Vứt bỏ trẻ sơ sinh: Đáng thương hay đáng trách?

Thứ tư, 28/11/2012, 14:19
Những năm gần đây, tình trạng giết hoặc vứt bỏ trẻ sơ sinh mà người thực hiện hành vi này là cha mẹ hoặc người thân của trẻ sơ sinh diễn ra ngày càng nhiều, gây dư luận bất bình trong xã hội.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi...

Trong một chuyến công tác tại Chương Mỹ, Hà Nội, tôi được nghe câu chuyện "làm bảo mẫu" bất đắc dĩ của sư thầy Thích Đàm Khoa, trụ trì chùa Trăm Gian (ngụ xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội).

Sư thầy Thích Đàm Khoa kể cho chúng tôi nghe về "chữ duyên" của nhà chùa với những đứa trẻ bị bỏ rơi đang được nhà chùa nuôi dưỡng. Hôm ấy, khi đang trên đường trở về chùa, ông tình cờ nhìn thấy ở gần chùa có một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong chiếc làn. Xót xa, sư thầy đã mang đứa bé về nuôi dưỡng. Sau đó không lâu, một cô gái trẻ sành điệu giới thiệu từ Hà Nội đến chùa "nhờ" sư thầy "nuôi hộ" một đứa trẻ sơ sinh.

Cho đến tận bây giờ, sư thầy vẫn còn nhớ thái độ ngập ngừng của cô gái khi nói đứa trẻ là con của một người bạn. Trước khi bỏ đi, cô để lại một số điện thoại để sư thầy "tiện liên lạc". Và bắt đầu từ đó, những đứa trẻ được "gửi gắm" đến chùa nhiều hơn. Đến thời điểm hiện tại, sư thầy Thích Đàm Khoa đã làm "người bảo trợ" của một nhóm trẻ đều có chung một số phận "bị bỏ rơi".

Sư thầy Thích Đàm Khoa cho biết: "Hầu như những người đến đây gửi con đều là những người mẹ trẻ và mang một nỗi niềm khó nói. Những đứa trẻ vô tội vì nhiều nguyên do của người lớn mà bị bỏ rơi từ khi còn lọt lòng thật quá đáng thương.

Thương những đứa trẻ vẫn còn đỏ hỏn mà đã phải chịu cảnh bơ vơ nơi cổng chùa, vỉa hè, bệnh viện, càng xót xa hơn khi chúng bập bẹ hỏi: "Bố mẹ con đâu?"". Sư thầy bảo ông đã không thể nói với chúng sự thật là chúng đã bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc còn lọt lòng vì sợ tâm hồn trẻ thơ của chúng sẽ bị tổn thương…

Không giấu nổi vẻ xót xa, sư thầy Thích Đàm Khoa kể về trường hợp ông nhận một bé gái từ một cuộc điện thoại từ bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Đứa trẻ vừa mới được sinh ra đã bị mẹ bỏ rơi ở bệnh viện không một lời gửi gắm.

Khi đó, ban giám đốc bệnh viện đã gọi điện nhờ sư thầy cưu mang đứa bé. Bốn năm trôi qua, một ngày, cô bé hỏi sư thầy về bố mẹ nó nhưng thầy chỉ biết im lặng. Sư thầy bảo ông không muốn đứa trẻ tội nghiệp này phải chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh trong quá trình hình thành nhân cách.

 
 
Đứa trẻ bị bỏ rơi gặp rất nhiều rủi ro
 
Sư thầy Thích Đàm Khoa bảo: "Điều xót xa ở chỗ là trong khi nhiều cặp vợ chồng trẻ, nhiều gia đình khát khao muốn có được một đứa con thì lại có không ít người muốn bỏ đi "máu mủ ruột già” của mình. Đây cũng là một hiện trạng cần được xã hội nhìn nhận lại".

Nhưng điều khiến sư thầy quan ngại là do không biết rõ danh tính của những đứa trẻ bị bỏ rơi nên ông không thể làm giấy khai sinh cho chúng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của những đứa trẻ bất hạnh.

Muôn kiểu chối bỏ

Đầu tháng 11/ 2012, dư luận xôn xao trước thông tin một đứa trẻ sơ sinh bị vứt bỏ trong một thùng rác ở quận 5 TP.Hồ Chí Minh. Khi được phát hiện thì đứa trẻ đã bị tím tái vì đói rét. Sau khi được người dân đưa đi cấp cứu, hiện sức khỏe của cháu bé đã được hồi phục, tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn không có bất cứ hồi âm nào từ phía cha mẹ đứa trẻ…

Khi biết thông tin về sự việc trên, nhiều người đã bày tỏ ý kiến bức xúc về hành vi vô đạo đức, không tình người của cha mẹ cháu bé…

Tại các trung tâm nhân đạo hoặc trung tâm bảo trợ xã hội, chúng ta có thể gặp rất nhiều hoàn cảnh trẻ sơ sinh bị bỏ rơi rất đáng thương. Không ít trẻ bị bỏ rơi ở ven đường, công viên hoặc bị bỏ trong thùng rác, nhà vệ sinh công cộng...

Đề cập đến hiện tượng sản phụ bỏ rơi con ở bệnh viện, phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, TS. Lê Thanh Hải cho biết:  "Những năm trước tình trạng này có xảy ra ở bệnh viện. Theo thống kê năm ngoái thì hiện tượng sản phụ bỏ lại con ở bệnh viện chỉ có 2 trường hợp".

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế thì hiện tượng hiếm muộn con ngày càng nhiều nhưng hiện tượng giới trẻ có quan hệ sớm có con ngoài ý muốn cũng ngày một gia tăng.

Trao đổi với PV, phó giám đốc Trung tâm Nhân đạo Quê Hương Phan Văn Bảy nhận định: "Nhiều năm làm việc ở Trung tâm, tôi không nhớ có bao nhiêu trường hợp đáng thương của những đứa trẻ sơ sinh được đưa vào đây. Có rất nhiều những hoàn cảnh không thể lý giải được nguyên do tại sao những đứa trẻ lại bị bỏ rơi một cách đáng thương như vậy.

Nhưng đa phần các trường hợp là nam nữ công nhân, sinh viên có con ngoài ý muốn nhưng không có điều kiện nuôi dưỡng, hoặc nhiều người vì muốn che giấu nên đã bỏ con nơi vỉa hè, góc chợ... và được Trung tâm nhận về nuôi".

Ông Bảy cho rằng hoàn cảnh kinh tế, sự buông thả trong lối sống của giới trẻ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "con rơi" ngày càng nhiều hơn. Có nhiều người còn hành động thiếu suy nghĩ, đặt con ở nơi vắng người qua lại, không ai biết đến và hậu quả là những đứa trẻ bị chết rất đáng thương ngày một được báo chí đăng tải nhiều.

Để con ở bãi rác, thả con trôi sông, để đứa trẻ bị kiến đốt đến chết… là một hiện tượng đáng buồn và cần lên án. Theo ông Bảy, đã đến lúc mọi người cùng nhìn nhận lại vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản đến vị thành niên để có những biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi hiện trạng này.

Chế tài xử lý có quá nhẹ?

Trao đổi với PV về hiện tượng trẻ bị bỏ rơi,  nhà tâm lý học Trịnh Trung Hòa nhận định: "Muốn phân tích hiện tượng vứt bỏ trẻ sơ sinh thì phải phân tích từ chính những nguyên nhân, hoàn cảnh của sự việc này. Phải có cái nhìn cụ thể trước khi phán xét". Ông Hòa cho rằng hiện tượng này do nhiều yếu tố xã hội. Môi trường sống, sự bồng bột của tuổi trẻ..., đều có thể dẫn tới tình trạng có thai ngoài ý muốn.

Theo ông Hòa, không phải ai cũng có bản lĩnh để đối mặt với hậu quả. Do vậy, mới có hiện tượng sinh con xong thì bỏ con hoặc gửi con cho người khác nuôi hộ... Ông Hòa cho rằng với những trường hợp này, xã hội nên có cái nhìn cảm thông hơn.

Dưới cái nhìn của nhà tâm lý, ông Hòa khẳng định yếu tố bất ổn tâm sinh lý của sản phụ sau khi sinh cũng là một nguyên do lớn dẫn đến những hành vi nhất thời của người mẹ. Người mẹ sau khi sinh phải đứng trước rất nhiều sự lựa chọn cho tương lai và đứa con sẽ là vấn đề lớn của họ, nhất là khi họ làm mẹ đơn thân.

"Khi cam tâm vứt bỏ đứa con mang nặng đẻ đau thì người mẹ đó phải có một nỗi đau, một hoàn cảnh rất ngặt nghèo. Và đa số những trường hợp  bỏ con đều là bà mẹ đơn thân. Khi bị khủng hoảng tinh thần, gặp nhiều khó khăn liên tiếp họ sẽ có hành động buông xuôi là bỏ rơi con để đối phó với hoàn cảnh", ông Hòa nói.

Nhắc đến những trường hợp để con trong thùng rác, ngoài công viên, đường phố, bỏ con lại với hàng ngàn nguy hiểm rình rập, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa nhấn mạnh: "Với bất cứ nguyên do nào thì cũng đây là hành vi không thể chấp nhận được". Đây là hành vi cố tình và cần phải trừng phạt nghiêm để răn đe. Hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến đạo đức mà còn ảnh hưởng rất lớn đến xã hội".

Điều 94 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: "Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm".

Nhận xét về chế tài xử lý những hành vi bỏ rơi con, luật gia Nguyễn Bằng Giang (Hội Luật gia Việt Nam) đánh giá: "Mức phạt 2 năm tù đối với những người có hành vi vứt bỏ con mới đẻ là hợp lí và mang tính chất khoan hồng. Đây cũng không phải là mức phạt quá nhẹ bởi lẽ, mức phạt đã được giới khoa học nghiên cứu, phân tích kỹ trong tất cả tình huống phạm tội".

Ông Giang phân tích: Tâm sinh lý bất ổn định của sản phụ sau khi sinh, những biến cố về tâm lý, cú sốc về tinh thần... đều có thể là nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai lầm của họ. "Chính vì vậy, con người cần rộng lượng trước khi phán xét một vấn đề nào đó", ông Giang nói. 

 
Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn