Trả giá đắt vì hộ chiếu lưỡi bò

Thứ năm, 29/11/2012, 09:55
Đại tá Trần Nhung, nhà bình luận quốc tế, cho rằng hộ chiếu in đường lưỡi bò là bước leo thang mới trong tham vọng độc chiếm biển Đông, đang khiến cả khu vực và chính Trung Quốc trả giá đắt.

>> Không đóng dấu vào hộ chiếu có “đường lưỡi bò”

* Phóng viên:  Ông nhìn nhận ra sao về việc Trung Quốc in hình lưỡi bò lên hộ chiếu của công dân nước này?

- Đại tá Trần Nhung:  Việc làm này đang khiến những nước liên quan phẫn nộ, song nó không bất ngờ nếu nhìn vào toan tính của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa tham vọng độc chiếm biển Đông. Không còn là “phép thử” như cho tàu hải giám xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam để cắt cáp thăm dò địa chấn tàu Bình Minh 02 vào tháng 5-2011, việc in đường lưỡi bò lên hộ chiếu cùng hàng loạt các hành động như tuyên bố thành lập TP Tam Sa, gây hấn với Philippines ở bãi cạn Scarborough... cho thấy Trung Quốc đang ỷ vào sức mạnh, hòng ráo riết biến tham vọng đường lưỡi bò thành hiện thực.

* Nhưng nay đâu phải là thời mà cứ ỷ vào sức mạnh là có thể chiếm đoạt thứ không phải của mình?

-  Ngoài sức mạnh, Trung Quốc không có cơ sở nào về thực tiễn lịch sử cũng như pháp lý để đòi chủ quyền trên biển Đông. Việt Nam đã có những văn bản pháp lý và thực thi quyền chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm trong lịch sử. Trong khi đó, Trung Quốc mới đưa ra các yêu sách chủ quyền trên biển Đông chỉ vài chục năm nay cũng như việc trắng trợn dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988.

Không có cơ sở thực tiễn và pháp lý theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển, Trung Quốc chẳng còn cách nào khác là phải dùng sức mạnh, trong quá khứ là cả sức mạnh quân sự, để đưa ra những đòi hỏi vô cớ, phi lý về chủ quyền trên biển Đông.

Cũng vì không có cơ sở pháp lý nên việc in yêu sách đường lưỡi bò lên hộ chiếu càng cho thấy âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc. Bởi theo luật pháp quốc tế, hộ chiếu được xem như một tài liệu pháp lý chính thức của nhà nước Trung Quốc và hơn nữa nó lại rất phổ biến vì được người Trung Quốc mang đi khắp thế giới.

* Dù là tài liệu pháp lý của Trung Quốc song nó đâu có giá trị pháp lý quốc tế vì đó vẫn chỉ là yêu sách đơn phương của nước này?

- Đúng vậy. Tấm hộ chiếu in đường lưỡi bò theo yêu sách đơn phương của Trung Quốc không thể là một bằng chứng pháp lý để đòi chủ quyền trên biển Đông. Việc làm chưa có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao thế giới này thêm một lần nữa cho thấy Trung Quốc có những cách hành xử bất bình thường. Vì thế, việc làm này sẽ khiến Trung Quốc bị lạc lõng và bị cô lập trên thế giới.
 


Du khách Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: QUỐC HỒNG
 

* Nhưng cũng có thể hàng triệu tấm hộ chiếu in đường lưỡi bò sẽ theo chân công dân Trung Quốc đi khắp thế giới.

-  Đó là điều mà Trung Quốc toan tính khi tung ra tấm hộ chiếu in đường lưỡi bò. Song cần phải khẳng định ngay rằng việc các nước cấp thị thực (visa) cho công dân Trung Quốc có hộ chiếu in đường lưỡi bò hoàn toàn không đồng nghĩa với việc họ công nhận yêu sách đơn phương của nước này. Không có chút giá trị pháp lý nào nhưng nó gây ra những hậu quả khôn lường, trước hết là với khu vực và chính Trung Quốc cũng như công dân của họ.

* Ông có thể phân tích rõ hơn?

-  Cũng như việc cắt cáp thăm dò địa chấn của tàu Bình Minh 02 hay gây hấn tại bãi cạn Scarborough..., hộ chiếu in đường lưỡi bò đang gây thêm căng thẳng và phức tạp cho vấn đề biển Đông. Trong khi đó, mọi căng thẳng trên biển Đông không chỉ ảnh hưởng tới một tuyến đường vận tải chiến lược huyết mạch của cả thế giới và khu vực mà còn tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định trong khu vực.

Một trong những nhân tố then chốt tạo lên sự thành công và thịnh vượng của khu vực thời gian qua là môi trường hòa bình và ổn định. Vậy tương lai phát triển của khu vực sẽ ra sao nếu nền móng ổn định lâu nay bị lung lay? Sự phát triển của khu vực bị ảnh hưởng thì Trung Quốc chắc chắn cũng không tránh khỏi bởi ổn định cũng chính là nhân tố rất quan trọng để nước này có được sự phát triển như hôm nay.

* Ông có nói rằng hộ chiếu in đường lưỡi bò cũng gây tổn hại tới hình ảnh Trung Quốc?

- Với sự trỗi dậy của mình, Trung Quốc đang muốn vươn lên tầm cường quốc trên thế giới. Thế nhưng, muốn làm được điều đó, trước hết, Trung Quốc phải là quốc gia có trách nhiệm trên thế giới. Trung Quốc làm sao có được sự nể trọng của các nước khác khi ỷ vào sức mạnh để chèn ép, đưa ra yêu sách đơn phương với các nước khác hay các vấn đề quốc tế?

Hành xử như vậy chỉ khiến thế giới cảnh giác với Trung Quốc và công dân nước này chắc cũng không cảm thấy hay ho gì khi cầm tấm hộ chiếu dị thường đi ra thế giới. Ngay những ngày này đã thấy người dân Trung Quốc lên tiếng than phiền về những rắc rối, khó khăn mà họ gặp phải khi dùng hộ chiếu in đường lưỡi bò.

* Như ông nói thì hộ chiếu lưỡi bò gây ra những mối họa lớn?

- Nói chính xác hơn thì tham vọng độc chiếm biển Đông đang gây những mối họa khôn lường, trong đó có cả lợi ích của Trung Quốc và công dân nước này.

Những nguy cơ đe dọa như vậy buộc chúng ta phải hành động và có đối sách. Trước hết, Việt Nam phải thể hiện thái độ và hành động quyết liệt trên thực tế để bác bỏ tính pháp lý của tấm hộ chiếu in đường lưỡi bò của Trung Quốc như phản đối lên Liên Hiệp Quốc...

Bên cạnh việc đấu tranh của Việt Nam, sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN với vấn đề biển Đông cũng không kém phần quan trọng. Những gì diễn ra thời gian qua cho thấy Trung Quốc đang tìm cách chia rẽ, làm suy yếu ASEAN để thực hiện mưu đồ trên biển Đông. Một bó đũa gồm cả 10 nước ASEAN sẽ buộc Trung Quốc phải cân nhắc, suy tính thiệt hơn mỗi khi có bước phiêu lưu mới trong mưu đồ độc chiếm biển Đông.

Theo NLD

Các tin cũ hơn