Đường thủy ở Nam Bộ: Còn quá nhiều chướng ngại vật

Thứ hai, 17/12/2012, 10:31
Trên hàng trăm km tuyến sông, kênh trên địa bàn các tỉnh TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh... còn tồn tại hàng chục vị trí có chướng ngại vật (CNV) dưới lòng sông, luôn đe dọa ATGT đường thủy.  

“Bẫy” dưới lòng sông

Đá ngầm, xác tàu chưa được trục vớt, cọc sắt... dưới lòng sông luôn là mối hiểm họa thường trực đối với các tài công điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, trên các tuyến sông ở khu vực Nam bộ.

Theo thống kê của Đoạn quản lý ĐTNĐ số 10 (Đoạn 10), đơn vị quản lý hàng trăm km các tuyến sông lớn như: sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ... hiện ở các tuyến sông này luôn tồn tại hàng chục bãi đá ngầm, bãi đá cạn, cọc sắt, xác tàu chưa được trục vớt, gây mất ATGT đường thủy.

 chướng ngại vật “mọc” giữa sông
Một chướng ngại vật “mọc” giữa sông chưa được xử lý.

Đồng Nai là một trong những tuyến sông nguy hiểm nhất khu vực Nam bộ, tồn tại gần 20 bãi cạn, đá ngầm. Mặt khác do trên sông Đồng Nai có nhiều cảng sông, cảng vật liệu xậy dựng, bến thủy nội địa... mật độ phương tiện giao thông thủy qua lại rất cao lại tồn tại nhiều CNV dưới lòng sông nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT.

Có thể kể ra hàng loạt CNV có chiều rộng ngang hàng trăm mét nằm bên trong cũng như ngoài luồng làm thu hẹp luồng ghe, tàu chạy trên tuyến sông này như: bãi đá trạm 4 (gần thượng lưu cầu Đồng Nai), trụ đá mồ côi (gần cù lao Ba Sang), bãi đá ngầm Saiga, bãi đá ngầm cầu Ghềnh, trụ đá đứng, đá ngầm Biên Hòa...

Trong đó đặc biệt nguy hiểm là các bãi đá hành lang cầu Hóa An, bãi đá ông Nghê, Tân Định - Rạch Đông do nằm sát mép luồng hoặc ngay trong luồng tàu chạy, nên rất nguy hiểm cho các phương tiện thủy. Sông Sài Gòn còn 3 vị trí có CNV, trong đó có 1 xác tàu chưa được trục vớt, sông Vàm Cỏ cũng còn 5 vị trí có CNV nằm dưới sông.

Khó xử lý chướng ngại vật

Trao đổi với PV Báo GTVT về công tác xử lý CNV, ông Hồ Ngọc Nghĩa, Phó trưởng phòng Kỹ thuật Đoạn 10 cho biết: trước đây để thông luồng trên sông Đồng Nai đã có một số dự án phá đá ngầm như tại khu vực cầu Ghềnh, cù lao Ba Sang...

Do thiếu kinh phí nên các đơn vị thi công phá đá ngầm và đơn vị quản lý chỉ tiến hành vạt một phần đá ăn sâu ra luồng để đảm bảo luồng tàu chạy. Riêng đối với các CNV được tạo nên bởi con người như: đáy cá trên sông, cọc sắt, dầm cầu do thi công cầu không được thu dọn sẽ do chủ nhân của CNV đó tháo dỡ nhưng nhiều cá nhân, đơn vị “chây ì” trong việc xử lý thanh thải trả lại luồng sạch cho tàu chạy.

Đơn cử như: trên sông Sài Gòn tại km22+670 hiện vẫn tồn tại một cái “bẫy” là xác tàu chìm của Công ty TNHH Hải Đăng nằm cách bờ khoảng 30m, điểm cao nhất nhô lên khỏi đáy sông là 6m, ảnh hưởng trực tiếp đến luồng. Viện cớ kinh phí trục vớt quá cao (250 triệu đồng) nên đơn vị này vẫn cố tình không trục vớt con tàu đắm. Trong khi đó, đoạn sông này lại nằm cạnh cầu Rạch Chiếc, rất đông phương tiện thủy qua lại.

Tại km142+500 trên sông Sài Gòn có 3 cọc sắt I400 nằm ngay trong khoang thông thuyền cầu mới Tây Ninh, cách trụ cầu bờ phải 4m, ảnh hưởng đến luồng. Tại km111+550 còn tồn tại 3 cọc sắt của Công ty CPXD CTGT 820 thi công cầu Thanh An, do thiếu vốn thi công đơn vị này rút đi nhưng các cọc sắt vẫn nằm lổm ngổm trên sông. Đối với các CNV trên sông do con người tạo ra, Đoạn 10 đã nhắc nhở nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến.

Ngoài ra, sông Vàm Cỏ còn khá nhiều xác tàu chìm nằm dưới đáy sông do lịch sử để lại, qua thời gian bồi lắng những xác tàu này dần dần nhô lên cao, đe dọa ATGT thủy. Đối với những bãi cạn, bãi đá ngầm đã xác định được vị trí, Đoạn 10 đã làm biển báo hiệu hướng dẫn luồng ghe, tàu chạy đúng quy định để đảm bảo ATGT.

Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, để đảm bảo ATGT các tàu, phương tiện thủy lưu thông thông suốt, cần phải xử lý những bãi đá ngầm, CNV dưới sông. Nhưng để xử lý những CNV cần nguồn kinh phí rất lớn nên chưa thể giải quyết triệt để những cái “bẫy” nguy hiểm này.

 

Theo Giaothongvantai

Các tin cũ hơn