“Chạy việc” không còn là khái niệm mới mẻ mà đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam từ rất lâu. Hầu như ai muốn vào làm cho nhà nước cũng thuộc lòng câu cửa miệng: “nhất thân nhì thế tam tiền tứ chế". Bởi vậy, khi ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội phát biểu “Dưới 100 triệu không có chuyện thi đỗ công chức”; sau một thoáng giật mình, người ta liền xua tay: “100 triệu còn rẻ chán!”.
Nói “rẻ” bởi nhiều ngành, nhiều “cửa” khi muốn bước chân vào, người ta phải bỏ ra nhiều lần hơn thế. Đơn cử như chạy việc vào ngân hàng đã “ngốn” tới nửa tỷ đồng hay chỉ chạy một suất giáo viên biên chế ở huyện miền núi xa xôi cũng đã mất đến gần trăm triệu - huống chi được biên chế ngay Thủ đô!
Ngân hàng đang là ngành “hot” hiện nay bởi công việc ổn định, lương cao và quan trọng nhất là có khả năng “thu hồi vốn” nhanh nên hầu hết những người học ngành này, đều muốn “chạy” vào ngân hàng làm việc. Nắm bắt được “nhu cầu”, dân cò mồi thản nhiên quảng cáo “chạy việc” trên mọi phương tiện như một dịch vụ phổ thông.
"Chạy việc" gần như đã trở thành "quy luật" của xã hội Việt Nam |
Trên diễn đàn mạng mua bán 5giay, một người có nickname blong84 giới thiệu công khai, có thể xin việc cho những sinh viên ngân hàng mới ra trường với những vị trí ưng ý trong thời gian nhanh nhất, kể cả những ngân hàng lớn. Nhưng nếu muốn vào làm việc tại các “ông lớn”, người này lưu ý “quan trọng là giá cả, muốn ông lớn nào cứ nêu ra”.
Chủ một topic trên một diễn đàn khác còn phóng khoáng... tự giới thiệu chỉ cần 2 tháng để có thể xin việc vào Ngân hàng Nông nghiệp, Vietinbank, Xăng dầu, Hàng hải…Theo chị này, hiện nếu xin vào ngân hàng khối nhà nước thì chi phí không dưới 400 triệu đồng. Một số vị trí có thể “thu hồi vốn nhanh” như chuyên viên tín dụng, kế toán, kiểm toán…thì giá không dưới 500 triệu đồng. Các vị trí dù không thuộc diện “thu hồi vốn nhanh” nhưng là “hàng hiếm”, ít tuyển dụng như chuyên viên truyền thông, pháp chế… thì giá cũng xấp xỉ 500 triệu đồng.
Hàng trăm các băn khoăn khác về việc có nên bỏ ra 400 triệu đồng, hay 300 triệu đồng để chạy một suất vào làm hay không cũng được chia sẻ công khai trên các diễn đàn mạng. “Có đường dây xin việc vào các Ngân hàng nhà nước, nghe nói có thể xin vào 1 trong 6 ngân hàng sau: Vietcombank, Viettinbank, Agribank, BIDV, Ngân hàng phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB), Ngân hàng Quân đội MBBank. Bên đường dây kia sẽ lo cho mình vào 1 trong 6 ngân hàng đó. Giá tiền cho 1 lần chạy việc thành công là khoảng 400 triệu đồng. Em đang rất băn khoăn, không biết có nên chạy việc không”, nickname HN85 trên diễn đàn Webtretho tâm sự.
Sinh viên nữ 2 bằng ĐH loại giỏi phải bán trà đá kiếm sống từng gây xôn xao dư luận |
Trong khi đó, “chạy việc” công chức giáo viên lên vùng cao, hẻo lánh cũng tiêu tốn đến vài chục triệu đồng, ở những nơi thuận tiện hơn như thị trấn, thành phố thì số tiền cao hơn rất nhiều. Chị Vũ Hồng P. ở Phú Thọ cho biết, để xin được một suất biên chế vào trường cấp 2 tại một huyện vùng cao Yên Bái, gia đình chị đã phải bỏ ra tới 70 triệu đồng. “Chi phí tất cả tiền lót tay, quà cáp từ lúc đặt vấn đề xin cho tới khi đã chắc chân là từng đó. Nhưng số tôi còn may mắn chán, tôi có người bạn cũng chạy biên chế giáo viên lên Sơn La nhưng do không có người nhà mà chỉ quen biết qua người nọ người kia móc nối nên hiện đã bỏ ra tới gần 80 triệu rồi vẫn chưa đâu vào đâu”, chị P. cho hay.
Thủ tục “chạy việc” đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu nên hiện người ta xem nó như một điều tất yếu. Gia đình nào hễ có con em chuẩn bị bước ra khỏi trường Đại học lại lo sốt vó xem chạy cửa nào, cần bao nhiêu tiền…để tìm một công việc ổn định. Thậm chí, nhiều gia đình con mới chỉ chuẩn bị thi Đại học đã kháo nhau: “Cho nó thi ngành nào? Có người nhà làm ngành đó à? Sao thi trường đó? Liệu đủ tiền xin việc cho nó không mà thi...”. Vì lẽ đó, không khó hiểu khi nhiều người tặc lưỡi trước câu chuyện 100 triệu đồng vào biên chế Hà Nội. “Đâu có gì mới, nhưng như thế vẫn rẻ chán, nếu có cửa, gấp đôi số đó tôi cũng sẵn sàng bỏ ra để đưa con tôi vào làm ở Thủ đô”, một phụ huynh có con vừa tốt nghiệp Đại học ra cho biết.
Thực tế hiện nay, "chạy việc" như một “quy luật” của xã hội đã cản đường nhân tài, cản đường phát triển nên mới có chuyện cử nhân tốt nghiệp loại giỏi, 2 tấm bằng Đại học cũng phải bạc mặt bán trà đá kiếm sống vì nhà nghèo, không thân thế...
Theo Kienthuc