Người Việt không vô cảm

Chủ nhật, 09/12/2012, 09:09
Thái độ yếm thế, mũ ni che tai được thể hiện rất rõ trong phương châm ứng xử của số đông, từ thấp đến cao…

>> Gã ăn mày kiếm 30 triệu/tháng: Nỗi sợ về sự vô cảm tràn lan trong XH 
>> Việt Nam là một trong những nước 'vô cảm' nhất thế giới 
>> Vô cảm là tội ác

Hôm trước đọc bài "Người Việt có vô cảm?" của VOV, thấy độc giả tham gia bàn tán sôi nổi quá. Số ý kiến phản hồi được xuất bản so với thực tế là rất khiêm tốn. Toà soạn cẩn thận, nhưng rõ ràng khi có những bài báo đụng chạm vào những chủ đề nhạy cảm như vậy là dư luận lại nóng rẫy lên ngay. Điều đó chứng tỏ người Việt mình không vô cảm.
 
Những người đi xe máy và xe đạp chung quanh tranh nhau lượm tiền của
người đàn ông bị nạn ngày 16/06/2011. Ảnh Tuổi trẻ

Chuyện chống tham nhũng mà nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu ra trong bài Blog tuần qua cũng vậy. Bao nhiêu là ý kiến tâm huyết với đất nước, với chế độ cùng bàn vào với nhà thơ. Độc giả còn suy tôn anh là "người hùng", chỗ dựa của nhân dân, người phát ngôn của nhân dân...

Từ chuyện đại sự như chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, xây dựng chỉnh đốn Đảng... đến những chuyện nhỏ hơn như kiểu ăn mặc lố lăng, những hành vi ứng xử phi văn hoá của một vài nghệ sĩ  được xuất bản trên VOV online..., đều thu hút sự bàn thảo, góp ý rất sôi nổi.

Làm công tác biên tập, tiếp xúc với những phản hồi như vậy, tôi thấy rõ lắm, rằng người Việt mình không vô cảm.  Lương tâm, tình cảm tốt đẹp, ý thức về đạo đức và phẩm giá của dân tộc vẫn còn nguyên đấy, đó là một dòng chảy nhất quán xuyên suốt bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu thời đại, làm cho dân tộc này được trường tồn.

Người Việt không vô cảm, nhưng có lẽ nhiều người đang kìm nén hoặc cố giấu đi cảm xúc thật của mình, nhất là trong bối cảnh xã hội có nhiều hiện tượng bất an như hiện nay. Nói cách khác, cảm xúc của nhiều người đang "ngủ đông”.

Ngày nay ra đường người ngay sợ kẻ gian, đa số sợ đấu tranh trực diện với cái xấu và cái ác. Thật thà, thẳng thắn thì thua thiệt- câu nói này đã xuất hiện lâu mà đáng buồn thay, bây giờ lại trở nên quá phổ biến. Thái độ yếm thế, mũ ni che tai được thể hiện rất rõ trong phương châm ứng xử của số đông, từ thấp đến cao. Người có chính kiến, dám làm, dám chịu, dám tranh đấu cho lẽ phải và  sự công bằng giờ hiếm quá.  Cái  phần  tích cực lại bị "một bộ phận không nhỏ" cái tiêu cực lấn lướt.

Chỉ có thể cắt nghĩa hiện tượng này là hệ luỵ của một quá trình chuyển biến lớn lao mà xã hội ta đang trải qua. Ở giai đoạn này, hàng loạt chuẩn mực và giá trị bị xô lệch, cũ- mới, tốt-xấu... đan xen. Đây là một cuộc tranh đấu sống còn để xác lập những chuẩn mực của xã hội mới mà tất cả chúng ta đều mong muốn và hy vọng là sẽ tốt đẹp hơn bây giờ.

Thậm chí, hiện tượng vô cảm, xin tạm gọi là như thế, chi phối cả những người đóng vai trò chính thiết kế, chi phối sự vận hành của xã hội, đó là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cái xấu đang thấm vào,  tha hoá và chuyển  hoá một bộ phận không nhỏ những người này.

Nhân dân và cả xã hội nhìn vào hành vi và cách ứng xử của bộ phận này mà quyết định cảm xúc và thái độ ứng xử của mình.

Có bao nhiêu người nói một đằng, làm một nẻo, lời nói và hành  động khác xa nhau, thậm chí trái ngược nhau. Có bao nhiêu người đứng trên bục rao giảng những điều lớn lao nhưng kỳ thực anh ta không phải là như vậy. Họ tưởng có thể che mắt được nhân dân nhưng thực ra nhân dân biết cả. Nhận diện họ chẳng đến mức quá khó nhưng loại bỏ họ khỏi bộ máy lại là một việc cực khó...

Để đánh thức cảm xúc lành mạnh và tốt đẹp của số đông, biến thành hành động thực tế, và trở thành xu thế chủ đạo của cả xã hội,  phải bắt đầu bằng khả năng nêu gương, làm trước, làm mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ cao xuống thấp.

Không nên nói nhiều, bàn nhiều nữa mà hãy hành động, thể hiện thông qua những hành động cụ thể. Đó là cách tấn công hiệu quả nhất vào sự vô cảm.

Muốn thanh lọc và loại bỏ sâu mọt khỏi bộ máy thì phải xem lại cơ chế vận hành và cách thức tổ chức bộ máy đó. Một cơ chế để đảm bảo cho cái tốt, cái tích cực, cái ưu việt thắng thế, không thể là gì khác ngoài dân chủ.

Nhớ lại trước đây, cán bộ, đảng viên đúng là khuôn mẫu để quần chúng nhân dân nhìn vào. Thời đó đâu có nhiều luật, quy tắc, qui định như bây giờ. Thế mà xã hội bình yên, môi trường sống trong trẻo. Quan ra quan, dân ra dân. 

Bây giờ, trong lúc hoàn thiện thể chế, pháp luật, điều cần nhất là người cán bộ, lãnh đạo phải nêu gương tốt đề dân làm theo và tin theo. Cấp trên làm gương cho cấp dưới, cấp dưới làm gương cho cấp thấp hơn, người cán bộ ở cơ sở làm gương cho dân chúng noi theo. Như thế sẽ tạo ra trật tự.

Cán bộ làm gương không vô cảm thì cả xã hội sẽ không vô cảm. Tinh thần và ý thức công dân sẽ được đánh thức và đề cao. Ngược lại, chúng ta chẳng biết điều gì sẽ xảy ra.

 

Theo VOV

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn