Biển Đông là không gian sinh tồn của Việt Nam

Thứ năm, 13/12/2012, 09:05
Lịch sử ngàn năm đã minh chứng Việt Nam là một quốc gia biển, gắn với biển để sinh tồn, phát triển. Trong thế kỷ mới, định hướng phát triển kinh tế biển cùng với việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là trách nhiệm, quyền lợi cốt lõi của cả đất nước, dân tộc Việt Nam... Đó là những nhận định được đưa ra tại hội thảo quốc gia về biển Đông được tổ chức ngày 12/12 tại TP.Đà Nẵng.

Cần hệ thống sử liệu thành cơ sở pháp lý

Biển Đông
Biển đông là không gian sinh tồn, sống chết của hàng triệu dân Việt Nam và cả quốc gia.

Sáng 12/12, tại TP.Đà Nẵng, Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực III, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia HCM, ĐH Khoa học - Xã hội nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐH Khoa học - Xã hội nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Hợp tác biển Đông - lịch sử và triển vọng”.

Có hơn 100 nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu về biển Đông tham dự. PGS-TS Lê Quốc Lý - Phó GĐ Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia TP.HCM, PGS-TS Trần Ngọc Vương - ĐH Quốc gia Hà Nội... đều nêu rõ, Hoàng Sa, Trường Sa là những địa danh thân thuộc gắn liền với con người Việt Nam hàng ngàn đời nay. 

Biển Đông là một phần không tách rời  với đất nước Việt Nam, để lại dấu ấn đậm nét từ thời Phù Nam, Chăm Pa cho đến Đại Việt.

Đặc biệt, những công bố nghiên cứu mới nhất của PGS-TS Trần Ngọc Vương còn minh chứng rõ nét văn hóa, lịch sử của đế chế lục địa Trung Quốc qua nhiều thế kỷ. TQ chưa từng là quốc gia biển hoặc có ý chí hướng ra biển trong lịch sử. Đây là nghiên cứu sâu sắc, khoa học và có nhiều chứng cứ, phân tích mới mẻ, gây chú ý tại diễn đàn lần này.

Những biểu hiện tranh chấp và có hành xử gây nguy cơ xảy ra xung đột mang tính thôn tính, bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông đã khiến giới khoa học có nhiều đầu tư đặc biệt về nghiên cứu của mình.

Mục đích làm rõ, minh chứng trước thế giới biết được chủ quyền biển Đông gắn với các quần đảo - trong đó có Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam từ muôn đời nay.

Những công bố này còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo của quốc gia và trách nhiệm của dân tộc, giúp tư vấn cho Nhà nước để có những quyết sách hợp lý trong ứng xử các vấn đề đối nội, đối ngoại liên quan đến vấn đề biển Đông hiện nay.

Ngoài những cơ sở sử liệu giá trị khẳng định chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam đã được hệ thống lại của GS Nguyễn Nhã, tham luận “thủy binh Chúa Nguyễn với việc bảo vệ chủ quyền, khai thác nguồn lợi biển đảo trên biển”; hành trình của đội Hoàng Sa trong việc xác lập và thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nhà nước Đại Việt thời Nguyễn.

Ngoài ra, còn có cơ sở lịch sử khẳng định quá trình xác lập và thực hiện chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; tầm nhìn hướng biển của vua Minh Mệnh... có rất nhiều thông tin, lý luận mới. 

Ngoài ra, còn có nhiều bằng chứng lịch sử bằng bản đồ, tài liệu phương Tây khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa được công bố bởi TS Trần Đức Anh Sơn - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng. Các nhà khoa học cũng khẳng định sử liệu, chứng cứ nhiều, rõ, song cần hệ thống chặt chẽ thành cơ sở pháp lý thống nhất.

Cần ứng xử tỉnh táo, hợp tác hợp lý

Một phần nghiên cứu quan trọng được các nhà khoa học công bố lần này là lợi ích, mục tiêu của các quốc gia Đông Nam Á, các cường quốc trên thế giới liên quan đến biển Đông, thực trạng và triển vọng các mối quan hệ hợp tác.

Trong đó, nghiên cứu về “lợi ích địa chiến lược của các cường quốc ở biển Đông” của TS Lương Văn Kế (ĐH QG Hà Nội) đã phân tích tương đối rõ 5 lợi ích về kinh tế, an ninh, lãnh thổ, tài nguyên và hệ giá trị của các cường quốc Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. 

Từ đó có thống kê, so sách và phân tích xu hướng hành xử tương ứng với lợi ích của từng cường quốc đó trên biển Đông trong tương lai.

Phân tích này còn chỉ rõ cho các nước nhỏ, mới phát triển và đang có tranh chấp ở Đông Nam Á với Trung Quốc có cách hành xử, hợp tác hợp lý với các quốc gia, cường quốc trên thế giới để bảo tồn “không gian sinh tồn” của mình gắn với biển Đông hiện nay và trong tương lai.

 

Theo Laodong

Các tin cũ hơn