Theo quy định mới, chó, mèo sẽ được cấp số để quản lý. Ảnh: M.P. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012. Theo đó, các hộ nuôi chó, mèo sẽ tới đăng ký với UBND xã để được cấp số cho vật nuôi. Chi cục Thú y và Trạm thú y phải có sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ nuôi chó ở tỉnh, huyện. Thú y cấp xã, thôn, ấp có trách nhiệm thống kê số lượng chó, mèo và số hộ nuôi chó, mèo để quản lý.
Còn UBND các cấp chỉ đạo thành lập các đội chuyên trách bắt giữ chó, mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư hoặc chó, mèo nghi bị mắc bệnh dại. Trạm thú y có trách nhiệm nuôi nhốt chó, mèo bị bắt, theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận; sau 3 ngày, nêu không có người tới nhận, chó, mèo sẽ bị tiêu hủy.
Kế hoạch cũng nêu cụ thể các mục tiêu như 80% đàn chó nuôi được quản lý và tiêm phòng vắc xin; số ca tử vong do bệnh dại giảm 30% so với năm 2011... Hầu hết nội dung trong bản kế hoạch từng được đề cập tới trong Thông tư số 48 cũng của Bộ Nông nghiệp ban hành vào năm 2009.
Tuy nhiên, cũng như 3 năm trước, quy định trên nhận được nhiều phản ứng trái chiều của người dân. Anh Thanh Hải (phường Ngô Quyền, quận Hà Đông, Hà Nội) tán thành với quy định mới bởi, các hộ nuôi chó, mèo sẽ có sổ riêng để theo dõi, còn chó mèo cũng sẽ có một mã số đeo vào cổ. Theo anh Hải, chó, mèo cũng nên có "chứng minh thư" như người.
Nhiều người tỏ ra lúng túng và cho rằng quy định mới gây phiền phức và không khả thi. Gia đình chị Hòa (Lương Sơn, Hòa Bình) nuôi hai con chó và 7 con mèo (cả số vừa sinh). Khi quy định mới được thực thi, chị sẽ phải đưa toàn bộ số chó, mèo này đến UBND huyện để đăng ký và xin số.
Thậm chí, đa số người dân chưa hề biết việc đã từng có quy định về việc đăng ký số cho chó, mèo. Ông Bùi Quang Tuấn, tổ trưởng dân phố CT3, khu đô thị Xa La (Hà Đông) cho biết, chưa hề được thông báo quy định này. Ông cho rằng, việc đó rất khó thực hiện vì lượng lớn chó mèo bán chui không kiểm soát được.
Hai chú mèo nhà ông Mỹ được buộc dây và nhốt trong chuồng. Ảnh: M.P. |
Khẳng định chủ trương trên "khó khả thi", ông Đỗ Văn Mỹ, Tổ phó phụ trách vệ sinh, an toàn trật tự tổ 3, phường Nghĩa Tân (Cầu Giấy) nói: "Tôi nghĩ quy định này không cần thiết vì mỗi năm chó, mèo đều được tiêm phòng một lần và có giấy chứng nhận. Gia đình nào chưa tiêm phòng cho vật nuôi đều bị phạt".
Trước đây, gia đình ông Mỹ nuôi 4 con mèo. Sau khi tiêm phòng xong, 2 con bỏ đi nên ông thường phải buộc và nhốt 2 con mèo còn lại trong chuồng.
Đồng quan điểm, chị Vũ Thị Xuân (tổ 49, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) giải thích, thực tế không dễ kiểm soát số lượng chó mèo trên địa bàn. Ngoài một số hộ nuôi trông nhà hoặc làm cảnh, nhiều nhà nuôi 3-4, thậm chí cả đàn chục con để kinh doanh. Do đó, quan trọng là ý thức của người dân không thả rông chó, mèo ra đường.
"Vừa lên đăng ký cho chó, mèo, hôm sau chúng lăn ra chết hoặc bị bắt trộm thì người dân lại lên UBND khai tử cho chúng à? Không giống như con người, cấp số chứng minh thư để quản lý, chó, mèo nuôi không cố định. Nhiều nhà nuôi lâu muốn thay chó sẽ bán, làm thịt hoặc cho đi", chị Xuân nói.
Chị Xuân ở Trung Hòa (Cầu Giấy) lo ngại các thủ tục hành chính rườm rà khiến nhiều người không muốn mang chó, mèo đi đăng ký. "Chó mèo là món ăn ở Việt Nam nên việc quản lý lượng chó, mèo mua bán và giết thịt trong ngày rất khó. Kể cả khi đã rõ ràng về thủ tục, chi phí, chế tài thì cũng thấy việc này kém quả quan. Quy định mới có thể áp dụng được tại thành thị nhưng còn nông thôn thì sao? Ở nước ngoài có hẳn ban, ngành và các nhóm bảo vệ chó, mèo nhưng ở Việt Nam thì khó", chị Hoa chia sẻ.
Ông Mỹ ủng hộ lập các đội chuyên trách bắt giữ chó mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư nhưng lo ngại việc cấp số khó thực hiện. Ảnh: B.M. |
Đồng tình với ý kiến quy định trên chỉ nên áp dụng ở thành phố, ông Dương Đăng Thành, Đội trưởng đội 3, thôn Văn Giáp (Thường Tín, Hà Nội) cho hay, khu vực ông quản lý có nhiều nhà nuôi chó, mèo nhưng thường xuyên bị mất trộm các con vật này. Ngay đến việc tiêm phòng còn khó khăn, chưa tính đến việc vận động các nhà đưa chó, mèo đi lấy số.
Theo một cán bộ thú y, do nằm trong khuôn khổ một chương trình quốc gia nên quyết định mới của Bộ Nông nghiệp nhằm tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu (nâng cao nhận thức của người dân và chất lượng giám sát của ngành thú y, chính quyền các cấp về bệnh dại) chứ không phải là một văn bản quy phạm pháp luật có tính bắt buộc. Quyết định mới vì thế cũng không quy định chế tài, chẳng hạn như phạt tiền chủ vật nuôi trong trường hợp không đăng ký với UBND xã, phường về chó, mèo của hộ mình.
Theo VNE