'Chạy' công chức 100 triệu: Nhiều quan chức phòng Nội vụ HN tủi thân
Thứ tư, 12/12/2012, 08:38
Khi nghe ông Trần Trọng Dực nói về địa chỉ “chạy” công chức, một số trưởng phòng Nội vụ đương chức cho biết họ cảm thấy chạnh lòng và có đôi chút buồn khi nghe ông Dực nói như vậy nhưng tin rằng ông Dực đã nắm được thông tin nào đó về việc chạy công chức…
Từ thông tin do ông Trần Trọng Dực – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy Hà Nội nói về chuyện chạy công chức không dưới 100 triệu đồng và “trưởng phòng nội vụ các quận huyện đang là đầu mối thu hút việc tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền "chạy" của các thí sinh để đỗ công chức”, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã có các cuộc trao đổi với một số Trưởng phòng Nội vụ đương chức trên địa bàn TP. Hà Nội.
Theo đó, một số trưởng phòng Nội vụ trên địa bàn TP. Hà Nội đều cho biết: Họ cảm thấy chạnh lòng và có đôi chút buồn khi nghe ông Dực nói như vậy nhưng tin rằng ông Dực đã nắm được thông tin nào đó về việc chạy công chức ở một số quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội như ông đã nói chứ ông không thể nói một cách vu vơ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực
Ông Nguyễn Tuấn Hà – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đông Anh cho biết: “Việc tuyển công chức, viên chức ở địa bàn chúng tôi đảm bảo theo quy trình của Sở Nội vụ Hà Nội. Các quy trình đều được công khai, dân chủ. Đối với một số trường hợp trong kỳ thi công chức gần đây nhất thì chúng tôi cũng đã có văn bản trả lời rồi.
Trong quá trình làm, mọi thông tin đều được minh bạch. Thậm chí, một số thí sinh không có mặt tại buổi nghe phổ biến thì tôi còn giao cho anh em gọi điện trực tiếp báo cho họ biết. Những thông tin về chỉ tiêu cũng như lịch thi đều được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng”.
Có cùng ý kiến với ông Nguyễn Tuấn Hà, ông Hoàng Ngọc Sáu – Trưởng Phòng Nội vụ quận Ba Đình cho biết: “Hôm trước tôi cũng nghe đài báo nói về phát biểu của bác Trần Trọng Dực và anh em cũng nhắn tin cho. Chắc là bác ấy có kiểm tra một số đơn vị nên có thông tin gì đó và nói như thế. Là người làm trong nghề tôi cũng thấy tủi thân dù mình không làm việc "chạy" công chức ấy.
Còn công tác thi tuyển công chức, viên chức trên địa bàn quận Ba Đình được thực hiện một cách công khai, minh bạch, đúng theo quy định của Sở Nội vụ Hà Nội. Đó là sau khi xây dựng kế hoạch và có quy định về các mốc thời gian sẽ thông báo cho thí sinh tham gia đăng ký thi tuyển và được công khai trên mạng của quận Ba Đình. Đồng thời thông tin đó cũng được niêm yết tại hai địa điểm là khu vực “một cửa” của UBND quận và hai là của Phòng Giáo dục. Đến hết thời gian thì khóa sổ lại”.
Còn trong việc thành lập Hội đồng coi thi và Hội đồng chấm thi, các vị trưởng phòng đều khẳng định các quá trình này hoàn toàn khách quan. Cụ thể là đối với cán bộ coi thi, chỉ trước thời gian thi rất ngắn thì phòng Nội vụ các quận mới được biết cán bộ coi thi gồm những ai.
Khi vào phòng thi, các cán bộ sẽ bốc thăm để nhận phòng. Ngay sau khi thi xong thì bài thi được dọc phách và giao luôn cho Hội đồng chấm thi là một Hội đồng khác được thuê độc lập.
Khi được hỏi về việc được nhờ “chạy” công chức, một số vị lãnh đạo phòng Nội vụ đều cho biết trong thời gian thi tuyển công chức, viên chức không tránh khỏi việc có người quen hỏi thăm và ngỏ ý nhờ. Tuy nhiên, những vị lãnh đạo này khẳng định đã từ chối.
Ông Nguyễn Xuân Sơn – Trưởng Phòng Nội vụ huyện Ba Vì, HN đùa rằng: “Tôi đã từng hỏi luôn người nhờ mình là nếu như đặt vào địa vị của tôi thì làm thế nào để làm được việc ấy (việc “chạy” công chức, viên chức – PV) thì cứ tư vấn cho tôi để tôi làm theo. Với quy trình chặt chẽ như hiện nay thì làm sao có thể làm được việc đó”.
Còn ông Võ Xuân Trọng – Trưởng Phòng Nội vụ quận Hoàng Mai, HN cười và tỏ ra ngạc nhiên, nói: “Họ nhờ như vậy nhưng làm sao mà tôi có thể giúp họ được bởi phần ra đề là của Thành phố (TP. Hà Nội) bảo mật cho đến giờ phút cuối cùng. Đơn vị chấm thi độc lập với Hội đồng coi thi và chúng tôi là những người tổ chức thi. Ba đơn vị này đều độc lập với nhau. Bản thân tôi, tôi cũng không hiểu là người ta có thể làm kiểu gì để “chạy”.
Khi được hỏi về lỗ hổng trong việc thi tuyển công chức, viên chức để những cán bộ xấu có thể lợi dụng hòng kiếm lợi, ông Trọng cho biết là với quy trình làm như hiện nay thì cũng không thấy có lỗ hổng nào.
Tuy nhiên, ông Trọng cũng bày tỏ băn khoăn về một khâu trong việc thi viên chức giáo viên. Đó là việc Hội đồng giám khảo chấm thực hành. Việc phải ngồi nghe liên tục những thí sinh thi giảng bài thì có thể có những đánh giá không thật khách quan bởi việc nhận xét, đánh giá là do ý chủ quan của người chấm...