Tiết lộ của Osin giải nghệ vì chủ nhà quá khủng khiếp

Thứ bảy, 08/12/2012, 11:55
Ở tuổi 60, vì vướng đứa con năm cuối trường cao đẳng tiền tiêu như nước, bà Lê Thị Hảo (Hạ Hòa, Phú Thọ) quyết tâm xuống Hà Nội "hành nghề" osin. Nhưng vừa mới bập vào nghề, một chủ nhà đã khiến bà sợ mất mật, vĩnh biệt luôn cái nghề mà lên dây cót tinh thần mãi bà mới dám dấn vào.

>>“Osin thế kỷ 21”: Vừa tham, vừa gian
>>“Osin thế kỷ 21”: Mắng con, bị osin hằn học như thù
>>Truy bắt “osin” trộm hơn 6 tỉ đồng
>>Nguyễn Huy Thiệp 'chơi' kịch 'Nhà Ôsin'

Bữa cơm đong từng lạng gạo

Bà Hảo có tất cả 5 người con thì 4 đã yên ấm gia đình, dựng vợ gả chồng đầy đủ. Chỉ riêng có cậu út, niềm hy vọng lớn lao nhất của bà vẫn đang học năm cuối một trường cao đẳng. "Trăm thứ tiền cô ạ, mà vợ chồng tôi đều chỉ trông vào mảnh ruộng bé tí ti, cứ cuống cả lên mỗi khi thằng bé điện về xin tiền.

Giữa lúc đó có người bảo tôi sẽ giới thiệu xuống Hà Nội làm giúp việc, lương 2 triệu. Nghĩ chỉ mỗi bế đứa trẻ mà mỗi tháng được cả số tiền "trong mơ", tôi và ông nhà đắn đo mãi rồi quyết định để tôi đi làm", bà Hảo bần thần.

Bà Hảo bảo, phải đắn đo mãi là vì ở quê bà, nhiều người vẫn có cái nhìn không thiện cảm về nghề giúp việc. Cho nó giống như đi ở đợ, tôi đòi ngày xưa. Hơn nữa cả đời bà chưa một lần bước chân ra khỏi lũy tre làng, giờ đến tuổi lẽ ra được nghỉ ngơi thì lại vất vả mưu sinh nơi "xứ người" nên tủi phận.

Chưa kể ông ở nhà có một mình vò võ, những khi trái nắng trở trời... Thế nhưng nghĩ tới con, sắp tới ra trường còn cần một khoản tiền xin việc, hai vợ chồng quyết định "hy sinh" bản thân mình.

"Trước khi đi tôi cũng hỏi kỹ lắm rằng chủ nhà tính cách thế nào thì người giới thiệu hết lời ca ngợi, bảo tôi yên tâm. Nhà có hai vợ chồng trẻ, đứa con 2 tuổi và ông bà nội. Nhiệm vụ của tôi chỉ là trông cháu bé, không cần quan tâm đến việc khác. Thế nhưng, ngay từ những ngày đầu tiên nhận việc, trong tôi đã thầm nghĩ, có lẽ chẳng thể nào ở được", bà Hảo kể.

Ấn tượng nhất với bà Hảo có lẽ là việc lần nấu cơm nào cũng phải mang gạo ra cân. "Tôi ở quê, từng bữa đói bữa no nhưng cũng chỉ đong áng chừng bằng bơ, bằng bát, chưa từng gặp ai bắt cân gạo mỗi bữa như bà chủ. Bởi nhà có đông người nào cho cam, mỗi hôm cũng chỉ từng đấy người. Vậy mà bữa nào bà chủ cũng tính toán, dựa trên nhu cầu từng người hôm đó rồi bắt tôi cân gạo cho... chính xác, tránh lãng phí".
 
Dù có được trả 3, 4 triệu đồng/tháng tôi cũng không dám đi “ở đợ” nữa.

Tôi sợ người thành phố lắm rồi

Bữa cơm đầu tiên, thấy bà Hảo ăn sang lưng cơm thứ 3, bà chủ nhà cười nhạt: "Bà trông thế mà ăn tốt nhỉ, đúng là người gầy thầy cơm. Nhưng ở tuổi này ăn vừa đủ thôi kẻo sinh bệnh như tôi đây này". Đến sau này ngẫm lại, bà Hảo mới hiểu câu nói đó bóng gió việc bà ăn tốn cơm gạo.

Nhưng điều bà Hảo cảm thấy buồn tủi nhất là việc bị phân biệt rạch ròi thân phận "chủ, tớ", bị soi xét từng ly từng tí. "Khi tôi đến làm, cô con dâu nói với tôi công việc của tôi chỉ là trông em bé và cô là người trả lương cho tôi nên chỉ cần làm theo yêu cầu của cô. Nhưng thực tế thì lại khác hẳn.

Tôi phải làm đủ thứ việc quần quật từ sáng tới 10h đêm. Bà chủ chỉ cần thấy tôi ngơi tay một chút là sai đi làm gì đó. Ức chế nhất là nhà tôi vừa quét, lau dọn xong, bà ấy bảo tôi đi quét, lau lại vì vẫn thấy có... bụi. Lại còn thường xuyên nghe những lời chì chiết, bóng gió, chê bôi".

Nghĩ trở về quê thì không có tiền, bà Hảo cắn răng chịu đựng. Nhiều bữa buồn tủi quá, bà trốn ra ngoài đường khóc thầm. "Một người hàng xóm thấy tôi như vậy thì thương cảm mà bảo: Không ở được nhà đó đâu. Nhà đó giàu nứt đố đổ vách nhưng bà chủ keo kiệt, ghê gớm nổi tiếng. Từ khi cô con dâu đẻ tới giờ đã trải qua hơn chục người giúp việc rồi. Người ở lâu nhất cũng chỉ được vài tháng là đi".

Sau nhiều đêm thức trắng, bà Hảo quyết định xin nghỉ việc, chấm dứt "sự nghiệp" osin vừa nhen nhóm. Tiền công hơn chục ngày và tiền tàu xe, bà chủ trả cho bà 200.000đ. Bà lếch thếch ra bến xe về quê, nước mắt lưng tròng. Có người lại mối manh rủ bà đi làm nhà khác, bà lắc đầu quầy quậy: "Tôi sợ người thành phố lắm rồi. Tôi làm thuê ở quê thôi".

 
Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn