"Osin thời nay": Giúp việc "nhặt" được con gái

Chủ nhật, 16/12/2012, 14:34
Người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc sành điệu thi thoảng lại lượn xe SH vào đón bà giúp việc đi chơi. Bà quay lại phía hàng xóm phân trần vẻ tự hào: "Con gái nuôi đấy, vào đưa mẹ đi chơi phố, đãi đặc sản. Tôi từng làm giúp việc cho nhà cháu hơn chục năm".

Mẹ là mẹ nuôi con nhé

Thường thì khi chủ động chuyển đổi công việc từ chủ này sang chủ khác, những người giúp việc hay kể về chủ cũ với nỗi ấm ức, bất bình. Nhưng bà Bùi Thị Thư (Hạ Hòa, Phú Thọ) lại hoàn toàn ngược lại. Nhắc đến Hoàng Hường, "cô con gái nuôi", cũng là chủ cũ của mình, bà Thư bao giờ cũng trìu mến, xuýt xoa, hết thương "con" vất vả, nhọc nhằn lại tấm tắc về những tình cảm mẹ con bao năm gắn bó, giờ phải xa nhau.

Bà Thư bảo số bà vất vả, 34 tuổi đã mất chồng, trải qua những tháng ngày cơ cực chưa từng có. Đất đồi trung du mênh mông nhưng toàn lau với sậy, bà vừa trông chừng đàn con líu ríu, vừa phải lo trồng trọt, kiếm cái ăn để nuôi mấy mẹ con.

Khi các con của bà khôn lớn và lập gia đình, thương con trước đây không có điều kiện học nghề đang hoàng, bà mẹ vất vả suốt một thời tuổi trẻ lại tiếp tục nghĩ cách kiếm tiền giúp các con có vốn làm ăn. Đó là lý do đưa đẩy bà tới với nghề giúp việc.

Chữ nghĩa biết bập bõm chữ đực chữ cái, không qua trường lớp đào tạo, môi trường sống ở tận vùng sâu vùng xa, nghèo khổ... vốn liếng đi làm osin của bà Thư chỉ là những năm tháng đã chèo chống nuôi các con vượt qua hoạn nạn. Và thật may mắn cho bà, giữa nơi thị thành, trong một gia đình có điều kiện sống cao cấp, bà đã không cảm thấy bị lạc lõng, khinh rẻ, ngược lại còn được trân trọng, yêu thương.

"Tôi chẳng ngại mình là người nhà quê, cái gì không biết cứ nói là không biết, nhờ cháu nó chỉ dẫn rồi mình học cách sử dụng. Điều quan trọng là phải có tình với người ta, dù mình đi làm là vì đồng tiền thật. Như tôi đây, thấy mẹ nó vất vả buôn bán từ sớm tới khuya, con nhỏ, việc gia đình mọi thứ đều trông cậy vào mình, mình thân phụ nữ cũng từng trải qua giai đoạn khó khăn rồi nên thương lắm nên thành ra không thể không dốc lòng giúp đỡ", bà Thư tâm sự.

Và phần thưởng lớn lao nhất đối với bà Thư là "ở được một thời gian, một bữa nó bảo, mẹ ơi mẹ thành mẹ nuôi của con nhé, thế là thành mẹ con thôi", bà Thư cười sung sướng.

me nuoi
Mẹ osin và con nuôi quấn quýt mỗi khi gặp nhau.


Không muốn ăn bám con, phải đi thôi

Bà Thư sinh con một bề, toàn con trai, vốn thầm ước ao có được một cô con gái chấy rận. Khi chồng mất, bà cứ nghĩ mơ ước của bà cũng chỉ mãi là mơ ước thôi, vậy mà trong một hoàn cảnh không ai ngờ, ông trời lại hoán vai "chủ - tớ" cho bà một niềm vui, hạnh phúc đến thế.

Bà Thư chia sẻ: "Con trai khi nhỏ thường quấn quýt với mẹ nhưng lớn lên lại gần gũi với vợ hơn. Còn con gái thì khác. Như cháu Hường có chuyện gì cũng rúc rích kể với mẹ. Cách thể hiện tình cảm cũng chu đáo kiểu con gái. Đi với bạn, hôm nào được ăn món ngon, lạ là lập tức mua thêm một suất về đưa mẹ ăn. Ngày nghỉ nào cũng mời mẹ đi ăn đủ món đặc sản. Quần áo cũng mua "tân trang" cho mẹ".

Tôi hỏi chị Hường, tình cảm mẹ con thắm thiết thế, sao bà lại "bỏ" chị đi làm cho nhà khác như thế này, chị Hường cười: "Vì bà bảo cả hai con tôi lớn, ở cái tuổi tự lo được rồi, đâu còn nhiều việc cho bà làm. Ở vậy thành ra tôi lại phải nuôi cả bà nên cứ nằng nặc ra đi. Tôi giữ quyết liệt lắm, cả dỗi nữa vẫn không ăn thua. Đành bảo mẹ muốn đi thì đi vậy nhưng già nhất định phải về đây ở với con, con nuôi mẹ".

Thế là thi thoảng bà mẹ Thư mộc mạc, chân chất lại tiếp một cô con gái sành điệu tới thăm, chở mẹ đi ăn, lượn phố, mua sắm. Những ngày ở quê bà Thư có việc, bao giờ cũng là con gái nuôi đưa về, cùng bà lo liệu mọi thứ chu toàn đâu vào đấy. Mọi người thường đùa, bà đúng là "osin cao cấp".

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn