Từ vụ vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3: Chuyện vặt nhưng... lạ

Thứ tư, 28/11/2012, 12:16
Chủ đầu tư công trình Thủy điện Đăk Mek 3 khẳng định: Đập thủy điện vỡ là do xe ben đụng! Đập vỡ tan ngày 22.11 làm 1 người chết, nhưng giám đốc Sở Xây dựng đến 25.11 vẫn không hay biết gì.

>> Vụ thủy điện Đăk Mek 3 gặp sự cố: Phải kiểm định chất lượng công trình 
>> Chủ đầu tư thủy điện Đăk Mek 3: Đập đổ sập do kỹ thuật thi công 
>> "Xe ben đụng vỡ... đập thủy điện!"

Chiếc xe bị rơi xuống sông và hiện trường vụ việc.

Chuyện ly kỳ với thế giới nhưng ở Việt Nam đấy chỉ là “chuyện vặt”.

Ngày 20.11, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố kết quả khảo sát người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về tham nhũng. Kết quả cho thấy cảnh sát giao thông được các đối tượng khảo sát cho là tham nhũng nhất.

Thủ trưởng ngành này chối như đỉa phải vôi: “Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”. Nhận “dăm ba chục, một vài trăm” theo ông chỉ là “tiêu cực” chứ chưa đến mức phải coi là tham nhũng! Nói toạc ra đấy là sự ăn cắp (của công nếu việc phạt là đúng) hay ăn cướp (của người tham gia giao thông) nếu vẽ ra lỗi để dọa phạt.

Lãnh đạo của ngành mà “bảo vệ” ngành mình như vậy thì sao chống được “tiêu cực-tham nhũng”. Sự tham nhũng vặt này hủy hoại uy tín của lực lượng công an, hủy hoại đạo đức xã hội và vô cùng tai hại. Không thể “ganh” với mức tham nhũng bự để biện bạch, thanh minh rằng coi mức nhận “tiền vặt” đại trà này chỉ là tham nhũng là không thỏa đáng. Nếu tất cả các quan chức đều ganh như vậy thì đất nước lụn bại...

Dư luận ồn ào về cảnh sát giao thông phải phạt xe không “chính chủ” theo Nghị định 71 mà thực ra nghị định này chỉ cập nhật, tăng mức phạt của các nghị định cũ đã có từ rất lâu. Rồi hóa ra là các nghị định ấy đã định sai thẩm quyền phạt.

Và còn có thể kể ra vô vàn chuyện vặt nhưng... “kỳ lạ” tương tự khác.

Tất cả những việc làm đó giảm lòng tin, góp phần đắc lực tạo ra thói vô cảm không chỉ của các quan chức, thậm chí hủy hoại mọi sự cố kết xã hội mà đó chính là những điều kiện tối quan trọng cho sự phát triển đất nước.

Trong bối cảnh như vậy, chuyện phóng viên Báo NTNN bị hành hung khi tác nghiệp chụp ảnh xe công an gây tai nạn ngày 24.11.2012 tại Cần Thơ trước sự chứng kiến của đông người, trong đó có công an và cảnh sát, có lẽ cũng được (hay bị) coi là một trong các “chuyện vặt”.

Những người gây ra hay không ngăn chặn các “chuyện vặt” ấy (và tất nhiên cả các chuyện bự) còn phá hoại đất nước này gấp nhiều lần “các thế lực thù địch” và cần phải bị chấn chỉnh, nghiêm trị.


Theo Danviet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn