Xử lại lần ba vụ án “vườn mít”: Chứng cứ vầy kết tội là oan

Thứ ba, 11/12/2012, 20:28
Tòa có thể phủ nhận lời khai không nhận tội của bị cáo nhưng khó có thể bác chứng cứ ngoại phạm của bị cáo do các nhân chứng khai ra.

Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, người vừa gửi thư đến chánh án TAND tỉnh Bình Phước để bày tỏ băn khoăn của mình về vụ án.

Tôi đặc biệt quan tâm đến vụ án này là bởi từng có kinh nghiệm xương máu từ vụ tử tù Huỳnh Văn Nam ở Đồng Nai. Khi giám sát vụ án này, chúng tôi biết rõ là anh ta bị oan nhưng bản án xử anh ta đã “đụng trần” - theo cách nói của nhiều người, khiến đến khi nhắm mắt anh ta vẫn chưa được minh oan.

Với vụ án “vườn mít”, nếu tính luôn cả những lần mở phiên tòa rồi hoãn và những lần tòa đã xét xử nhưng cuối cùng không ra bản án mà tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì phiên tòa sơ thẩm ngày mai (12-12) đã là phiên tòa thứ 10.

Trong đó, tôi đặc biệt đánh giá cao phiên sơ thẩm lần hai vào tháng 5-2011 tuyên bị cáo Lê Bá Mai không phạm tội và trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa. Theo tôi, đây là bản án xử thấu lý đạt tình nhất, thể hiện được nguyên tắc tố tụng tiến bộ: Không chứng minh được (bị cáo phạm tội) thì phải tuyên vô tội.

Tiếc là bản án ấy bị hủy, dẫn đến vụ án gần như phải quay lại từ đầu.

Bằng chứng ngoại phạm khá rõ

Vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng hơn 9 giờ ngày 12-11-2004, cháu Út (12 tuổi) và cháu Hằng (chín tuổi) đang mót củ đậu (củ sắn) trong khu vực trang trại anh Dương Bá Tuân ở xã An Khương (Bình Long, Bình Phước) thì có người tới chở cháu Út đi đâu đó.

Mãi đến ngày 15-11 gia đình cháu mới đi báo công an xã. Đến trưa 16-11 thì người nhà phát hiện xác cháu Út nằm trong khu vực vườn mít của trang trại anh Tuân.

Lê Bá Mai

Bị cáo Lê Bá Mai tại phiên tòa phúc thẩm tháng 6-2012 và lá thư của ông Vũ Đức Khiển gửi chánh án TAND tỉnh Bình Phước có đoạn viết: “Mong tòa xử bản án đạt được lòng dân” .

Lúc này, trong hồ sơ vụ án chưa hề xuất hiện cái tên Lê Bá Mai - người làm thuê cho anh Tuân - nhưng công an xã, trong đó có công an viên Trần Văn Sinh, đã buộc Mai về xã. Kể từ đó, anh ta bị vướng vào vòng lao lý.

Cần nhắc lại, ngày 15-11, cháu Hằng chỉ khai thấy một thanh niên đầu quấn khăn, đội nón lá, đi xe máy, mang bình xịt, bình nước đá màu đỏ chở Út đi. Lời khai này do công an viên Trần Văn Sinh ghi. Trong đơn trình báo cùng ngày, chính ông Điểu Ky, cha cháu Hằng, cũng chỉ nêu nhân dạng người thanh niên chừng đó, theo lời kể của cháu Hằng.

Về phần Mai, trong bản khai đầu tiên, anh không nhận tội mà khai sáng 12-11 anh cùng nhân chứng tên Trong và tên E đi trồng mì, đến khoảng hơn 10 giờ 30 thì về chòi nấu cơm ăn và ngủ trưa rồi chiều tiếp tục đi làm.

Nhân chứng Trong cũng vậy, lời khai đầu tiên của ông này khẳng định “thời gian biểu” của Mai giống như Mai khai lần đầu, trong khi họ không thể thông cung. Với chứng cứ ngoại phạm này cộng với lời khai đầu tiên của cháu Hằng và ông Điểu Ky có thể thấy ngay là anh Mai vô can, không liên quan gì đến vụ án này.

Chứng cứ buộc tội khập khiễng

Thế nhưng ngay sau khi anh Mai bị bắt, cháu Hằng và ông Điểu Ky bắt đầu khai người thanh niên chở Út đi giống Mai, “nghi đó là Mai”, rồi sau tiến tới khẳng định người đó là Mai. Theo tôi, cần đặc biệt cân nhắc tính hợp lý, lôgic của các lời khai này.

Thứ nhất, các lời khai này đều thể hiện sau khi cháu Út bị chở đi, cháu Hằng có đạp xe chạy theo một đoạn và nhìn thấy người chở Út đi về hướng vườn mít. Ta giả sử lời khai này là đúng, thế thì tại sao trong bốn ngày cháu Út mất tích ông Điểu Ky đã không tìm kiếm về hướng này, dù ông bảo là có tìm kiếm khắp nơi?

Thứ hai, nếu cháu Hằng thật sự nhìn thấy Mai chở Út đi và khi về nhà có nói lại với bố mình (ông Điểu Ky) như thế thì có hợp lý không khi chiều đó ông Điểu Ky, ông Điểu Cẩn (cha Út) chỉ đến chòi Mai ở để hỏi vẩn vơ Mai một câu rồi bỏ đi?

Rồi sau một, hai ngày, thậm chí ba, bốn ngày không thấy con mình về mà vẫn không đến hạch hỏi, thậm chí “hỏi tội” Mai rằng “mày chở con gái tao đi đâu, sao giờ nó chưa về?...”. Đằng này, chỉ đến khi phát hiện ra xác của Út thì ông Điểu Ky, Điểu Cẩn mới chặn đường định hành hung Mai, sau đó công an mới mời Mai lên xã và bắt giữ Mai mãi đến sau này.

Cái lôgic vấn đề là ở đây. Người Kinh hay người dân tộc nào cũng thế, trước sự mất mát của người thân đều phản ứng dữ dội với kẻ mà mình biết rõ liên quan đến cái chết hay sự mất tích của con mình.

Hơn nữa, ông Điểu Ky từng nói trước tòa rằng người dân tộc ông (người S’Tiêng) hễ “nói nghi là thấy, nghi là chắc chắn”. Đã “nghi là chắc chắn” Mai chở Út đi nhưng suốt bốn ngày Út mất tích mà vẫn “để yên” cho Mai, chỉ đến khi phát hiện xác Út thì mới bày tỏ thái độ phẫn nộ. Phải chăng lúc ấy đã có ai đó (từng mâu thuẫn với Mai) “nghi” hộ giùm rồi mách nước với ông Điểu Ky nên ông mới “chắc chắn” và chặn đường hỏi tội Mai?

Mớm cung và vi phạm tố tụng

Bây giờ xét lời khai nhận tội của bị cáo. Cần thấy rằng chỉ đến khi cháu Hằng và cha cháu khai người thanh niên chở Út đi giống Mai (rồi sau đó khẳng định là Mai) thì theo thứ tự thời gian, Mai mới bắt đầu khai nhận tội.

Lời khai nhận tội đầu tiên (trong bản tường trình) khá sơ sài, chỉ là những nét phác thảo như: Chở Út đi vào hàng mít, dùng tay chặt vào sau gáy, Út xỉu xuống, tôi hoảng sợ, tôi chưa có làm gì, tôi lật úp cô ta rồi tôi về nhà…

Sau đó, khi bên ngoài lời khai của cháu Hằng “nhận diện” hung thủ rõ hơn theo hướng khẳng định người chở Út đi là Mai thì tại bản hỏi cung tiếp theo, điều tra viên hỏi: “

Bị can Mai chở Út đi và thực hiện hành vi hiếp dâm - giết người như thế nào?”. Câu hỏi này rõ ràng là mớm cung, vi phạm thủ tục tố tụng (hỏi đúng phải là bị can khai ngày đó, tháng đó bị can làm gì, ở đâu).

Khi Mai khai đến đoạn hiếp dâm xong đứng dậy thấy Út vẫn còn sốngthì điều tra viên hỏi tiếp: “Tại sao khi hiếp dâm Thị Út xong thì bị can không đi về mà tiếp tục thực hiện hành vi lấy quần giết chết Thị Út?”.

Rõ ràng điều tra viên đã “biết trước” diễn biến của vụ án mạng khi mà mắt mình không chứng kiến, tai mình chưa từng nghe. Nói cách khác, đây là hành vi mớm cung quá lộ liễu.

Vấn đề là người ta lấy đâu ra diễn biến này? Hay đó là sản phẩm của trí tưởng tượng nhằm gò ép bị can phải khai theo hướng ấy?

Cho nên dễ hiểu vì sao khi đi sâu vào nội dung vụ án ta cứ thấy nó chệch choạc, mâu thuẫn giữa các lời khai của bị cáo và giữa lời khai của bị cáo với các nhân chứng. (Trong khuôn khổ một bài báo, tôi xin không đi sâu phân tích từng mâu thuẫn này).

Đây chính là những điều mà VKSND Tối cao và TAND Tối cao đã chỉ ra trong quyết định kháng nghị và quyết định giám đốc thẩm.

Từ những điều trên, tôi rất băn khoăn nếu cơ quan tố tụng vẫn kết tội cho bị cáo Mai. Và người tiến hành tố tụng nào cũng sẽ khó an lòng ngay cả khi bị cáo đã được minh oan, bởi đã hơn tám năm bị cáo đã bị chôn vùi tuổi thanh xuân của mình trong chốn ngục tù.

VŨ ĐỨC KHIỂN (Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)

Ủy ban Tư pháp nên vào cuộc giám sát

Vụ án này có nhiều vi phạm nghiêm trọng và chứng cứ không vững chắc nên VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy án để điều tra lại. Và tòa tối cao đã chấp nhận kháng nghị.

Sau khi điều tra lại, VKSND tỉnh Bình Phước vẫn giữ quan điểm truy tố như cũ và TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên Lê Bá Mai không phạm tội. Bản án này sau đó bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên hủy, yêu cầu cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng bị cáo có tội.

Tuy nhiên, qua theo dõi tôi thấy đây là vụ án rất phức tạp không chỉ về chứng cứ mà cả về quan điểm đánh giá chứng cứ. Do vậy, theo tôi, VKS và TAND tỉnh nên họp bàn thật kỹ để xem đâu là chứng cứ buộc tội, đâu là chứng cứ gỡ tội. Trên cơ sở đó nếu không thống nhất thì có thể báo cáo VKS và TAND Tối cao họp bàn cho thật kỹ. Nếu hai cơ quan này không thống nhất quan điểm thì báo cáo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát vụ án này.

TS DƯƠNG THANH BIỂU, nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, người từng ký kháng nghị giám đốc thẩm vụ án “vườn mít”

 

Theo PL TPHCM 

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích