
Anh Khuất Duy Phúc – Đồn phó Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết, từ lâu Cổng Trắng đã là một địa điểm “nóng” về vượt biên trái phép và buôn bán hàng lậu. Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng lực lượng chức năng cũng chỉ có thể chặn được phần “ngọn” chứ không thể đào được tận “gốc”.
“Con đường biên dài gần 8km nếu có đi tuần cũng chỉ đi được 1/3 quãng đường, những đoạn hiểm trở thì đành chịu. Lực lượng có hạn, cùng một lúc phải làm nhiều nhiệm vụ nên không còn cách nào khác” – anh Phúc nói.
10 ngày trở lại đây, sau khi lập chốt kiểm soát tại đường mòn, lượng người xuất biên trái phép quanh khu vực này có giảm hơn trước. Nhưng chặn đường này, lao động lại đi theo đường kia, nhiều lao động bất chấp cả tính mạng vẫn men theo vách đá cực kỳ nguy hiểm để vượt biên.
Chiêu... thoát y
Từng nhiều năm làm công tác tuần tra dọc đường biên, sĩ quan Hoàng Quốc Toản (Trạm kiểm soát biên phòng Cốc Nam) chứng kiến nhiều phi vụ lao động bất chấp tính mạng để vượt biên. Thậm chí nhiều lao động nữ còn giở những “chiêu” độc để đối phó với lực lượng chức năng.
“Có lần đội đi tuần phát hiện một vụ vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Đội gùi hàng lậu thuê toàn chị em phụ nữ, nên khi lực lượng chức năng áp sát chị em liền bày chiêu chống đỡ bằng cách thoát y và la lối om xòm để uy hiếp khiến anh em tôi một phen khiếp vía” – anh Toản nhớ lại.
Cũng theo anh Toản, đây không còn là câu chuyện tếu của bà con dân bản vùng biên nửa mà đã thành “chiêu” được chị em áp dụng từ hồi chiến tranh biên giới, cho tới lúc chị em vượt biên đi làm thuê sau này.
Đứng tại cột mốc 1103 dọc địa phận biên giới khu Cổng Trắng (Việt Nam) nhìn ra xa có thế thấy những ánh đèn pin le lói dọc các vách núi đá. Ngay bên kia biên giới, cách chừng 10m là chợ Lũng Ngựa (thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) với hàng trăm người dân đang đứng ngồi, đi lại khuân vác tập kết hàng lậu.
Số liệu từ Đồn Biên phòng Tân Thanh cho biết: Từ đầu năm tới nay, đồn đã bắt giữ và tiếp nhận 54 lượt người xuất cảnh trái phép đi làm thuê tại Trung Quốc. Trong đó, xã Tân Thanh có 19 lượt người, Tân Mỹ 35 lượt người. |
Chỉ tay về phía ấy, sĩ quan Khuất Duy Phúc nói đó là ánh đèn của đội ngũ lao động Việt Nam đang tìm cách vượt biên sang bên kia đi làm thuê. Còn ngay vách biên giới, khu tụ tập đông người kia chính là đội ngũ gùi hàng lậu đang rình rập, chờ sơ hở của lực lượng biên phòng để ồ ạt chuyển hàng qua biên giới.
“Đồn chỉ có thể xử lý bắt giữ hoặc xử phạt đối với những người xuất cảnh trái phép có mang theo hàng lậu, hoặc buôn bán sử dụng hàng cấm, hàng đặc biệt nguy hiểm. Số còn lại, nếu phát hiện là bà con vượt biên với mục đích đi làm thuê thì chúng tôi cũng chỉ có thể nhắc nhở, cảnh báo, sau đó cho về” - anh Phúc nói.
Ông Nguyễn Đình Độ - Chủ tịch UBND xã Trùng Quán, cũng cho biết dù đã có sự hợp tác trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân nhưng biên phòng và quyền địa phương cũng không thể ngăn chặn được lao động vượt biên trái phép. Có chăng chỉ khi lao động đi rồi, cán bộ thôn bản nắm được mới thống kê, báo cáo lên xã, lên huyện, lên tỉnh mà thôi. Chính vì vậy, khi lao động xuất nhập cảnh trái phép, nếu có bất trắc gì thì cũng không biết kêu ai.
Theo Danviet