Khổ sở vì con nói “ngọng”
Chị Hải Anh (Hoàn Kiếm - Hà Nội) kể: “Cách đây 5 năm, vì công việc của 2 vợ chồng khá bận rộn nên khi sinh cháu thứ 2 tôi cũng nhờ người quen tìm cho mình một người giúp việc gia đình.
Cô giúp việc là người quê Hưng Hà - Thái Bình nên khi nói chuyện, những từ bắt đầu bằng L cô ấy đều đọc thành N.
Ban đầu, 2 vợ chồng nghe cô ấy nói chuyện thì chỉ tủm tỉm cười, nhưng 1 thời gian sau, tôi phát hiện ra cô con gái 5 tuổi của mình cũng nói “ngọng líu ngọng lô”, N - L lẫn lộn thì tôi mới giật mình.
Tôi vội vàng cho cô giúp việc nghỉ rồi 2 vợ chồng tập trung vào uốn nắn lại cách phát âm cho con. Sau một thời gian kiên trì, cuối cùng cháu cũng sửa được và không bị mắc lại dù ở lớp cháu có khá nhiều bạn cũng gặp phải tình trạng này”.
Cùng hoàn cảnh như chị Hải Anh, chị Linh ở Láng Thượng - Đống Đa - Hà Nội cũng không khỏi ấm ức khi kể về chuyện chị phải bỏ tiền ra chỉ để thuê gia sư chuyên dạy chữa ngọng cho cả 2 con của mình.
“Mình tên Linh mà đi làm về con bé cứ chạy ra reo rối rít: “Mẹ Ninh đã về, mẹ Ninh đã đi nàm về”. Cô con gái lớn thì không chỉ nói ngọng mà còn bị “viết ngọng” nữa” - chị Linh kể.
Theo lời chị Linh, cả gia đình chị 3 đời nay đều sống ở Hà Nội nên tuyệt nhiên không có chuyện ai đó trong gia đình nói ngọng để các cháu học theo. Tất cả là vì các cháu học ở người giúp việc.
May mà, cũng giống như trường hợp của chị Hải Anh, chị Linh sau khi kiên trì cùng con luyện tập, đồng thời thuê gia sư chữa ngọng cho con thì nay cả hai bé đều đã sửa được đến 80%.
Người giúp việc chỉ là một yếu tố rất nhỏ
“Đừng đổ oan cho người giúp việc, vì những ảnh hưởng về giọng nói của người chỉ là những ảnh hưởng tạm thời mà thôi” - cô Nguyễn Minh Phương (một giáo viên về hưu đang sinh sống tại quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) cho biết sau khi nghe những ý kiến lo lắng về chuyện những đứa trẻ Hà Nội đang bị “ngọng hóa” vì người giúp việc.
Theo cô Phương, nhiều đứa trẻ trong gia đình có người giúp việc bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ và giọng nói của người giúp việc là chuyện khá phổ biến.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng đó không phải là những ảnh hưởng sâu đậm có thể hình thành nên giọng nói trong suốt cuộc đời của một đứa trẻ. “Chúng còn có bố mẹ, gia đình và cả một cộng đồng lớn ở Hà Nội chứ đâu chỉ có nguyên người giúp việc” - cô Phương nói.
“Tôi đã gặp rất nhiều em học sinh, khi mới đến lớp thì bị nhầm lẫn giữa N - L do trong gia đình có người nói ngọng mà cũng có thể là do ảnh hưởng từ người giúp việc. Tuy nhiên, khi tham gia vào một tập thể lớp mà mọi người không nói ngọng thì dần dần các em ấy cũng đều sửa được.
Bên cạnh đó, cũng có những em có giọng nói rất chuẩn, nhưng khi bước chân vào giảng đường đại học, rồi ra xã hội, gặp và giao lưu với nhiều người dân nhập cư khác thì cách nói, giọng nói cũng thay đổi đi khá nhiều” - cô Phương nói thêm.
Về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt, giảng viên khoa Ngôn Ngữ học, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn cũng cho rằng, người giúp việc chỉ là một yếu tố rất nhỏ, ảnh hưởng đến vấn đề giọng Hà Nội đang bị mất dần. Bởi ở Hà Nội, không phải là gia đình nào cũng có osin, và trong số những osin được thuê về không phải ai cũng nói ngọng.
“Tiếng Hà Nội gốc bị pha trộn có thể nói là do rất nhiều yếu tố như: ảnh hưởng của môi trường xã hội, sự nhập cư ồ ạt... chứ không riêng gì osin” - PGS Đạt nói.
Theo Vietnamnet