Ông Đàm Xuân Thành cho rằng, gà thải loại Trung Quốc giá từ 33.000-40.000 đồng/kg, còn khi nhập lậu qua biên giới chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đáng chú ý là gia cầm thải loại nhập lậu sang Việt Nam qua kiểm tra của Bộ Y tế cho kết quả 100% đều tồn dư kháng sinh; trong đó, có những loại kháng sinh cấm sử dụng ở Việt Nam và rất độc hại.
Cục Thú y đã kiểm tra các mẫu gia cầm nhập lậu tại Lạng Sơn thì có đến 60% là nhiễm virus cúm A. Ngoài ra, gia cầm nhập lậu còn làm ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi trong nước.
Cũng tại cuộc họp, ông Phạm Văn Đông- Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- cho rằng, mặc dù dịch bệnh gia súc, gia cầm đã tạm lắng, nhưng nguy cơ dịch tiếp tục phát sinh trong thời gian tới là rất cao do hoạt động chăn nuôi gia tăng phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ tăng cao trong dịp cuối năm- đặc biệt là địa bàn các tỉnh có dịch, địa bàn có ổ dịch cũ và các địa bàn trọng điểm về chăn nuôi… cũng làm tăng nguy cơ phát sinh dịch. Hiện cả nước còn 2 tỉnh gồm Long An và Sóc Trăng dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.
Gà thải loại Trung Quốc vẫn ùn ùn vào chợ. |
Các thành viên Ban chỉ đạo đều đồng tình với nhận định, trong thời điểm hiện nay cần có giải pháp hỗ trợ cho người chăn nuôi tái đàn. Các địa phương cần chú ý công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch để kịp thời xử lý, đồng thời công khai mức hỗ trợ gia súc, gia cầm mắc bệnh bị tiêu hủy để người dân chủ động phối hợp với các ngành chức năng trong phòng, chống dịch.
Cũng tại cuộc họp, ông Đỗ Văn Hoan- Phó Trưởng phòng Gia súc nhỏ, Cục Chăn nuôi- cho biết, số lượng gia cầm nhập lậu vào nội địa qua biên giới Móng Cái (Quảng Ninh) hiện đã giảm, nhưng tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội), gà choai nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn vẫn được các đối tượng lén lút buôn bán dưới hình thức chia lẻ hàng để tránh kiểm soát của cơ quan chức năng. Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát vấn đề nhập lậu gia cầm qua biên giới.
Theo laodong