30% công chức không làm được việc: Tồn tại của hôm nay

Thứ tư, 12/12/2012, 07:28
Đánh giá hiệu quả công việc của một bộ phận công chức thủ đô, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ “tồn tại của lịch sử”.
30% công chức không làm được việc

Khái niệm “tồn tại của lịch sử” được đưa ra để biện hộ cho những việc không giải quyết được, đổ cho “lịch sử” cũng là một cách. Xét ra, những tồn tại do cái cũ để lại là không sai, nhưng không có gì không giải quyết được nếu như có quyết tâm.

Vậy nếu trừ đi các ông do “lịch sử” để lại, thế hệ công chức được thi tuyển mới có đạt chất lượng không. Hay cũng là những “quan chức 100 triệu” như kiểu “sinh đồ ba quan” trong thi cử thời phong kiến. Để rồi thế hệ này cũng trở thành “tồn tại lịch sử” của thế hệ kế tiếp. Và cứ như thế, công chức trong bộ máy chính quyền luôn có một bộ phận không nhỏ được cho là “tồn tại của lịch sử”.

Bộ phận không nhỏ đó hoàn toàn không mơ hồ, ảo ảnh như bộ phận không nhỏ tham nhũng, mà được đo lường khá cụ thể. Đánh giá về năng lực công chức của đơn vị mình, ông Trương Trọng Dực - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.Hà Nội - cho biết, có khoảng 30% số công chức làm việc tốt, 35% số công chức viên chức khá và trung bình; số còn lại chưa yên tâm khi giao công việc.
 
Ông Dực cũng cho rằng, đây là “tồn tại lịch sử” khi có đến 20 - 30% số công chức đang hưởng lương nhà nước nhưng không đáp ứng được công việc nhà nước giao.

Không chỉ công bố của riêng đơn vị trên, tại phiên họp thứ sáu của UBTVQH khóa XIII diễn ra ngày 26.3, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị), dẫn ra kết quả điều tra tại một số tỉnh phía nam, phát hiện hơn 200 cán bộ ở cơ sở thuê người học hộ, thi hộ và kết quả của một khảo sát chưa đầy đủ cho thấy chỉ có khoảng 30% số cán bộ sau tuyển dụng làm được việc, 30% phải “cầm tay chỉ việc”, hơn 30% còn lại “cầm tay chỉ việc” vẫn không biết cách làm.
 
Trước những con số như vậy, cho thấy bộ phận không nhỏ này chiếm đến hơn 30%. Nhà nước phải bỏ tiền ra nuôi 30% trên tổng số 22 triệu người hưởng lương ngân sách. Tương đương 6.600.000 người.

Từ con số này, có thể quay trở lại với việc tăng lương mà cả xã hội quan tâm. Nhìn từ phía người hưởng lương, tất nhiên sẽ rất bất bình khi nghe tin không hoặc hoãn tăng lương. Nhưng nếu suy nghĩ kỹ lưỡng, sẽ thấy có hai vấn đề rất quan trọng không thể không tính toán.
 
Một là, 30% là người không làm được việc thì hoàn toàn không xứng đáng nhận đồng lương hiện có, cho nên tăng thêm lương cho họ là vô lý, đẩy gánh nặng cho ngân sách. Từ đây, tính đến việc thứ hai là tại sao không cho 30% số công chức này nghỉ việc. Quỹ lương phải trả cho họ đủ để tăng lương cho những người làm việc hiệu quả mà ngân sách không phải bỏ ra thêm một đồng.

Chuyện này không khó, nhưng vẫn không làm được. Cái không làm được đó là tồn tại của hôm nay. Không có “tồn tại lịch sử” nào không bắt đầu từ việc làm trong hiện tại.

 Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích