Theo hồ sơ, thẩm phán ra quyết định trái luật nên đương sự đã tẩu tán tài sản.
Như tin đã đưa, ngày 27-11, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố bị can đối với thẩm phán, phó chánh án TAND TP Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Hiệp, về tội ra quyết định trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.
Dư luận tỉnh Bạc Liêu quan tâm vụ án này vì ngoài ông Hiệp còn có liên quan đến một số cơ quan hành chính tại địa phương.
Phán quyết trên tài sản đang bị kê biên
Theo hồ sơ, tháng 4-2009, TAND tỉnh Bạc Liêu xử phúc thẩm vụ án chia tài sản sau hôn nhân giữa bà Nguyễn Kim Sang và ông Nguyễn Thái Tiếng (phường 8, TP Bạc Liêu). Bản án này buộc ông Tiếng phải trả cho bà Sang 25 lượng vàng 24K. Ngay sau khi án có hiệu lực, bà Sang có đơn đề nghị cơ quan chức năng thi hành án.
Sau đó, Chi cục Thi hành án TP Bạc Liêu đã tiến hành kê biên căn nhà nằm trên thửa đất hơn 450 m2 tại phường 8, TP Bạc Liêu do ông Tiếng đứng tên.
Thẩm phán đã ra quyết định trái pháp luật khi xử lý căn nhà này, “giúp” đương sự tẩu tán tài sản.
Tuy nhiên, khi cơ quan thi hành án làm thủ tục cưỡng chế thi hành án thì gặp phải sự khiếu nại của hai đứa con riêng của ông Tiếng. Họ cho rằng tài sản bị kê biên là của người mẹ đã mất để lại (hai người này là con riêng của ông Tiếng với người vợ trước, đã mất). Tháng 2-2010, hai đứa con này đã kiện ông Tiếng ra TAND TP Bạc Liêu, đòi ông Tiếng trả lại thửa đất (đang bị kê biên). Vụ kiện được thẩm phán, phó chánh án TAND TP Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Hiệp, thụ lý.
Ba tháng sau khi thụ lý, thẩm phán Hiệp ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Theo đó, tòa công nhận việc ông Tiếng đồng ý trả lại toàn bộ thửa đất đang bị kê biên cho hai đứa con!
Tẩu tán tài sản
Sau khi quyết định công nhận thỏa thuận có hiệu lực, ông Tiếng nhanh chóng làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất bị kê biên này cho hai con. Đến ngày 14-6-2011, UBND TP Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho hai đứa con của ông Tiếng.
Đúng nửa tháng sau, hai đứa con của ông Tiếng làm thủ tục chuyển nhượng toàn bộ số tài sản này cho vợ chồng ông T., một lãnh đạo của Công an tỉnh Bạc Liêu. Trong vòng nửa tháng, UBND TP Bạc Liêu đã cấp giấy đỏ, giấy hồng cho vợ chồng ông T.
Tại thời điểm này, ông Tiếng còn có một căn nhà và hơn 900 m2 đất chưa bị kê biên và ông cũng tiến hành làm thủ tục tặng cho số tài sản này cho hai đứa con riêng.
Án đã có, tài sản kê biên “không cánh mà bay” nên bà Sang làm đơn tố giác đến các cơ quan chức năng, đến cả cơ quan điều tra Công an tỉnh Bạc Liêu. Ngày 19-9-2012, cơ quan này đã mời các bên lên hòa giải, nội dung là ông Tiếng sẽ giao cho bà Sang một căn nhà. Tuy nhiên, sau đó ông Tiếng lánh mặt luật sư đại diện của bà Sang, không thực hiện sự thỏa thuận này nên luật sư nhận ủy quyền của bà Sang đã tố cáo sự vụ.
Thừa nhận nhận thức chưa đúng
Giải trình về việc ban hành bản án trái pháp luật, dẫn đến bị tố cáo và bị khởi tố, thẩm phán Nguyễn Văn Hiệp thừa nhận mình đã nhận thức chưa đúng vụ án và ra quyết định sai.
“Tuy nhiên, tôi không có mục đích vụ lợi và bản án chưa gây hậu quả. Quá trình tẩu tán tài sản thi hành án, ông Tiếng không dùng quyết định trái pháp luật của tôi để làm cơ sở. Ngoài ra, việc làm thủ tục cho tặng, chuyển nhượng tài sản này còn phải qua nhiều cửa như công chứng, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng TN&MT TP… trong khi các cơ quan này đã từng nhận được thông báo thửa đất trên đang bị kê biên.
Việc tẩu tán trót lọt là do các cơ quan trên chứ không do quyết định trái pháp luật của tôi” - ông Hiệp nói.
Trong quyết định giám đốc thẩm quyết định trái pháp luật của ông Hiệp, TAND tỉnh Bạc Liêu nhận định: Mọi thỏa thuận của các đương sự đối với tài sản tranh chấp đang bị kê biên thi hành án đều trái pháp luật.