"Nói bâng quơ 100 triệu chạy việc... chỉ làm rối dư luận!"

Thứ sáu, 14/12/2012, 08:32
Theo tiến sĩ Hà Đình Đức, "nếu chỉ buông một câu gây sốc, mà không có bằng chứng, xử lý cụ thể thì chỉ khiến dân hoang mang, làm rối dư luận"

Phải đưa ra những trường hợp cụ thể

- Ông có thấy "sốc" trước phát ngôn “chạy công chức ở Hà Nội không dưới 100 triệu?

- Chuyện chạy chức chạy quyền được nói đến từ lâu nhưng cũng chỉ là dư luận. Lần này, thông tin do chính ông Chủ nhiệm ủy ban thanh tra Hà Nội nói ra thì chắc là đúng. Tôi khá bất ngờ trước tiết lộ này. Nhưng có điều lạ là không ai, cơ quan nào đưa ra những con số, trường hợp cụ thể. Các quan chức không rõ ràng thì làm sao đòi hỏi người dân minh bạch. 

Việc kiểm tra, công khai kết quả và cách xử lý là chức năng của ông chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, vậy sao ông không thực hiện cho đến nơi đến chốn nhiệm vụ của mình? Báo chí phải chất vấn để các ông ấy đưa vấn đề này ra công luận một cách rõ ràng.

 Giáo sư Hà Đình Đức
 "Việc kiểm tra, công khai kết quả và cách xử lý là chức năng của ông thanh tra, vậy sao ông không thực hiện cho đến nơi đến chốn nhiệm vụ của mình?"

- Nếu ông có con đang có nhu cầu tìm việc làm ổn định, ông có bỏ ra từng đó số tiền để chạy công chức cho con ?

- Tôi có 42 năm công tác trong ngành giáo dục và hiện hưởng mức lương hưu 5,5 triệu/tháng. Vậy thử hỏi tôi lấy đâu ra số tiền trên 100 triệu để chạy việc cho con. Hơn nữa, nếu mình cố gắng có được 100 triệu nhưng cũng chắc gì đã được việc vì người khác sẽ bỏ ra số tiền nhiều hơn thế. Cũng phải có quan hệ tốt nữa!

- Vậy ông nghĩ sao về tình trạng tiêu cực chạy việc hiện nay?

Những trường hợp mua chỗ ngồi ăn lương của nhà nước đều là đi cửa sau, đi đêm, đi ngầm nên không dễ gì bị phát hiện. Nói như thế, cũng không có nghĩa là không thể đưa những hành vi đó ra khỏi bóng tối nếu các cơ quan chức năng làm quyết liệt vì “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”.

Thế nên, khi lực lượng thanh kiểm tra “tóm” được nhóm đối tượng này phải công khai trước công chúng. Nếu ông chỉ buông một câu gây sốc, mà không có bằng chứng, xử lý cụ thể thì chỉ khiến dân hoang mang, làm rối dư luận. Cách làm không đến nơi đến chốn này là vô trách nhiệm, không thể chấp nhận được.

- Việc ông thanh tra “bóc mẽ” giám đốc Sở Nội vụ giữa cuộc họp liệu có làm sáng được những điểm khuất trong công tác thi tuyển công chức, thưa ông?

- Ông trực tiếp làm thì khẳng định mình làm đúng, làm tốt. Còn ông kiểm tra lại cho rằng tồn tại tiêu cực trong công tác thi tuyển. Tức là hai ông đang có mâu thuẫn với nhau. Muốn giải quyết mâu thuẫn này và đẩy lùi tiêu cực, hai ông cần phải ngồi đối chất với nhau. Quan trọng nhất, bên thanh kiểm tra phải đưa ra những trường hợp cụ thể, bằng chứng xử lý chứ cứ nói kiểu bâng quơ, bỏ đấy thì không tích sự gì. 

Không được đánh đồng bằng tại chức đều dốt

- Ông nghĩ sao về chủ trương tẩy chay tại chức trong thi tuyển công chức ở Hà Nội trong thời gian tới?

-  Tại chức là hệ thống đào tạo của Bộ GD – ĐT. Chuyện không tuyển tại chức là không đúng với quy định. Tùy từng người chứ không phải tất cả nhưng đa số sinh viên tốt nghiệp tại chức yếu hơn hệ chính quy. Cho nên anh nào tại chức có trình độ vẫn tuyển, không có thì thôi. Đánh đồng cả không nên, có khi còn vi phạm pháp luật. 

Trước tôi cũng dạy 1 số lớp tại chức, 1 số anh tốt nghiệp tại chức làm rất được việc như: anh Ninh ở Viện vệ sinh dịch tễ, anh Sơn ở Viện xã hội học…Việc những người tốt nghiệp hệ tại chức tham gia thi tuyển công chức không ảnh hưởng gì đến chất lượng đợt thi tuyển hay chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức.

Các đơn vị tuyển dụng cứ đưa ra các yêu cầu và tiến hành quy trình xét tuyển theo đúng luật. Chiếu theo các tiêu chí tuyển dụng, anh nào đáp ứng được yêu cầu thì tuyển, không đáp ứng được thì loại. 

- Còn về việc ông Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra thành ủy Hà Nội công bố kết quả 20 – 30% công chức đang hưởng lương nhà nước không đáp ứng được công việc nhà nước giao, ông có ý kiến gì về con số này?

Đây là con số quá lớn. Các sở ngành nên có những cuộc sát hạch thường niên, thường kỳ. Anh nào trình độ yếu, không qua được kỳ sát hạch thì cứ loại ra hoặc anh nào muốn tồn tại thì phải chấp nhận đào tạo lại, kể cả người đó có bằng chính quy hay tại chức.

Tôi cho rằng nên để cuộc thi công chức diễn ra vô tư, công bằng giữa các loại bằng: chính quy, tại chức, ngoài công lập. Cơ quan chủ quản và các đơn vị tuyển dụng không nên phân biệt các loại bằng.

Xin cám ơn ông!

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn