Luật không cho nên phải làm chui
Dù hiện nay luật pháp không cho phép mang thai hộ, nhưng trên thực tế dịch vụ này vẫn âm thầm diễn ra. Điều đáng nói là từ ý nghĩa nhân đạo đúng với nghĩa của của mang thai hộ là giúp đỡ những người hiếm muộn không thể mang thai có con, việc làm này đã trở thành một “dịch vụ ngầm” mà nhiều người vẫn gọi là “đẻ thuê” hay “cho thuê tử cung”.
Người nhờ mang thai và người mang thai hộ chỉ có thỏa thuận miệng về điều kiện và thù lao, sau đó tiến hành thông qua một dịch vụ y tế “chui”, người mang thai hộ phải tuyệt đối giữ bí mật và bị cách ly với đứa trẻ ngay sau khi sinh ra.
Vì nhiều gia đình hiếm muộn sẵn sàng trả số tiền lớn lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng cho một ca sinh hộ như thế nên không ít người đã hành nghề… đẻ thuê với nhiều lần mang thai cho người khác.
Trên các diễn đàn mạng, không ít người hiếm muộn có nhu cầu cũng dò hỏi thông tin về dịch vụ này. Cũng có nhiều người công khai đăng thông tin “đẻ thuê”, kiểu như: Mình 23 tuổi, hiện đang ở TP.HCM. Mình nhận mang thai hộ cho gia đình hiếm muộn, một phần giúp các gia đình, môt phần vì điều kiện kinh tế gia đình mình. Mình cao 1m66 nặng 55kg, trình độ đại học, đã có 1 bé trai… Mẹ nào có nhu cầu liên hệ…
Trên thực tế, nhu cầu nhờ mang thai hộ là có thật. Theo BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh, có hai nhóm người không thể mang thai, nếu muốn có con chỉ còn cách duy nhất là nhờ mang thai hộ.
Một là những phụ nữ có tử cung không bình thường (tử cung bị dị dạng hay bị các bệnh lý như u xơ hay bệnh về nội mạc, phụ nữ bị cắt bỏ tử cung do tai biến sản khoa trước đó…).
Hai là những người có tử cung bình thường nhưng sức khỏe không cho phép để mang thai, ở nước ta gặp nhiều nhất là bệnh tim.
Có nên có luật mang thai hộ? |
Thực ra trước đây ngành y đã từng áp dụng thành công biện pháp mang thai hộ cho những trường hợp bị biến chứng trong chương trình kế hoạch hóa gia đình (nạo phá thai nhiều lần hoặc bị cắt tử cung).
Mang thai hộ được hiểu là dùng biện pháp kỹ thuật lấy trứng của vợ và tinh trùng của chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của một phụ nữ khác để nhờ người này mang thai hộ.
Tuy nhiên, việc làm này sau đó phải chấm dứt vì Nghị định 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học ra đời với quy định nghiêm cấm hành vi mang thai hộ. Từ đây, tất cả những người có nhu cầu đều phải làm “chui”, một số khác dù sức khỏe không cho phép vẫn mang thai, và hậu quả là chết cả mẹ lẫn con.
Những tình huống tranh chấp có thể xảy ra
Vì là “chui”, không được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ nên việc mang thai hộ có thể dẫn đến những tình huống tranh chấp khó có thể lường trước được. Chẳng hạn như người mang thai hộ sau thời gian mang thai ít nhiều cũng có tình cảm máu mủ với đứa trẻ bị sinh ra. Vì vậy, cũng có thể xảy ra tình trang “phá hợp đồng”, không giao con cho đối tác hoặc bỏ trốn…
Lúc này thì người nhờ mang thai hộ đứng trước hoàn cảnh trớ trêu, không thể kiện đối tác vì rõ ràng trên luật pháp, đứa trẻ sinh ra là con của người mang thai hộ; cũng không thể bỏ đứa con đó vì trên thực tế nó là máu mủ của mình…
Hoặc cũng có trường hợp, đối tượng mang thai hộ khi đã trở thành chuyên nghiệp có thể nghĩ ra nhiều chiêu vòi vĩnh, hành hạ khổ chủ như đòi thêm tiền, ra nhiều điều kiện tréo nghoe. Hoặc quá đáng hơn, sau khi nhận tiền rồi tìm cách “chuồn”, người đẻ thuê sẽ phá thai và tiếp tục hành trình lừa đảo của mình…
Tất nhiên trong trường hợp này, khổ chủ là người nhờ mang thai cũng chẳng biết kêu ai vì họ không được pháp luật bảo vệ.
Ngược lại, người mang thai hộ cũng có nguy cơ gặp không ít rủi ro khi thực hiện dịch vụ “chui”. Thực tế những người mang thai hộ thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, ở các vùng nông thôn, sự tiếp cận và hiểu biết pháp luật thấp. Các thỏa thuận nhiều khi lại không có hợp đồng, khi trao con cho người khác lại bị “bùng” tiền không được thanh toán.
Lúc đó ai sẽ là người bảo vệ họ. Hoặc cũng có trường hợp trong quá trình mang thai gia đình người nhờ mang thai hộ có trục trặc trong hôn nhân hoặc vi phạm pháp luật như ly dị hoặc bị chết, bị bắt đi tù không nhận đứa con nữa.
Hoặc khi đứa bé sinh ra gặp rắc rối về sức khỏe như sinh non, ốm yếu, dị tật… người nhờ mang thai không muốn nhận, trốn tránh. Khi đó người mang thai hộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có thể dẫn đến những hành động sai trái khác như phá thai, bỏ con, cho con, bán con…
Việc mang thai hộ, nhất là mang thai hộ nhiều lần cũng có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho người mang thai hộ như tai biến sản khoa gây vô sinh, hoặc thậm chí mất mạng.
Những đứa trẻ được sinh ra theo kiểu mang thai hộ sẽ dễ bị tranh chấp pháp lý. Ảnh internet |
Ngoài ra, các vấn đề pháp lý khác như xác định cha, mẹ đứa trẻ được sinh ra, các quyền nhân thân và tài sản của đứa trẻ với những người có liên quan như người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ… cũng không được pháp luật đề cập tới. Vì vậy, nếu thuận cả hai bên thì không sao, nhưng nếu xảy ra những tranh chấp phát sinh thì đứa trẻ sinh ra có thể gặp nhiều thiệt thòi.
Có nên luật hóa?
Vấn đề mang thai hộ đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần và bao giờ cũng có 2 luồng ý kiến trái chiều. Trước đó, vấn đề này đã được đưa vào nội dung của tiến trình lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Theo đó, hầu hết mọi người đều nhận thấy việc mang thai hộ vừa là một giải pháp nhân đạo đối với những trường hợp hiếm muộn, vừa giải quyết được những tranh chấp đang diễn ra trong thực tế khi mang thai hộ đang diễn ra rất phổ biến nhưng lại thiếu sự điều chỉnh của pháp luật. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hiện nay mang thai hộ chưa được Luật pháp công nhận.
Trong lần sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình lần này, Bộ Tư pháp một lần nữa lại lấy ý kiến về việc chấp nhận hay tiếp tục cấm mang thai hộ, và lần này nhiều ý kiến vẫn cho rằng cần thiết phải luật hóa.
TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật dân sự (ĐH Luật Hà Nội) nêu ý kiến: Mặc dù pháp luật không công nhận nhưng thực tế việc này vẫn diễn ra. Vì vậy vấn đề mang thai hộ cần đưa vào luật để kiểm soát, nếu không sẽ có những hậu quả khó lường sau này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc cho phép mang thai hộ sẽ kéo theo hiện tượng nhiều phụ nữ vì những lý do khác nhau không muốn mang thai, mà áp dụng biện pháp này, từ đó sẽ dẫn đến tình trạng thương mại hóa, dịch vụ mang thai hộ sẽ nở rộ không kiểm soát được.
TS Nguyễn Văn Cừ cho rằng, vấn đề này Luật cần quy định chặt chẽ về hình thức, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan để việc mang thai hộ mang đúng ý nghĩa là việc làm nhằm mục đích nhân đạo, tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con được quyền làm cha, mẹ.
Chẳng hạn như việc nhận con và trả con giữa người nhờ mang thai hộ và người được nhờ mang thai hộ như thế nào, xác nhận ai là mẹ đẻ đứa bé, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên…
Một số ý kiến đề xuất mang thai hộ chỉ nên cho phép trong phạm vi gia đình, tức người được nhờ mang thai hộ là chị hoặc em của người nhờ mang thai hộ để tránh những tranh chấp phức tạp về sau.
Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng nếu chỉ cho trong phạm vi gia đình thì sẽ có rất nhiều người thiệt thòi, như những người không có chị em nào để nhờ mang thai hộ hoặc nếu có mà chị em đó không muốn mang thai hộ…
Vì vậy, để tránh trường hợp đẻ thuê thì Luật cần quy định các trường hợp người phụ nữ không thể có khả năng mang thai phải nhờ người mang thai hộ phải được xác định bởi một hội đồng khoa học y tế.
Ngoài ra, một vướng mắc nữa mà nếu đưa vào luật phải quy định chặt chẽ, đó là việc phân định ai sẽ là mẹ đứa trẻ.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì người sinh ra đứa trẻ mới là mẹ đẻ. Trong khi đó, trường hợp con sinh ra bởi người mang thai hộ thì khái niệm huyết thống được hiểu theo nhiều hướng khác nhau.
Thứ nhất có thể theo hướng của pháp luật hiện hành, tức là người mang thai hộ là mẹ đẻ của đứa trẻ. Thứ hai quan hệ huyết thống được hiểu là giữa đứa con sinh ra và người phụ nữ có trứng thụ tinh (người nhờ mang thai hộ). Tất nhiên, vì ý nghĩa nhân đạo của việc làm này, cách hiểu theo ý nghĩa thứ 2 là có lý hơn.
Và vì vậy, giữa bên nhờ mang thai hộ và bên nhận mang thai hộ cũng cần thiết phải có văn bản thỏa thuận có sự chứng nhận của cơ quan chức năng, để thống nhất việc đứa trẻ sau này là con của cặp vợ chồng hiếm muộn (người nhờ mang thai).
Cụ thể, phải xác định rõ đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này là con đẻ của người có huyết thống với trẻ qua giám định ADN…
Có thể thấy mang thai hộ vẫn là một vấn đề khá nhạy cảm. Nhưng dù sao nó cũng là một thỏa thuận dân sự hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự do ý chí và bình đẳng, vì vậy pháp luật cần sớm công nhận và bảo vệ sự thỏa thuận này để tránh những biến tướng vi phạm pháp luật và tránh những tranh chấp xảy ra khi không có luật điều chỉnh.
Theo Anninhthudo