Dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông: Khó từ chất lượng giáo viên

Thứ tư, 12/12/2012, 09:35
Bộ GDĐT vừa ban hành dự thảo về việc dạy và học tiếng nước ngoài trong nhà trường. Theo đó, đối với giáo dục phổ thông, việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài chỉ áp dụng đối với các môn khoa học tự nhiên, công nghệ và tin học theo chương trình giáo dục phổ thông của VN hoặc chương trình của nước ngoài do Bộ quy định hoặc phê duyệt.

Phụ huynh, học sinh cùng ngơ ngác

Theo dự thảo này, mục đích ban hành quy định nhằm nâng cao chất lượng nhân lực và giáo dục Việt Nam để đẩy mạnh tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, phát huy kết quả việc dạy và học ngoại ngữ nêu trong Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.

Bên cạnh đó giúp nhà giáo và người học tăng cường năng lực ngoại ngữ, có khả năng tiếp cận và khai thác các nguồn tài liệu khoa học và chuyên môn bằng tiếng nước ngoài phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó tăng thêm cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp cho người học; góp phần giúp người học nâng cao và hoàn thiện trình độ tiếng Việt. Yêu cầu đối với nhà giáo dạy học bằng tiếng nước ngoài là phải đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ và dạy đúng chuyên ngành được đào tạo hoặc có chuyên ngành đào tạo phù hợp.

thay giao
Thuê giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh - một trong những giải pháp được nhiều trường phổ thông thực hiện hiện nay. Ảnh: T.L

Việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là tiếng Anh) trong trường phổ thông không phải là một việc “mới tinh”, mà đã bắt đầu được một số trường thực hiện thí điểm từ vài năm nay. Tuy nhiên, dù số lượng  HS tham gia theo học chương trình thí điểm này tại TPHCM đã lên đến con số hơn 1.600 HS, song việc dạy - học vẫn dừng ở mức “tự thân vận động”. GV thì tự tìm tòi, chọn lựa giáo trình để giảng dạy, còn HS thì được quyền ‘tự chọn” tham gia hay không tham gia.

Theo một giáo viên đang tham gia thực hiện chương trình tại Trường Phổ thông Lương Thế Vinh, do Sở GDĐT “khuyến khích” nên hầu hết các trường đang tham gia dạy thí điểm có xu hướng lấy giáo trình Cambridge làm chuẩn cho việc dạy - học. Nhưng do điều kiện thực tế, vẫn có một số trường, điển hình như  Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, vì không “tìm được tiếng nói chung” trong giáo trình cũng như một số tiêu chí khác trong chuyên môn mà lớp học theo chương trình mới này, dự kiến mở trong niên khóa 2012 - 2013 tại trường đã bị hủy bỏ, khiến hàng trăm học sinh và phụ huynh “ngơ ngác”!

Trường không biết đi đường nào

Thầy Phan Huy Thảo - Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Úc - cho rằng: Đòi hỏi cao nhất của chương trình dạy và học bằng tiếng nước ngoài chính là giáo trình giảng dạy, và song hành đó là chuẩn chất lượng chuyên môn của giáo viên. Nếu thỏa mãn được hai yêu cầu này, hiệu quả của chương trình sẽ rất rõ ràng.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Vũ Lương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên thuộc ĐH Khoa học và Tự nhiên - ĐHQGHN - khẳng định, đây là một chủ trương đúng, nhưng “Để dạy và học được không dễ dàng. Đừng nghĩ và bảo là cho giáo viên đang dạy toán, tin đi bồi dưỡng thêm tiếng Anh là có thể về dạy toán bằng tiếng Anh, đó là một ảo vọng. Bởi lâu nay chúng ta quen với cách làm qua loa như vậy nên dẫn tới hiệu quả không cao”.

Đồng quan điểm nhưng nhìn vấn đề một cách phản biện và lý giải rõ ràng hơn, thầy Võ Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường Chuyên Lê Hồng Phong - cho rằng: "Mấu chốt của vấn đề là mục tiêu mình đặt ra cho chương trình này là gì? Với mục tiêu nhằm cung cấp thêm cho HS một số kỹ năng, kiến thức, vốn từ ngữ chuyên môn cần thiết (dựa trên nền tảng tiếng Anh đã tốt sẵn của HS) để giúp các em có thể dễ dàng tự cập nhật và mở rộng kiến thức các môn học này qua các nguồn tài liệu nước ngoài khác thì chương trình đang giảng dạy tại trường tạm được cho là thành công.

Còn với yêu cầu là khi áp dụng chương trình dạy học những môn tự nhiên bằng Anh ngữ học sinh sẽ nâng cao, cải thiện được chất lượng tiếng Anh của mình, hay như yêu cầu có thể đạt được theo chuẩn của giáo trình Cambridge như mục tiêu mà Sở GDĐT đang hướng các trường đạt tới... thì là điều không thể. Bởi, có một thực tế hiển nhiên là đội ngũ giáo viên của mình không hề được kinh qua trường lớp đào tạo chính quy này thì không thể triển khai giảng dạy các môn này một cách bài bản".

Theo nhiều giáo viên, một khó khăn nữa khi triển khai dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh là hệ thống các kỳ thi hiện nay đều thi bằng tiếng Việt. Vì vậy mà câu hỏi đặt ra là “Vậy nếu học sinh chỉ học các kiến thức bằng tiếng Anh nhưng lại phải thi bằng tiếng Việt thì có thiệt thòi cho các em khi tham gia các kỳ thi này hay không?”.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Việc dạy học bằng tiếng Anh đang được nhiều phụ huynh đồng tình, học sinh cũng ham thích, vì vậy các trường có thể tự vận động phụ huynh đóng góp học phí.

Đối với các trường dạy học các môn toán và khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh hiện nay trên địa bàn cả nước không nhất thiết có những quy định chung về tài liệu, SGK mà việc vận dụng để dạy học tùy vào chất lượng của từng trường, ở từng địa bàn.

Bộ GDĐT sẽ cân nhắc kỹ về việc cấp ngân sách thêm cho các trường này, đồng thời có kế hoạch xem xét xác nhận trình độ tiếng Anh của những học sinh học bằng tiếng Anh”.

Theo laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích