Những con sóng ngầm
Theo thống kê của Cục CSHS, Bộ Công an (C45), từ năm 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra trên 100 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến vay, huy động vốn của người dân với tổng số tiền lên đến 4.500 tỷ đồng.
Nhiều vụ vỡ nợ lớn xảy ra khiến hàng trăm gia đình điêu đứng, bị cầm cố hết tài sản, ruộng vườn, thậm chí trắng tay, ảnh hưởng đến ANTT trên địa bàn. Nơi xảy ra nhiều là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Điển hình như vụ Tạ Việt Quang vỡ nợ 300 tỷ đồng ở Đan Phượng, Hà Nội; vụ Nguyễn Thị Dậu cũng khoảng 200 tỷ đồng, ở Hà Đông, Hà Nội; vụ Nguyễn Thị Cúc, hơn 200 tỷ đồng, ở Phú Xuyên, Hà Nội...
Căn nhà của Nguyễn Thị Cúc (ở Phú Xuyên, Hà Nội), kẻ bị “vỡ nợ” sau khi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt trên 200 tỷ đồng. (Ảnh VTC News) |
Để huy động được tiền, các đối tượng đi vay dùng thủ đoạn đưa trần lãi suất cao lên (có trường hợp vay 1 triệu đồng trả lãi đến 7.000- 10.000 đồng/ngày) và cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con.
Thậm chí, với việc hứa trả lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng, có trường hợp lên đến 30%/tháng, nhiều người dân đã mang tài sản của bản thân, gia đình đến ngân hàng thế chấp vay, sau đó cho vay lại, trong khi người vay không có tài sản gì đảm bảo việc trả nợ.
Đa số người vay mượn tiền, tài sản thường tạo vỏ bọc sang trọng, giàu có để tạo niềm tin, nhằm huy động vốn sử dụng vào mục đích kinh doanh. Song không ít trường hợp vay tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, buôn lậu...
Do vay với lãi suất cao và quá trình kinh doanh bị thua lỗ, dẫn đến tình trạng thâm hụt vốn, không có khả năng trả nợ rồi bỏ trốn. Từ đó gây bức xúc dẫn đến các đối tượng cho vay lãi đã trực tiếp hoặc thuê người đến đe dọa, ném chất bẩn vào nhà để gây áp lực về tinh thần, thậm chí dùng cả vũ khí nóng để uy hiếp.
Những kẽ hở
Trong đó có 31 vụ giết người, 218 vụ cố ý gây thương tích, 338 vụ cướp tài sản, 689 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.007 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 1.896 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 54 vụ hủy hoại tài sản. Tại 18 địa bàn trọng điểm xảy ra 2.074 vụ liên quan đến tội phạm dạng “Tín dụng đen”. |
Theo ông Tiến, việc chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng này rất khó khi mà Luật không đưa ra được khái niệm thế nào là “hoạt động chuyên nghiệp và lấy lãi suất làm nguồn sống chính”. Vì vậy, để điều tra và xử lý tội Cho vay nặng lãi là gần như không có.
Đối với hoạt động “Tín dụng đen”, có luật để điều chỉnh là tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện nay còn nhiều sơ hở để bọn tội phạm lợi dụng, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Nhất là xác định yếu tố bỏ trốn, gian dối, sử dụng bất hợp pháp, chiếm đoạt tài sản.
Cục trưởng C45 cho rằng, để hạn chế được hoạt động “Tín dụng đen” đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay, chúng ta phải tăng cường công tác quản lý đối với các dịch vụ kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là dịch vụ cầm đồ.
Cần sửa đổi những điểm chưa phù hợp trong Luật. Đề nghị cơ quan nội chính, VKS, Tòa án, Bộ Công an có hướng dẫn cụ thể như thế nào là bỏ trốn, như thế nào là sống bằng nghề cho vay nặng lãi...
"Chúng ta đã cho phép thành lập các công ty đòi nợ, hoạt động phức tạp, tổ chức các băng nhóm tội phạm, gây mất an ninh trật tự, khủng bố con nợ bằng nhiều cách được Nhà nước bảo hộ... Trong khi, chúng ta có các cơ quan hành pháp, sao lại cho thành lập các công ty đòi nợ để làm gì. Phải chăng chúng ta cho rằng cần có đòi nợ ngoài pháp luật?" - ông Tiến thẳng thắn.
Ông Tiến cũng nói thêm, các tổ chức tín dụng cần cởi mở hơn vì trong bộ phận dân chúng có những người có nhu cầu vay tiền nóng để trả nợ, thanh toán... Trong khi, tiếp cận ngân hàng thì khó nên họ phải tìm đến những người có tiền cho vay nóng để giải quyết nhu cầu.
Theo Vietnamnet