Hà Nội “hưởng lợi” gì từ Luật Thủ đô?

Thứ tư, 02/01/2013, 07:18
Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành từ 1.7.2013 với 4 chương, 27 điều. Văn bản luật này xác định Hà Nội là Thủ đô; là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan TƯ Đảng và Nhà nước; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ. Những điểm mới và quan trọng:

- Trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh  các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề.

- Có lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học ra ngoại thành.

- Việc đăng ký thường trú ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú.

Tuy nhiên, ở nội thành, ngoài những trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4, Điều 20 của Luật Cư trú thì công dân muốn đăng ký thường trú tại nội thành phải tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải đảm bảo điều kiện về diện tích bình quân theo quy định và phải được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

Van Mieu Quoc Tu Giam


- Đối với giao thông vận tải, luật yêu cầu phải được quy hoạch, xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự liên kết giữa thủ đô với các tỉnh, thành trong vùng và cả nước...

- HĐND TP.Hà Nội được quy định mức tiền xử phạt ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định, đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.

Các chức danh có thẩm quyền phạt tiền với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định trong các lĩnh vực trên thì cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đó.

- Thủ đô được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật.

- Dự toán chi ngân sách của thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư khác được áp dụng cho các thời kỳ ổn định từ 3 đến 5 năm.

- Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thuỷ lợi do TP.Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương thì Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án.

- Biểu tượng của thủ đô: Khuê Văn Các (công trình văn hoá - lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập).

Theo Laodong

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn